Thời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông, âm mưu “đoạt đích” (đưa con thứ lên thừa kế Hoàng vị thay cho con trưởng) của Võ Tắc Thiên đã đạt được, từ đó tùy tiện hoành hành, uy quyền bất nghĩa. Vận mệnh quốc gia Đại Đường suýt bị hủy trong tay Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên, chính lúc Đường Duệ Tông bị vu cáo “mưu phản”, sinh mệnh bị đặt vào chỗ sinh tử hiểm nghèo, có một vị trung thần nghĩa sỹ đã liều mình cứu chủ. Khí phách trung nghĩa của ông trấn nhiếp gian thần phản nghịch, cải biến thế lực phản loạn.
Võ Tắc Thiên vì ngôi vị Hoàng đế mà đại khai sát giới, tôn thất họ Lý nhà Đường và triều thần trung thành hầu như đều bị bà sát hại. Năm 690, Võ Tắc Thiên xưng đế, Đường Duệ Tông Lý Đán bị giáng thành Hoàng tự (tức người nối ngôi được chọn), được ban cho họ Võ, chuyển đến Đông cung. Năm Trường Thọ thứ 2 (năm 693), thị nữ được Võ Tắc Thiên yêu quý là Vi Đoàn Nhi vì dụ dỗ Lý Đán bị cự tuyệt mà ôm hận báo thù. Nàng ta vu cáo Hoàng tự phi Lưu thị và Đức phi Đậu thị dùng thuật bùa chú trù ếm Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên vì vậy đã bí mật đem hai thê tử của Lý Đán xử tử trong cung.
Sau sự việc đó, Thượng phương giám Bùi Phỉ Cung và Nội thường thị Phạm Vân Tiên bởi vì lén lút yết kiến Lý Đán, không thông qua sự đồng ý của Võ Tắc Thiên nên bị xử chém ngang lưng. Tiếp theo, Võ Tắc Thiên tước đoạt quyền tiếp kiến bá quan đại thần của Lý Đán. Lý Đán giống như tù nhân, bên thân chỉ còn lại mấy nghệ nhân nhạc vũ. Một trong số đó là Thái thường thị Nhạc công An Kim Tàng.
Sau đó, có người vu cáo Lý Đán mưu phản. Võ Tắc Thiên ra lệnh cho viên quan chuyên dùng hình pháp nghiêm khắc là Lai Tuấn Thần thẩm tra vụ án. Lai Tuấn Thần thủ đoạn nham hiểm độc ác, giết oan vô số người. Ông ta tra tấn, thẩm vấn người bên cạnh Lý Đán, họ không chịu nổi nghiêm hình bức cung, nên đã trái lòng dối mình mà lần lượt nhận tội. Khi đó, chỉ có Thái thường thị Nhạc công An Kim Tàng nhất mực kiên quyết không nói lời trái lòng. Ông dùng lời lẽ nghiêm chính nói với Lai Tuấn Thần: “Ngài không tin lời của tôi, thỉnh để tôi moi tim chứng minh Hoàng tự (Lý Đán) không mưu phản!”
Dứt lời, An Kim Tàng liền rút cây đao đeo bên thắt lưng ra, từ trên ngực xả xuống một đao. Phút chốc ngũ tạng bên trong đều sổ ra ngoài, máu chảy đầy đất, ông tắt thở ngã xuống. Lai Tuấn Thần bị làm cho chấn kinh, lập tức đem việc tấu lên. Võ Tắc Thiên liền hạ chỉ dùng kiệu khiêng An Kim Tàng vào cung, sai ngự y cứu chữa. Ngự y sắp xếp nội tạng cho An Kim Tàng rồi đặt trở lại, khâu vết thương ở ngực bằng chỉ làm từ rễ cây dâu tằm và đắp thuốc lên. Sau một đêm, An Kim Tàng hồi sinh trở lại. Võ Tắc Thiên đích thân tới gặp ông, và lập tức ra lệnh cho Lai Tuấn Thần dừng tra xét. Duệ Tông Lý Đán nhờ vậy mà thoát nạn. Quan lại trong triều không ngừng khen ngợi An Kim Tàng, họ đều tự thấy xấu hổ không bằng ông.
Năm 710, Duệ Tông phục vị, ông cảm kích ân đức An Kim Tàng xả thân tương cứu nên đã thăng chức cho ông làm Hữu võ vệ Trung lang tướng. Hai năm sau, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ lên ngôi. Vì tưởng nhớ lòng trung không dời đổi của Kim Tàng, Huyền Tông hạ lệnh ban thưởng, cất nhắc ông giữ chức Hữu kiêu vệ tướng quân, và ra lệnh cho sử quan đem việc tận trung hộ chủ của ông viết vào sử sách. Năm Khai Nguyên thứ 12 (năm 732), Huyền Tông lại đặc biệt hạ chiếu phong ông làm Đại quốc công. Tên của An Kim Tàng được khắc trên một số bia đá như bia đá tại Đông nhạc (tức Thái sơn). An Kim Tàng sống rất thọ và mất tại nhà. Sau khi mất, được ông truy tặng chức Thượng thư bộ Binh.
An Kim Tàng không chỉ là một đại trượng phu trung nghĩa, mà ông còn là một hiếu tử có tấm lòng hiếu kính cảm động đất trời. Mẫu thân của ông qua đời vào năm đầu niên hiệu Thần Long. Ông chôn cất mẫu thân tại phía bắc Quyết khẩu, phía nam kinh thành. An Kim Tàng dựng một lều nhỏ bên cạnh mộ, ông đích thân dựng mộ đá và tháp đá, ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ. Nơi đồng cỏ đó vốn không có nước để dùng, lúc đó đột nhiên tuôn ra một dòng suối. Cây mận ở đó nở hoa vào giữa mùa đông, thu hút chó và hươu đến chơi đùa.
Các cuốn sách lịch sử như “Cựu Đường thư” và “Tư trị thông giám” đều ghi lại nghĩa cử xả thân cứu chủ của An Kim Tàng. Trong mắt ông không có sinh tử, chỉ có tấm lòng trung nghĩa, hành xử can đảm, quyết đoán, khiến cho người đương thời và hậu thế xúc động, chấn động tâm can! Ngay cả kẻ bất nghĩa cũng cảm động vì nghĩa cử ấy!
Kỳ thực, trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều nghĩa sỹ như An Kim Tàng. Ví dụ, những người như Trình Anh, Công Tôn Chử Cữu thời Xuân Thu vì bảo hộ “Triệu thị cô nhi” (1) mà lưu danh thanh sử. Những năm cuối thời Đông Hán, trong khủng bố của “Đảng cố chi họa”, rất nhiều quan viên không màng an nguy, lấy việc giải cứu những danh sỹ quân tử có học vấn và phẩm đức cao thượng làm vinh hạnh (như Đốc bưu Ngô Đạo, Huyện lệnh Quách Tập bảo hộ Phạm Bàng (2); Còn có rất nhiều bách tính cam nguyện tan cửa nát nhà mà dung nạp danh sỹ quân tử, ví như sự việc vì thu nhận Trương Kiệm lưu vong mà hàng chục người bị sát hại. Trên vùng đất Thần Châu rộng lớn, từ thế hệ này đến thế hệ khác, các danh sỹ quân tử có học vấn tốt và phẩm đức cao thượng không ngừng nối tiếp nhau cùng thực thi văn hóa đạo đức năm ngàn năm bất diệt, khiến ánh sáng rực rỡ vươn xa vạn trượng!
Chú thích:
(1) Triệu thị cô nhi: Thời Xuân Thu, Đại tướng quân của nước Tấn là Đồ Ngạn Cổ hãm hại gia tộc trung thần Triệu Thuẫn, khiến Quốc quân nước Tấn hạ lệnh chém đầu cả nhà Triệu thị. Công chúa Trang Cơ, phu nhân của Triệu Sóc (con trai của Triệu Thuẫn), vốn là em gái ruột của Quốc quân nước Tấn, lúc này đang mang thai. Mấy tháng sau, Trang Cơ công chúa sinh hạ một bé trai, đặt tên là Triệu Vũ. Đồ Ngạn Cổ ra lệnh phong tỏa nội cung để sát hại cậu bé nhằm trừ tận gốc rễ. Trang Cơ triệu kiến người bạn thân thiết của Triệu gia là Trình Anh. Trình Anh bỏ Triệu Vũ vào hộp thuốc rồi đem ra khỏi cung. Đồ Ngạn Cổ tuyên bố rằng tất cả bé trai dưới sáu tháng tuổi trong cả nước sẽ bị giết sạch. Vì để bảo vệ Triệu Vũ và những hài nhi vô tội của nước Tấn, Trình Anh buộc phải dâng hiến con trai của chính mình để thay thế Triệu thị cô nhi. Công Tôn Chử Cữu gánh thế tội danh cứu và che giấu cô nhi, do Trình Anh tố cáo với Đồ Ngạn Cổ. Sau đó, Trình Anh gánh chịu tội danh bán bạn cầu vinh và nỗi đau mất con. Ông nuôi dưỡng Triệu Vũ trở thành người văn võ song toàn, đợi Triệu Vũ trưởng thành rồi mới nói rõ sự thật.
(2) Phạm Bàng (137-169), tự Mạnh Bác, là một danh sỹ phẩm hạnh cao thượng thoát tục những năm cuối thời Đông Hán. Vì ức chế cường hào, phản đối bè lũ hoạn quan “Thập thường thị” bên cạnh Linh đế lộng quyền loạn quốc nổi danh đương thời, ông bị nạn trong “Đảng cố chi họa” (Sự việc có tên như vậy là do các hoạn quan đã lấy tội danh “đảng nhân” mà cấm các nhân sỹ suốt đời không được làm quan). “Tư trị thông giám, quyển 16” ghi lại rằng: Đốc bưu Ngô Đạo quận Nhữ Nam nhận chiếu tróc nã Phạm Bàng. Khi đến huyện Chinh Khương (quê của Phạm Bàng), ông ôm lấy chiếu thư không truyền xuống, nằm phục trên giường khóc, cả huyện không biết nguyên do. Bàng nghe chuyện nói: “Hẳn do tôi vậy.” Liền tự tìm đến ngục. Huyện lệnh Quách Tập (郭揖) sửng sốt, chạy từ trong ra, cởi ấn quan, nói: “Thiên hạ lớn như vậy, tại sao ông lại tới đây.” Bàng nói: “Bàng chết tức họa hết, nào dám liên lụy đến ông, lại khiến lão mẫu lưu lạc tứ phương chứ.”
Epoch Times Tiếng Việt