“Hãy ước mọi sự diễn ra thuận theo tự nhiên, và bạn sẽ có cuộc sống yên bình.” – Epictetus, triết gia La Mã.
Đây là một lời khuyên xa lạ đối với tâm lý hiện đại. Không phải mọi người đều muốn mọi thứ được tốt hơn sao? Nhưng nếu cân nhắc các định nghĩa khác nhau của mọi người về “tốt hơn” và cách kết luận đầy lý tính về một số hình thức tiến bộ nhất định thường tồi tệ hơn so với hiện trạng không hoàn hảo, thì có lẽ chúng ta phải suy nghĩ lại câu nói này. Tuy rằng sau cùng thì chúng ta khó có thể trở thành người theo thuyết định mệnh, nhưng triết gia Epictetus có lẽ sẽ giúp chúng ta kiềm chế chủ nghĩa duy tâm thái quá.
Một đời nô lệ
Triết gia Epictetus sinh vào khoảng năm 50 sau Công Nguyên tại Phrygia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Khác với tiền nhân cùng thời là triết gia Seneca, một người thuộc tầng lớp quý tộc, Epictetus sinh ra trong cảnh nô lệ. Nếu Seneca là một nhà tư tưởng giống như Thánh Paul — một so sánh được tôi đưa ra trong bài viết tuần trước của loạt bài này — thì thành thật mà nói, triết gia Epictetus có nhiều điểm tương đồng hơn với Chúa Jesus. Trong khi Seneca khẳng định giá trị của việc nhìn nhận cuộc sống từ góc độ của người nô lệ, thì Epictetus đã sống theo quan điểm này. Tính nhất quán hoàn toàn giữa cuộc sống và tư tưởng này khiến Epictetus được xem là triết gia Khắc Kỷ vĩ đại nhất.
Chủ nhân của Epictetus là một người đàn ông tên là Epaphroditus, một nô lệ được trả tự do, từng là tùy tùng của Hoàng đế Nero. Tuy nhiên, việc đã từng là một nô lệ không mang lại cho Epaphroditus bất kỳ góc nhìn đồng cảm nào, và người ta nói rằng ông đã tra tấn Epictetus. Theo một số nguồn tin, Epictetus bị tàn tật vĩnh viễn sau khi bị chủ nhân của mình đánh gãy chân. Sự tàn ác này hơi đối trọng bởi hai hành động hào phóng mà Epaphroditus đã thực hiện trong đời mình: Ông cho phép Epictetus nghiên cứu triết học Khắc kỷ, và ông đã giúp bạo chúa Nero tự sát. Cũng chính vì hành động cuối cùng này mà hoàng đế Domitian đã xử tử Epaphroditus.
Epictetus đã được trả tự do sau sự kiện này. Vào năm 93 sau Công Nguyên, hoàng đế Domitian quyết định rằng các triết gia là mối đe dọa đối với triều đình và trục xuất họ khỏi Ý. Epictetus đã trốn thoát sang phía tây Hy Lạp, thành lập một trường học, tập hợp các học trò, và trở nên nổi tiếng. Ông tiếp tục sống một lối sống khiêm nhường và kết thúc những chuỗi ngày của mình với tư cách là người bạn của Hoàng đế Hadrian.
Phát triển sự chế ước
Giống như chúa Jesus và triết gia Socrates, Epictetus thuyết giảng nhưng không viết lại điều gì. Chính học trò của ông, sử gia Arrian, đã ghi lưu lại những lời dạy từ các bài giảng của thầy. Hai cuốn sách được lưu truyền cho chúng ta đều nhờ sự cần mẫn của Arrian: “Discourses” (Diễn ngôn), một tác phẩm dài hơn mà khoảng một nửa trong số đó vẫn còn tồn tại, và “Enchiridion” hay “Cẩm nang” ngắn hơn — một tập hợp những câu nói ứng dụng những lời dạy của Epictetus vào đời sống thường nhật.
Trong cuốn sách của mình: “Epictetus: A Stoic and Socrates Guide to Life” (Epictetus: Một Nhà Khắc Kỷ Và Socrates Hướng Dẫn Về Cuộc Sống) học giả A.A. Long nói rằng “trọng tâm chính trong việc giảng dạy của Epictetus không phải là sự hoàn hảo hay trí tuệ lý tưởng, mà là việc định hình và cải thiện lối suy nghĩ của những người bình thường như chúng ta.” Trong khi những người thuộc giới học giả có xu hướng đọc [các tác phẩm] các triết gia như Plato và Aristotle, thì “Handbook” (Cẩm nang) của Epictetus lại phổ biến giữa những người bình thường.
Cuốn “Handbook” (Cẩm nang) bắt đầu bằng câu nói nổi tiếng: “Trong số mọi thứ, có những điều nằm trong khả năng của chúng ta, còn những điều khác thì không.”
Epictetus giải thích chi tiết rằng chúng ta có thể kiểm soát những ý kiến, hành động, ham muốn, và ác cảm của chính mình, trong khi mọi thứ bên ngoài không phụ thuộc vào hành vi của bản thân chúng ta — nhục thể, tài sản, danh tiếng, và chức vụ quyền uy — đều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Nhà tâm lý học Julian Rotter đã hiện đại hóa cái nhìn sâu sắc này bằng thuật ngữ “Điểm kiểm soát tâm lý.” Ông Rotter cho thấy cách mà những người có một điểm kiểm soát tâm lý “nội tại” khỏe mạnh hơn về mặt tâm lý, vì họ tin bản thân có thể kiểm soát cuộc sống của chính mình, trong khi những người có điểm kiểm soát tâm lý “ngoại vi” tin rằng họ bị các thế lực xã hội vùi dập và mắc chứng trầm cảm, lo âu, và có lòng tự trọng thấp.
Trong khi lý thuyết của Rotter phù hợp với các ý tưởng của hầu hết người Mỹ về bản thân họ, thì quan điểm của Epictetus không đơn giản như vậy. Quan điểm căn bản của ông là không ai thực sự có một điểm kiểm soát tâm lý nội tại — những người tin rằng họ có là đang tự lừa dối mình. Những tai họa ngẫu nhiên hoặc ý muốn bất chợt của kẻ quyền uy có thể hủy hoại cuộc sống của bạn bất cứ lúc nào. Những người nhận ra điều này và thích nghi với điểm kiểm soát tâm lý ngoại vi của họ, nghịch lý thay, sẽ phát triển điểm kiểm soát tâm lý nội tại lành mạnh hơn so với những người tin rằng họ chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình: “Nếu bạn nghĩ rằng những thứ … nằm trong khả năng của những người khác là của riêng bạn, thì bạn sẽ bị cản trở, bạn sẽ than oán, bạn sẽ bị quấy rầy, rồi bạn sẽ đổ lỗi cho cả thần linh và con người,” ông nói.
Bằng cách rèn luyện bản thân để không ham muốn hoặc quan tâm đến những thứ vượt quá khả năng của mình, bạn sẽ giảm thiểu sự thất vọng và “không làm gì một cách tự phát.” Tìm kiếm hạnh phúc ở bản thân cho phép bạn chịu đựng mọi đau khổ — một bài học mà chắc chắn Epictetus đã học được từ việc bị người chủ của mình đánh đập.
Những suy ngẫm của Epictetus khiến ông trở thành một trong những nhà tư tưởng đầu tiên giải quyết vấn đề ý chí con người một cách sâu sắc. Những bài học của ông rất phù hợp với thời đại như của chúng ta, khi nhiều người khao khát địa vị đồng thời tuyệt vọng về một thế giới đang rơi vào hỗn loạn, đang phải chịu đựng những căn bệnh tâm lý ở các mức độ chưa từng có.
Chủ nghĩa khắc kỷ trong thời đại Internet
Trong lời tựa cho ấn bản mới của Nhà xuất bản Regnery dành cho cuốn sách “Gateway to the Stoics” (Nhập Môn Dẫn Đến Nhà Khắc Kỷ), nhà cổ điển học Spencer Klavan đã đặt Chủ nghĩa Khắc kỷ trong bối cảnh “bầu không khí mất phương hướng của công nghệ kỹ thuật số.” Ông đã đối chiếu Internet như “một sự hỗn loạn đầy lạc thú (Epicurean) của con người, hình ảnh và ý tưởng lao vút ngẫu nhiên trong khoảng không vô tận.” Chính trong môi trường này, các nhân vật của Chủ nghĩa khắc kỷ đang trải qua một sự trỗi dậy trong lòng đại chúng, mang lại trật tự trong bối cảnh nguyên tử hóa. Tài khoản Subreddit r/Stoicism có gần nửa triệu thành viên, chủ yếu là nam giới, tìm đến Epictetus và những người khác để mong có được lời khuyên về tình yêu và huấn luyện chuyên nghiệp.
Nhưng nhà cổ điển học Klavan lưu ý một xu hướng kỳ lạ: Những người tìm kiếm sự thật này có xu hướng vứt bỏ thần học của Chủ nghĩa Khắc kỷ và chỉ tập trung vào các phần thuyết giảng đạo đức của nó. Nhưng hãy xem những gì Epictetus đã nói trong chương 31 của “Handbook” (Cẩm nang): “Đối với lòng thành kính đối với các vị Thần, bạn phải biết rằng đây là điều cốt yếu để có chính kiến về họ, nghĩ rằng họ tồn tại và họ cai quản tốt vạn sự vạn vật một cách công bình.” Chúng ta phải thực hành nghĩa vụ và sự vâng phục, “khuất phục trước họ trong mọi việc xảy ra, và tự nguyện tuân theo điều đó như thể rằng sự việc này được an bài bởi đấng trí tuệ tối cao.”
Bằng cách thay đổi từ “Những Vị Thần” (Gods) thành “Chúa” (God) ở đây, đoạn văn này có các điểm tương đồng với những bài học của Chúa Jesus trong các sách phúc âm về sự vâng lời Đức Chúa Cha. Trên thực tế, những câu nói của Epictetus giống với những câu trong kinh Tân Ước đến nỗi học giả Douglas Sharp đã từng viết một cuốn sách hoàn toàn được tạo thành từ những so sánh song song giữa hai nguồn này.
Như ông Klavan đã lưu ý là “không có Chúa, chủ nghĩa khắc kỷ không thể cứu rỗi được.” Bài học về sự vâng phục không có ý nghĩa gì nếu không có ai để tuân lời. Việc chịu đựng đau khổ là vô nghĩa nếu không có lý do cao cả hơn, hay còn gọi là “logos” (lý tính) mang theo chủ định từ vũ trụ. Nếu mọi thứ chỉ là nguyên tử và khoảng không, thì tại sao phải cố gắng quá nhiều để củng cố ý chí hoặc phát triển một điểm kiểm soát tâm lý nội tại?
Epoch Times Tiếng Việt