Hành trình đến thăm gia đình các nạn nhân trong thảm kịch 39 người Việt chết trong container ở hạt Essex (đông bắc London, Anh), đã để lại cho ông John Hurson (53 tuổi) những cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời.
Đó là một ngày trung tuần tháng 2, ông John – một tài xế xe tải ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland bất ngờ đến thăm gia đình nạn nhân ở Nghệ An, Hà Tĩnh trong thảm kịch di cư Essex hồi cuối năm 2019, khi 39 thi thể người di cư Việt Nam được tìm thấy trong container.
Phía sau hành trình này, là câu chuyện đầy xúc động của người tài xế đến từ quốc gia ở nơi xa xôi.
“Từ Tyrone đến Việt Nam”
Sau khi vừa kết thúc chuyến thăm 5 gia đình nạn nhân ở Nghệ An, Hà Tĩnh và đang trong những ngày khám phá Hội An (Quảng Nam), ông John cho biết vẫn còn nhớ như in cảm xúc gần 4 năm về trước.
Thời điểm đó, thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông địa phương, ông đã rất buồn và tức giận khi biết tin có 39 nạn nhân Việt Nam chết trong container ở Essex, liên quan tới đường dây đưa người vào Anh bất hợp pháp.
“Tôi buồn vì vụ việc đau lòng đó đã xảy ra, tức giận vì những người chịu trách nhiệm cho vụ việc này là những người ở đất nước tôi. Tôi không quen biết những kẻ đã gây ra thảm kịch này, tuy nhiên, một số người đã bị kết án sống ngay tại Bắc Ireland, cách nơi tôi ở chỉ hơn 30 km”, người đàn ông bày tỏ.
Thêm nữa, ông John cũng lái cùng loại xe tải với thùng hàng tương tự như thùng container mà 39 nạn nhân đã trải qua trong những giây phút cuối đời. Điều đó đã ám ảnh ông suốt một hơn 1 năm trời, bởi, rất nhiều lần khi mở cửa thùng xe để xuống hàng, ông lại nghĩ tới cảnh những người đã ra đi ở trong thùng xe tương tự như vậy. Trong đó, dẫu có báo động hay kêu cứu như thế nào, điều nhận lại cũng cũng chỉ là sự tuyệt vọng đến đáng sợ.
Từng nhiều lần mong được đến Việt Nam du lịch, thảm kịch này lại càng thôi thúc người đàn ông quê ở hạt Tyrone tìm đến quốc gia này, đến thăm gia đình của các nạn nhân đã ra đi ngay trên chính đất nước của ông. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến ấp ủ của ông phải tạm ngưng.
Tầm tháng 9.2022, khi du lịch quốc tế bắt đầu khởi động lại, ông John bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi. Ngày 7.2, ông chính thức đặt chân đến Hà Nội và bắt đầu hành trình thăm gia đình các nạn nhân vào ngày 11.2, như kế hoạch ông chia sẻ.
Chỉ trong 1 ngày, ông đã hoàn thành được dự định thăm 5 gia đình nạn nhân ở Nghệ An và Hà Tĩnh, bởi họ đều sống ở gần nhau. Với người đàn ông ngoại quốc này, chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi ông đã hoàn thành được lời hứa của bản thân nhiều năm về trước.
John tiếp lời: “Tôi muốn các gia đình biết rằng, người dân ở đất nước chúng tôi chưa bao giờ quên về thảm kịch đó với những cái chết đau thương. Mỗi gia đình ghé thăm, đều để lại cho tôi những cảm xúc hết sức đặc biệt không thể diễn tả hết được bằng lời.
Tôi mang theo lá cờ in dòng chữ “Tyrone to Vietnam” (Từ Tyron đến Việt Nam – PV) như biểu tượng của sự gắn kết và chia sẻ, với nỗi hoài mong an ủi phần nào được gia đình của những nạn nhân xấu số”.
“Từ tận đáy lòng, gia đình tôi biết ơn ông John”
Trong những cuộc tao ngộ đầy xúc động, với ông John, cuộc gặp đầu tiên là khó khăn nhất. Ông kể ở đó, người mẹ cứ liên tục òa khóc khi nhắc tới việc vợ chồng họ đã mãi mãi mất đi người con trai duy nhất trong nhà.
“Tôi được biết theo truyền thống ở Việt Nam, con trai là người nối dõi, phụng dưỡng bố mẹ khi về già, là người thờ phụng khi họ không còn nữa. Mất đi người con trai duy nhất, tôi hiểu được họ như mất đất đi điều quý giá nhất trong cuộc đời của mình.
Và, mỗi gia đình tôi đến đều có một bàn thờ tang. Chúng tôi đã thắp nhang. Chúng tôi cúi đầu và có một khoảnh khắc suy tư. Tôi nhận ra thời gian đang trôi qua, và nỗi đau của họ thì vẫn còn đó. Thật xúc động! Tôi đã giữ vững tinh thần trong suốt những lần đi thăm, nhưng khi tôi trở về phòng khách sạn sau đó, tôi phải mất một lúc mới có thể hồi phục”, trầm ngâm, ông John nói.
Mỗi gia đình ghé thăm, ông John nói đều gửi lại một món quà nho nhỏ. Đó là một cây thánh giá nhỏ biểu tượng của vùng Donaghmore và Ardboe ở Tyrone quê hương ông. Và những cây thánh giá đó đều được để lên bàn thờ của mỗi gia đình, mang tấm lòng của một ông Tây với trái tim đầy nhân ái.
“Tôi không nghĩ chuyến thăm của tôi sẽ khiến nỗi đau của những người ở lại mất đi, bởi đó là nỗi đau đớn không gì bù đắp được. Nhưng tôi mong rằng, có thể phần nào an ủi họ”, ông nói thêm.
Sau chuyến thăm, ông John tiếp tục hành trình khám phá Việt Nam của mình từ Bắc vào Nam. Ông sẽ ở Việt Nam trong vòng 1 tháng và sẽ đến thăm TP.HCM những ngày tới đây.
Lần đầu đến với đất nước hình chữ S, đã để lại cho ông John thật nhiều những cảm xúc đặc biệt. Tuyệt nhiên, đây không phải là chuyến đi cuối cùng ông đến đất nước này, bởi ông đã “phải lòng” vẻ đẹp của thiên nhiên và những con người tốt bụng, hiếu khách.
Chị Đặng Thị Quyên (35 tuổi, ngụ Hà Tĩnh), là thành viên của 1 trong 5 gia đình vừa được ông John ghé thăm nói rằng, từ tận đáy lòng mình, chị biết ơn tình cảm của ông. Những an ủi, chia sẻ mà ông dành cho gia đình, là điều quý giá khiến chị vô cùng xúc động.
“Chồng tôi, anh Nguyễn Văn Nhân (sinh năm 1986) đã mãi mãi ra đi trong thảm kịch năm đó, để lại nỗi đau đớn tận cùng cho tôi, cũng như 2 đứa con thơ. Có thời điểm tôi đã muốn gục ngã, nhưng chính các con, và cả những sự quan tâm đầy ân tình như của ông John, đã giúp cho tôi gượng dậy sau nỗi đau mà cố gắng bước tiếp”, chị bày tỏ.
Thật trân quý suy nghĩ , tấm lòng và sự chia sẻ của anh, việc quyết tâm, thu xếp cho chuyến đi môt tháng có lẽ cũng nói lên nhiều điều. Con người có thể khác nhau về quốc tịch, màu da, văn hóa…, nhưng vẫn giống nhau ở tấm lòng nhân hậu. Đây cũng chính là sợi dây liên kết con người trên khắp thế giới.
Tịnh Yên
Nguồn: thanhnien.vn
Xem thêm
Vạn Điều Hay