Thời Tam Quốc xuất hiện nhiều vị quân sư kiệt xuất, tiếng tăm lưu truyền hàng ngàn năm qua. Để tìm được người ở vị trí số 1 quả thực rất khó, nhưng giới sử gia đã liệt kê 6 cái tên được cho là tài giỏi nhất dưới đây. Hãy cùng xem qua tài năng của họ và đưa ra nhận định của riêng mình.
1. Bàng Thống
Bàng Thống, tự Sỹ Nguyên (178-214), đạo hiệu Phượng Sồ tiên sinh, sống vào cuối thời nhà Hán, đầu thời Tam Quốc, thường được người đời sau so sánh là tài ngang với Khổng Minh. Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) nhận xét: “Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định hưng được thiên hạ”.
Trong trận Xích Bích, Bàng Thống hiến kế cho Tào Tháo dùng xích sắt ghép các thuyền lại thành một cụm để tránh cho quân sĩ say sóng, nhưng thực chất là để quân Ngô Thục tiện dùng kế hỏa công. Nhờ Bàng Thống mà khi Chu Du sử dụng hỏa công, thuyền của Tào Tháo tập trung lại thành một cụm nên không chạy thoát được, cháy rụi hết, góp phần rất lớn cho trận thắng Xích Bích.
Sau này khi Chu Du mất, Tôn Quyền không còn trọng dụng, Bàng Thống đã về phò tá Lưu Bị, làm chức Quân sư trung lang tướng, cùng cấp với Gia Cát Lượng. Với vai trò quân sư, Bàng Thống dẫn 5 vạn quân vào Tây Xuyên, cùng Pháp Chính bàn mưu chiếm Tây Thục của Lưu Chương, tạo nên lãnh thổ rộng lớn của nhà Thục Hán. Tuy nhiên, trong chiến dịch này ông bị trúng tên, mất tại đồi Lạc Phương khi mới 36 tuổi.
2. Tư Mã Ý
Tư Mã Ý (179 – 251) tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất, người đặt nền móng cho nhà Tây Tấn thay thế nhà Ngụỵ.
Ông nổi tiếng nhất với các chiến dịch bảo vệ lãnh thổ Tào Ngụy khỏi các cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Tư Mã Ý là một vị tướng, nhà chiến lược quân sự đa mưu túc trí có thể sánh ngang Gia Cát Khổng Minh. Hai người trở thành cặp kỳ phùng địch thủ, đánh nhau rất nhiều lần nhưng không ai tiêu diệt được ai.
Trong thời gian phục vụ nhà Tào Ngụy, Tư Mã Ý lập được rất nhiều chiến công như: Đánh bại Công Tôn Uyên, dẹp loạn Vương Lăng và nhiều chiến công hiển hách khác. Vị trí quyền lực nhất của ông trong triều đình nhà Ngụy đã tạo điều kiện cho hai con ông là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu nắm quyền lực thực tế của nhà Ngụy, tạo tiền đề cho cháu của ông là Tư Mã Viêm soán ngôi nhà Ngụy, thành lập nhà Tấn, thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc. Sau khi nhà Tấn lập, Tư Mã Ý được cháu mình truy tôn thụy hiệu là Tấn Tuyên Đế, miếu hiệu Cao Tổ.
3. Chu Du
Chu Du (175 – 210), tự Công Cẩn, đương thời gọi Chu Lang, là danh tướng khai quốc công thần của nước Ngô (Đông Ngô) thời Tam Quốc. Tương truyền, Chu Du đẹp trai và rất giỏi âm luật nên được gọi là Mỹ Chu Lang. Ông là nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ chính thức là Đại đô đốc thủy quân, nên được gọi là Chu Đô đốc. Chu Du nổi tiếng với chiến thắng ở sông Xích Bích trước quân Tào Tháo, là trận chiến lớn nhất thời đó.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung xây dựng Chu Du thành hình tượng một người luôn đố kỵ với tài năng của Gia Cát Lượng, nổi tiếng hơn cả với câu nói: “Trời đã sinh Du sao còn sinh Lượng?“. Tuy nhiên, trên thực tế, Chu Du là người khí độ cao thượng, phong lưu tài tử, văn võ toàn tài, hoàn toàn không có chuyện đố kỵ nhỏ nhen như thế. Trong “Tam Quốc Chí” (sử liệu đáng tin nhất về thời Tam Quốc của sử gia Trần Thọ) đánh giá Chu Du: “Tính tình khoáng đạt, đại lượng… là bậc kỳ tài!”. Ông đối với người bề dưới đều có lễ nghĩa, được mọi người vô cùng kính trọng.
Sau này, khi Chu Du mất ở tuổi 35, Giang Đông cũng thiếu đi một tướng quân dũng lược, chí khí, đối với Ngụy và Thục trước sau chỉ có thể là phòng thủ mà thôi. Nếu Chu Lang có thể sống thêm 20 năm nữa, cục diện Tam Quốc có lẽ đã khác đi nhiều lắm.
4. Quách Gia
Quách Gia (170 – 207), tự Phụng Hiếu, là nhà chiến lược và quân sư trọng yếu của Tào Tháo trong thời kỳ cuối của nhà Đông Hán và thời kỳ đầu của Tam Quốc tại Trung Quốc.
Trong 11 năm phục vụ cho Tào Tháo, tài năng của Quách Gia đã góp công lớn giúp Tào Tháo chiến thắng các lãnh chúa kẻ thù như Lã Bố và Viên Thiệu, cũng như thủ lĩnh của bộ lạc Ô Hoàn là Đạp Đốn. Chính vì thế, ông là một trong những bộ hạ được tin tưởng và yêu quý nhất của Tào Tháo.
Trong trận Quan Độ, đứng trước trận tiền ông có nói với Tào Tháo: “Thừa tướng còn đang theo dõi đợi chờ à?”. Tào Tháo trả lời: “Viên Thiệu thế định tới đây đáng nhẽ phải giữ thế tấn công, nay hắn lại dùng phụng bài trước trận tiền, ý của ngươi là hắn muốn thủ?”. Khi đó Quách Gia nói một câu chính xác ý nghĩa cho cả trận đánh: “Viên Thiệu có thể thủ, nhưng Thừa tướng không thể nào làm như vậy, quân ta tinh nhuệ một chọi lại mười, cần phải tác chiến ngay lập tức, chần chừ đôi lúc lòng quân phập phồng thì nguy hiểm lắm”.
Quách Gia thường được xem là một trong những mưu sĩ xuất sắc nhất thời Tam Quốc và cả xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, không hề thua kém người đương thời là Gia Cát Lượng.
5. Lục Tốn
Lục Tốn (183-245) tự Bá Ngôn, là tướng lĩnh cũng là quân sư của Đông Ngô sống vào cuối đời Hán, đầu đời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng qua trận Di Lăng vào năm 222 đánh bại quân Thục Hán của Lưu Bị, khiến ông trở thành một trong những quân sư nổi tiếng của thời Tam Quốc.
Năm 219, nhân lúc Lưu Bị và Tào Tháo đanh tranh giành Hán Trung, Quan Vũ lại dẫn quân đánh Tương Dương, không quan tâm đến Kinh Châu – nơi Đông Ngô đã dòm ngó từ lâu – Lục Tốn đã bày kế cho Lã Mông chiếm Kinh Châu, giết được đại tướng của Thục Hán là Quan Vũ, phá tan âm mưu lấy Kinh Châu làm bàn đạp đánh Tào Ngụy của Gia Cát Lượng.
Năm 222, Lưu Bị dẫn 75 vạn quân đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ. Lúc này các quân sư hàng đầu của Đông Ngô như Chu Du, Lỗ Túc và Lã Mông đã qua đời nên trọng trách bảo vệ Đông Ngô được giao cho Lục Tốn. Biết Lưu Bị không có kinh nghiệm dùng binh, đóng quân ở nơi tử địa nên Lục Tốn đã dùng hỏa công tiêu diệt 70 doanh trại của Lưu Bị, đánh tan 75 vạn quân của Lưu Bị.
Sau trận Di Lăng, Đông Ngô và Thục Hán kí hòa ước nên từ năm 222 đến năm 245, Lục Tốn đã nhiều lần đánh đuổi quân Ngụy, bảo vệ thành công Đông Ngô. Ông được cho là người phát ngôn câu nói nổi tiếng: “Lấy dân làm gốc, dân giàu thì nước mạnh, dân nghèo thì nước yếu”.
6. Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng (181–234) là vị quân sư và đại thần của nước Thục thời hậu Hán. Ông là một chính trị gia, nhà quân sự kiệt xuất, nhà tiên tri nổi tiếng.
Gia Cát Lượng là một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài ba. Trong lĩnh vực quân sự, ông đã tạo ra các chiến thuật như: Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Liên nỏ (Nỏ Liên Châu, tên bắn ra liên tục), Mộc ngưu lưu mã (trâu gỗ ngựa máy). Tương truyền, ông còn là người chế ra đèn trời (Khổng Minh đăng) và món bánh bao. Gia Cát Lượng được biết tới nhiều qua tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa.
Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng chính là việc bày ra “Long Trung đối sách”. Chiến lược này được coi là nền tảng để Lưu bị đánh chiếm đất đai nhằm tạo thế chân vạc với hai thế lực chính thời bấy giờ là Tào Tháo và Tôn Quyền. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của mình và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử.
Trong suốt chiều dài lịch sử, mỗi triều đại Trung Quốc có rất nhiều sử gia mổ xẻ, phân tích tài năng mưu lược và đóng góp của các mưu sĩ trong thời đại Tam Quốc. Thời phong kiến, Khổng Minh được công nhận là một chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của mình. Thời hiện đại, nhiều sử gia có cách nhìn khác hơn, có người đánh giá khả năng quân sự của Quách Gia, cũng như mưu lược của Bàng Thống nổi trội hơn Gia Cát Lượng. Tuy nhiên, đa số đều đồng ý Khổng Minh là một tài năng toàn diện hơn về khả năng quân sự, kinh tế, ngoại giao, và cả tài năng trong văn học.
Nguồn: DKN (Chân Tâm)
Xem thêm
Vạn Điều Hay