Thành phố Chicago — Những ai yêu thích bộ phim hoạt hình nhạc kịch đầy mê hoặc và quyến rũ của Disney năm 1989, cũng như nhiều vở diễn khác của “The Little Mermaid” (Nàng tiên cá), sẽ rất thất vọng trước chương trình biểu diễn mùa thứ 67 vừa khép lại của vũ đoàn Joffrey Ballet, Chicago. Mặc dù vở diễn vẫn đi theo mạch câu chuyện cổ tích năm 1837 của nhà văn Hans Christian Andersen, nhưng những màn múa hiện đại này lại rất ảm đạm, khá kỳ quái, và nhuốm màu buồn bã.
Câu chuyện nổi tiếng kể về hành trình của một nàng tiên cá lỡ phải lòng chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú (ở đây là một thuyền trưởng) và cứu chàng khỏi cơn đuối nước. Khi chàng tỉnh lại, gương mặt đầu tiên mà chàng thấy lại là một cô gái khác khiến chàng hiểu lầm rằng cô gái này đã cứu mình, và phải lòng cô ấy. Mặc dù nàng tiên cá đã hi sinh tất cả mọi thứ cho hoàng tử, nhưng tình yêu của nàng cũng trở nên đau đớn như đôi chân mà nàng phải đánh đổi bằng chiếc đuôi của mình.
Câu chuyện kể bằng múa ballet của biên đạo John Neumeier (cũng là người thiết kế trang phục, bối cảnh, ánh sáng, và biên đạo sản xuất) khiến những khán giả lớn lên với câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng này cảm thấy khó chịu, và có thể sẽ khiến trẻ em hoang mang, sợ hãi.
Về vở diễn
Mặc dù câu chuyện giả tưởng của nhà văn Andersen về căn bản vẫn như thế, nhưng điểm khác biệt là có thêm một nhân vật mới, nhà thơ Andersen — đóng vai là người sáng tác tác phẩm chuyển thể này.
Hành trình quả cảm giữa biển cả và đất liền của Nàng tiên cá được thể hiện bằng những đường màu trắng và xanh nhấp nhô tượng trưng cho những cơn sóng biển trên nền sân khấu rực rỡ; không có sự tương phản nhiều giữa thế giới đại dương và trên đất liền. Thật vậy, đôi khi người xem khó có thể phân biệt được những vũ công đang ở sâu dưới đại dương xanh hay trên đất liền. Tuy nhiên, phần phục trang giúp phân biệt thuyền trưởng và các thủy thủ, họ mặc đồ màu trắng, và Nàng tiên cá trong bộ đồ lụa màu xanh ôm khít cơ thể cùng làn da rám nắng.
Mặc dù ông Scott Speck — giám đốc âm nhạc của đoàn Joffrey đã làm nên phần hòa âm phối khí tốt, nhưng vẫn không đủ làm âm nhạc trở nên gắn kết với vũ đạo. Không hề có một nốt nhạc lãng mạn du dương nào trong những bản nhạc chói tai của nhà soạn nhạc Lera Auerbach. Các động tác vũ đạo không tự nhiên của biên đạo múa Neumeiers thì rời rạc và giật cục. Thật không mấy vui vẻ khi phải ngồi xem những vũ công uốn vặn người.
Toàn bộ vở diễn thiếu đi sự duyên dáng và sang trọng mà chúng ta thường thấy trong các vở ballet kinh điển theo phong cách của Tchaikovsky trong “Hồ thiên nga” hay “Kẹp hạt dẻ”.
Thêm vào đó, bên cạnh một số cảnh dễ đoán như cảnh vũ công ballet lắc lư qua lại như một đàn cá, thì cũng có những khoảnh khắc khó hiểu, chẳng hạn cảnh Nàng tiên cá nhìn như đang bơi trong khi nàng được ba người đàn ông mặc trang phục võ sĩ samurai màu đen bế lên. Các chiến binh Nhật Bản đang làm gì với một nàng tiên cá đang bơi vậy? Hay đây là một cảnh trong nhà hát Bunraku — nhà hát múa rối truyền thống Nhật Bản, trong đó những người điều khiển di chuyển con rối có kích thước gần bằng người thật? Nếu vậy, thì tại sao nàng tiên cá lại là một con rối?
Ngoài ra, các nghệ sĩ không thực sự có cơ hội thể hiện sức mạnh hình thể và tài năng vũ đạo của mình với màn diễn pas de deux (múa đôi) lãng mạn và uyển chuyển, xoay tròn, bật nhảy, và đá chân cao; tuy nhiên, điều mà vũ đoàn ballet này thể hiện được là tính kỷ luật, kiểm soát và thể chất trong các động tác của họ.
Những nghệ sĩ ballet nổi bật gồm có Stefan Goncalvez đóng vai nhà thơ trầm mặc trong trang phục vest đen; nghệ sĩ Yoshihisa Arai trong vai bà phù thủy biển độc ác; nghệ sĩ Dylan Gutierrez trong vai hoàng tử — thuyền trưởng tuấn tú mà nàng tiên cá đem lòng yêu mến; và nghệ sĩ Anais Bueno trong vai cô gái chiếm được hoàng tử.
Nghệ sĩ Victoria Jaiani tỏa sáng hơn cả trong vai diễn Nàng tiên cá là, đặc biệt là trong khoảnh khắc đôi chân run rẩy của nàng thể hiện nỗi đau đớn khi phải di chuyển từ đại dương mênh mông xanh thẳm lên thế giới loài người.
Vẫn có một số đoạn nổi bật trong vở diễn này như việc hy sinh vô điều kiện vì một tình yêu không được hồi đáp; sự bất công của cuộc sống; và nỗi đau của việc bước vào một thế giới không thuộc về mình.
Những bài học đạo đức tiếp tục khiến “Nàng tiên cá” trở thành tác phẩm yêu thích của nhiều thế hệ trẻ em và người lớn. Đó là lý do vì sao qua nhiều năm, các vở kịch, âm nhạc, phim ảnh và ballet vẫn được chuyển thể từ tác phẩm văn học giả tưởng của nhà văn Andersen. Phần lớn các phiên bản này đều truyền cảm hứng và có tính giải trí, ngoại trừ vở “Nàng tiên cá” của biên đạo múa Neumeiers.
Vở ballet được công diễn lần đầu tiên vào năm 2005 trước Đoàn vũ múa ballet Hoàng gia Đan Mạch nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của nhà văn người Đan Mạch Andersen, nhưng thật không may, vở diễn không phải là sự tôn vinh hay nhất đối với tác giả nổi tiếng này. Thật vậy, vở diễn đó là phiên bản kém hấp dẫn nhất trong rất nhiều tác phẩm về Nàng tiên cá.
Vở ballet “Nàng tiên cá”
Do đoàn múa Joffrey Ballet biểu diễn ở Nhà hát Lyric Opera, Chicago
20 N. Wacker Dr., Chicago
Mua vé: truy cập trang Joffrey.org
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Epoch Times Tiếng Việt