Monday, September 16, 2024

Xem tranh không ngộ, bỏ lỡ Đạo duyên

Liên Quan

Trong truyền thuyết dân gian, Lã Động Tân thường hay biến hóa chân thân, hóa thân thành đạo nhân y phục rách rưới đi khắp nhân gian để thức tỉnh nhân tâm. Một ngày nọ tại phủ tể tướng Trần Chấp Trung, trong lúc bạn bè thân quyến đang tụ tập vui chơi, thì Lã Động Tân tìm đến nơi thăm hỏi, ông bày ra một bức Tiên họa để Tể tướng tận mắt chứng kiến Thần tích. Tuy nhiên, khi Tể tướng ngộ ra thân phận của Đạo nhân thì đã lỡ mất Tiên duyên.

Tể tướng Trần Chấp Trung làm quan hai triều Tống Chân Tông và Tống Nhân Tông. Ông làm quan thanh liêm, thẳng thắn can gián Hoàng đế. Tống Chân Tông bị bệnh đã lâu mà không khỏi, hơn nữa tuổi tác cũng đã cao, nhưng lại cứ chần chừ mãi không lập người kế vị. Đa số các triều thần đều giữ im lặng, không ai dám mở miệng khuyên Thiên tử sớm lập Đông cung. Trần Chấp Trung liền dâng lên ba bài “Diễn Yếu” để thẳng thắn khuyên nhủ Tống Chân Tông sắc lập người kế vị.

Ngày hôm sau, Chân Tông Hoàng đế cho quan phụ thần xem các tấu chương khác trước, quần thần đều khen ngợi: “Thật hay quá”. Lúc này, Chân Tông liền chỉ vào tấu chương trong tay áo rồi nói: “Ở đây còn có bức tấu chương khác hay hơn nữa”. Nói rồi ông rút ra đưa cho các quan phụ thần xem. Vì chuyện này, Chân Tông cho vời Triệu Chấp Trung đến biệt điện, quân thần nghị luận một hồi lâu. Tống Chân Tông hết lời tán dương Triệu Chấp Trung vì đã thẳng thắn can gián, do đó mà thăng chức cho ông lên làm Hữu chính ngôn (chức quan chịu sự quản lí của Trung Thư Tỉnh). Một tháng sau, Tống Chân Tông sắc lập Thái tử, cũng chính là Tống Nhân Tông sau này.

Sau khi Nhân Tông chấp chính, Vào năm Khánh Lịch thứ 5 (năm 1045), Trần Chấp Trung được phong làm Tể Tướng, Đồng bình chương sự, Tập hiền điện đại học sĩ kiêm Khu mật sứ. Có một hôm, con rể của ông đến cầu xin một chức quan, hi vọng nhạc phụ có thể sắp xếp một vị trí tốt cho mình. Trần Chấp Trung nói với con rể rằng: “Quan chức là của Quốc gia, chứ chẳng phải là thứ cất trong thùng đồ ở phòng ngủ nhà chúng ta, con rể muốn có được bằng cách nào?” .

Lúc đó trong triều, quan Can gián đã nhiều lần can ngăn Hoàng đế rằng Trần Chấp Trung kém cỏi bất tài, không phải người thích hợp làm Tể tướng nhưng Tống Nhân Tông lại rất xem trọng ông. Về sau, quan Can gián ở ngay trước mặt Thiên tử mà công khai chất vấn rằng: “Bệ hạ sở dĩ trọng dụng Chấp Trung, không muốn người khác thay thế ông ta, phải chăng bởi vì ông ta vào thời tiên triều đã từng dâng tấu xin lập bệ hạ làm Thái tử? Huống hồ tiên Đế chỉ có 2 hoàng tử, mà Chu Vương thì đã hoằng thệ (qua đời), ngoài bệ hạ ra thì còn có thể lập ai được nữa đây? Chấp Trung có công lao gì chứ?”

Tống Nhân Tông nói: “Hoàn toàn không phải là vì nguyên nhân này, mà là vì Chấp Trung trước nay chưa bao giờ lừa dối trẫm”. Tống Nhân Tông cho rằng Chấp Trung làm quan thanh liêm, thiết diện vô tư, sẽ không vì lợi ích cá nhân mà làm ra những chuyện lừa dối Thiên tử. Vì vậy mà trọng dụng ông ta.

Trần Chấp Trung xây một ngôi nhà tại Kinh Thành, một hôm bạn bè thân quyến đến tụ họp vui chơi ăn uống. Một lát sau, một vị Đạo sĩ ăn mặc rách rưới tìm đến. Trần Tể tướng hỏi người đó: “Ông có kỹ năng gì?”. Đạo sĩ đáp: “Ta có bộ nhạc cụ Tiên, muốn biểu diễn cho mọi người cùng nghe, góp vui cho buổi tiệc”. Nói rồi từ giữa hông rút ra một cuộn tranh, treo trên cột ngay trong đại sảnh.

Tranh vẽ 12 Tiên nữ, mỗi người đều có một nhạc cụ riêng. Đạo sĩ gọi họ từ trong tranh bước ra. Các Tiên nữ nhẹ nhàng lần lượt bay đến đại sảnh. Có hai vị Tiên nữ trong tay cầm cờ phướn, ở phía trước chỉ đạo. Những Tiên nữ còn lại bắt đầu diễn tấu. Bởi vì bọn họ đều là Thiên nữ, nên dung mạo ai nấy đều xinh đẹp, phong thái nhẹ nhàng, đầu đội “Thất bảo quan”, thân mặc “Lục Thù y” của Tiên gia, Ngọc bội Kim Kha, cử chỉ mềm mại trang nghiêm. Ngoài ra, trên mũi mỗi người còn có một viên ngọc màu vàng, tựa như những hạt kê. Ca khúc mà họ biểu diễn trong trẻo du dương, vang vọng thấu trời cao. Làn điệu phi phàm, khác hẳn với nhân gian.

Sau khi biểu diễn kết thúc, Trần Chấp Trung liền hỏi: “Những cô gái này từ đâu đến?”. Đạo sĩ trả lời ông rằng: “Họ là ngọc nữ Lục Đinh Lục Giáp (12 thần hộ pháp trong Đạo giáo). Sau khi người ta học Đạo đắc Đạo xong thì chư Thần chi phối ba hồn bảy phách và lục phủ ngũ tạng của cơ thể sẽ hóa thành 12 vị kia. Ông đồng ý học Đạo chứ?” .

Trần Chấp Trung cho rằng Đạo sĩ thi triển huyền thuật để mê hoặc mình, nên trong lòng cảm thấy rất không hài lòng. Đạo sĩ nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt của Tể tướng thì nói với các Thiên nữ rằng: “Các người có thể đi được rồi”, ngay lập tức họ đều quay trở lại trong tranh.

Đạo sĩ lấy cuộn tranh xuống, cuộn lại rồi nuốt vào bụng. Sau khi hỏi mượn giấy bút thì đề một bài thi văn:

“Tằng kinh Thiên Thượng tam thiên kiếp. Hựu tại nhân gian ngũ bách niên. Yêu hạ kiếm phong hoành tử điện. Lô trung đan diễm khởi thương yên.

Tài kị bạch lộc quá thương hải. Phục khóa thanh ngưu nhập động thiên. Tiểu kĩ đẳng nhàn liêu hí nhĩ. Vô nhân tri ngã thị chân Tiên”.

(Tạm dịch nghĩa: Từng sống 3000 kiếp ở trên Thiên Thượng, lại ở nhân gian thêm 500 năm. Lưỡi kiếm ngang hông ánh lên màu sắc cát tường. Ngọn lửa đỏ trong lò bốc lên làn khói cao ngút trời.

Kỳ tài cưỡi nai trắng qua biển lớn, Cưỡi trâu xanh đi vào động Thiên. Kĩ năng nhỏ bé tựa như đùa giỡn. Không ai biết ta là chân Tiên).

Sau cùng đề danh là “Cốc Khách”. Viết xong, vị đạo sĩ liền rời đi. Vừa ra khỏi cổng lớn thì bóng dáng cũng biết mất.

Trần Chấp Trung sau khi đọc xong bài thi văn của Đạo nhân, nghĩ ngợi một lúc rồi nói với mọi người rằng: “Cốc Khách chính là Lã Động Tân”, thì ra động cốc và tân khách là một tổ từ.

Lã Động Tân đã dùng hai chữ “Cốc Khách” để ẩn dụ về Đạo danh của minh. Trần Chấp Trung đột nhiên tỉnh ngộ, thì ra là chân nhân hạ phàm, nhưng bản thân có mắt như mù, không nhận ra chân Tiên. Ông vì chuyện này mà vô cùng hối hận. Không lâu sau thì qua đời.

Chú thích

Lục Đinh Lục Giáp:Các vị Thần chưởng quản Thiên can Địa chi,có 12 vị Thần. Vào thời đầu Hán triều,Hiến đế khởi cư chú ghi chép lại từ trước đã có thờ cúng Lục Đinh Lục Giáp. 6 vị Đinh Thần:Đinh Mão, Đinh Tị, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi, Đinh Sửu;6 vị Lục Thần:Giáp Tý, Giáp Tuất, Giáp Thân, Giáp Ngọ, Giáp Thìn, Giáp Dần. Trong Tục văn hiến thông khảo lại cho rằng:“Lục Đinh là Âm Thần Ngọc nữ. Lục Giáp là Dương Thần Ngọc nam”

Nguồn tư liệu:Lã Tổ toàn thư, Tống sử, Thanh tương tạp ký


Tống Bảo Lam

BTV Epoch Times Hoa Ngữ


Vương Du Duyệt biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại Epochtimes Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x