Ngày 15 tháng 7 âm lịch thường được gọi là Tết Trung Nguyên, dân gian thường gọi là “Rằm tháng Bảy.” Trong các ngày lễ tiết theo phong tục truyền thống của Trung Hoa thì Tết Trung Nguyên có thể được xem là ngày lễ quan trọng; ở một số nơi, Tết Trung Nguyên còn được kéo dài tới một tháng. Ví dụ như ở thành phố Cơ Long (Keelung), Đài Loan, lễ hội Tết Trung Nguyên rất nổi tiếng. Nguồn gốc của Tết Trung Nguyên thực sự có lịch sử lâu đời, là phong tục được dung hợp giữa Phật giáo, Đạo giáo và thờ cúng tổ tiên trong dân gian.
Trong “Kinh Sở Tuế Thời Ký” thời Nam Bắc triều có ghi chép rằng, ngày 15 tháng 7, các tăng ni và Đạo sĩ đều có tục “Dâng bồn cúng chư Tiên.” Đạo giáo gọi ngày này là Tết Trung Nguyên, Phật giáo gọi là lễ Vu Lan Bồn, trong dân gian lại có tên gọi là “Quỷ tiết.” Từ thời Nam Bắc triều đến nay, trong tôn giáo và phong tục dân gian của các triều đại đều có nhiều phong tục khác nhau về Tết Trung Nguyên.
Dâng Vu Lan Bồn chay trong Phật Giáo
Trong Phật giáo, ngày 15 tháng 7 âm lịch là ngày Lễ Vu Lan Bồn, gọi tắt là Lễ Vu Lan. Trong ngày này, các Phật tử thiết Vu Lan Bồn chay cung dưỡng các vị tăng tu Phật.
Tên gọi “Vu Lan Bồn” xuất phát từ phiên âm của “ULLambana” trong tiếng Phạn, có nghĩa là “cứu đảo huyền.” “Đảo huyền” là khổ nạn treo ngược, chỉ nỗi thống khổ của những sinh linh bị đọa nhập đạo ngạ quỷ nơi địa ngục. Tập tục này bắt nguồn từ câu chuyện Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) cứu mẹ.
Mục Kiền Liên (ở Trung thổ thường gọi là Mục Liên) là đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ông mặc dù có thần thông phi thường nhưng không thể cứu được linh hồn người mẹ đầy tội nghiệp bị đọa ngạ quỷ. Mục Kiền Liên tìm đến Phật Thích Ca Mâu Ni thỉnh cầu cách cứu mẹ. Ông vâng theo lời chỉ dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni, dùng Vu Lan Bồn chay cúng dường tăng chúng thập phương, tập hợp công đức của các chư tăng, cuối cùng đã cứu được linh hồn mẫu thân thoát khỏi khổ nạn đảo huyền. Về sau, vào thời Nam Bắc triều, tín ngưỡng Phật giáo phát triển hưng thịnh, mới bắt đầu phổ biến tập tục dâng Vu Lan Bồn chay.
Theo “Phật Tổ Thống Ký” thời Nam Tống có ghi chép, việc thiết Vu Lan Bồn chay sớm nhất ở Trung Quốc bắt đầu vào năm Đại Đồng thứ 4 (năm 538) thời Nam Bắc triều. Khi đó, Lương Vũ Đế thiết Vu Lan Bồn chay tại chùa Đồng Thái (nay là chùa Kê Minh ở Nam Kinh) cung dưỡng chư tăng tu Phật, về sau thực hiện rộng khắp ở các chùa khác vào ngày 15 tháng 7 hàng năm. Các tín đồ Phật giáo trong dân gian cũng tổ chức Lễ Vu Lan Bồn, cung dưỡng trái cây, thức ăn chay thơm ngọt cho tăng chúng, báo đáp ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của phụ mẫu trong bảy đời, đồng thời từ bi bố thí.
Tinh thần cứu mẹ của Mục Kiền Liên đã dung hợp với tư tưởng “hiếu đạo” của Nho gia Trung Quốc, đồng thời ẩn hàm lẽ Trời thiện ác hữu báo, nhân quả báo ứng. Do đó, Tết Trung Nguyên đã trở thành một ngày lễ có phong tục hợp nhất giữa tập tục dân gian và Phật giáo.
Rằm tháng Bảy là ngày sinh nhật của Địa Quan trong Đạo giáo, cũng là ngày Địa Quan xá tội
“Trung Nguyên” trong văn hóa dân gian của người Hoa vốn là cách gọi xuất phát từ Đạo giáo. Trung Nguyên – ngày 15 tháng 7 (âm lịch) là ngày sinh nhật của Địa Quan trong Đạo giáo. Tập tục Tết Trung Nguyên trong tín ngưỡng Đạo giáo cũng bắt nguồn từ sinh nhật của Địa Quan. Trong Đạo giáo, Ngọc Đế bổ nhiệm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan, còn được gọi là “Tam Nguyên Đại Đế,” có nhiệm vụ khảo sát thiện ác trong chúng sinh, hằng năm bẩm báo lại cho Ngọc Đế.
Trong cuốn “Lịch đại Thần Tiên thông giám” do Từ Đạo triều Minh biên soạn có ghi chép rằng, bắt đầu từ thời Bắc Ngụy, có truyền thuyết Tam Quan sẽ ban phúc cho hạ giới vào ngày sinh nhật của họ.
Địa quan quản lý nhân gian, quyết định việc thiện ác và chuộc lỗi, xá tội. Vào ngày Trung Nguyên, ông sẽ hạ phàm và từ bi xá tội cho con người. Do đó trong dân gian, vào ngày này, nhà nhà thờ cúng và tế bái tổ tiên, cầu khấn Địa quan xá miễn tội nghiệt cho người thân đã mất. Về sau, từ cúng tế tổ tiên lại phát triển rộng ra thành phổ độ hết thảy cô hồn dã quỷ. Từ đó bắt đầu hình thành nên tập tục lập đàn tế lễ phổ độ vào ngày “Tết Trung Nguyên.”
Phong tục cúng tế tổ tiên trong dân gian
Đến thời Tống, phong tục thiết bồn chay dâng cúng và lập đàn tế lễ phổ độ trong Tết Trung Nguyên càng trở nên phổ biến hơn, đây là một sự kiện quan trọng trong năm. Ngày 15 tháng 7, Đạo quán cử hành lễ Trung Nguyên, chùa chiền tổ chức Lễ Vu Lan Bồn, còn dân chúng thì thực hiện nghi thức cúng tế tổ tiên. Trong “Vũ Lâm Cựu Sự” có ghi chép tập tục ở đô thành thời Nam Tống như sau:
Ngày 15 tháng 7, Đạo gia gọi là “Tết Trung Nguyên,” các nơi đều có lễ hội lập đàn tế lễ. Các tăng nhân, chùa miếu thì làm Vu Lan Bồn chay. Còn người dân thì thường dùng gạo mới, tương mới, hàng mã, trái cây theo mùa, lụa màu, lá cờ để cúng tế tổ tiên. Mọi người hầu như ăn chay đến ngày 18, 19, cho nên các lò mổ đều nghỉ bán trong những ngày này.
Trong cuốn “Mộng Lương Lục” ghi chép các sự kiện cuối thời Nam Tống, trong đó nói về việc các gia đình danh gia vọng tộc tổ chức lễ tế siêu độ cô hồn:
Vào ngày 15 tháng 7,… còn là ngày Địa quan cai quản Trung Nguyên xá tội, các miếu đạo quán lập đàn cúng tế phổ độ, dâng lễ cho các bậc hiền nhân. Dòng tộc gia đình quyền quý, giàu có thì lập đàn cúng tế ở nhà, mời tăng ni cúng bái tưởng niệm cho người đã khuất, hoặc siêu độ cô hồn.
Tìm về nguồn gốc của ngày Tết Trung Nguyên, để cho hậu thế thấy rằng ngày Tết Trung Nguyên vào Rằm tháng Bảy âm lịch là tháng từ bi hỷ xả, cảm ân và tưởng nhớ, tràn đầy tinh thần phổ độ từ thiện, từ bi.
Tài liệu tham khảo:
Epoch Times Tiếng Việt