Tác giả: Lâm Hòa
[ChanhKien.org]
3. Kiến tạo lịch sử
Trong cuộc đời của Viên Sùng Hoán, cá nhân tôi cảm thấy “Trận chiến Ninh Viễn” là chương quan trọng nhất trong quá trình thành tựu nhân vật này, rất đặc sắc và ý vị. Nó đã tạo dựng nên một nhân vật Viên Sùng Hoán với tính cách cương trực, trung, dũng, không sợ hãi, đây là mặt chính diện; còn tính cách phụ diện cũng có không ít, chẳng hạn như lỗ mãng, hung hãn, cố chấp…, và đội quân thiết kỵ Quan Ninh là điều mà ông ấy tự hào nhất.
Không lâu sau khi làm chủ bộ binh, Viên Sùng Hoán liều mình đơn độc cưỡi ngựa ra khỏi Sơn Hải Quan để quan sát quân tình. Ít lâu sau, ông quay về Bắc Kinh và báo cáo chi tiết tình hình ngoài Sơn Hải Quan với thượng ty và nói: “Nếu như cấp cho thần đầy đủ lương thực, binh mã, một mình thần cũng có thể bảo vệ được vùng đất Liêu Đông”. Lời của Viên Sùng Hoán tuy có khí khái của một văn thần, song lòng dũng cảm thì thật đáng khen ngợi.
Năm 1622, Viên Sùng Hoán bắt đầu xây dựng thành Ninh Viễn (nay là thành phố Hưng Thành, tỉnh Liêu Ninh). Thành Ninh Viễn cách Sơn Hải Quan hơn 200 dặm, với thành cao tường dày, là một trong những phòng tuyến quan trọng nhất ngoài quan ải để chống lại kẻ thù. Từ khi Viên Sùng Hoán bắt đầu xây dựng tòa thành này, cho đến trước lúc ông bị hành hình, mặc dù quân Thanh đã đi đường vòng để tấn công một số thị trấn, trong đó có thành Bắc Kinh, nhưng quân địch chưa bao giờ thực sự bước chân được vào thành Ninh Viễn dù chỉ một bước!
Tháng 11 năm 1625, tổng đốc Liêu Đông là Cao Đệ đã hạ lệnh rút lui, bỏ hết các thành trì bên ngoài Sơn Hải Quan, bỏ lại tất cả các vũ khí có thể vận chuyển được. Dân chúng “phá nhà bỏ ruộng, tiếng than khóc vang tận trời”. Hơn 10 vạn quân bỏ chạy tứ tán. Trong tình thế hỗn loạn không thể kiểm soát này, là một người gốc Quảng Đông, Viên Sùng Hoán cũng có “tinh thần kiên cường”, ông kiên quyết phản đối và không phục tùng mệnh lệnh, cho rằng binh pháp chỉ có tiến không có lùi, nếu bỏ Ninh Viễn thì toàn bộ phòng tuyến sẽ sụp đổ. Viên Sùng Hoán nói rằng: “Ta là tướng trấn giữ Ninh Viễn tiền đồn, quyết sẽ cùng sống chết với Ninh Viễn!”, và “Ta nằm một mình trong cô thành chỉ để bắt sống địch” (ý là dù chỉ có một mình ta cũng thủ tại đây để nghênh chiến với địch).
Ngày 14 tháng Giêng năm 1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dẫn đầu một đội quân tinh nhuệ, gọi là đội quân Hậu Kim với 20 vạn người, không tốn một chút sức mà đã chiếm được hết các thành trì lớn nhỏ. Mấy ngày sau, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đến thành Ninh Viễn, kinh ngạc khi thấy có binh sĩ đóng ở đó. Nỗ Nhĩ Cáp Xích bèn phái sứ giả đưa tin, đại ý rằng: “Ta đã mang 20 vạn quân đến công thành, chắc chắn sẽ phá thành, nếu các ngươi đầu hàng thì sẽ được phong quan”.
Chiều cùng ngày, Viên Sùng Hoán đáp thư: “Ta đã dốc sức xây dựng nơi này, sẽ tử thủ ở đây, sao có thể đầu hàng được? Ngươi nói có 20 vạn quân nhưng ta biết đó là giả, chỉ có 13 vạn thôi, tuy nhiên quân ta cũng không ít!”
Khi này, Ninh Viễn đã là một tòa thành đơn độc, không có bất kỳ quân tiếp viện nào, chỉ có hơn một vạn quân Minh bị cô lập, không được tiếp tế. Cả triều Minh lẫn Nỗ Nhĩ Cáp Xích cùng thuộc hạ của ông ấy đều cho rằng kết quả thắng bại đã không cần phải bàn. Chúng ta đã biết vào sáu năm trước (tức năm 1620) bên bờ sông Tát Nhĩ Hử, Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ dùng hơn bốn vạn quân mà đã đánh bại 12 vạn quân tinh nhuệ nhất của nhà Minh.
Khi này, Viên Sùng Hoán phái người ra Sơn Hải Quan đưa tin rằng: “Chỉ yêu cầu một điều, nếu phát hiện bất kỳ binh sĩ hay tướng lĩnh nào từ Ninh Viễn bỏ trốn, thì sẽ bị giết mà không phải đền tội!”
Khi trận chiến sắp bắt đầu, Viên Sùng Hoán triệu tập tất cả người của mình lại, và trước sự kinh ngạc của đám đông, ông đã trịnh trọng quỳ xuống trước mặt họ. Ông nói với họ một cách chân thành và thẳng thắn rằng: sẽ không có bất kỳ quân tiếp viện hay sự giúp đỡ nào, Ninh Viễn đã hoàn toàn bị bỏ rơi, nhưng ta sẽ không bỏ chạy, ta sẽ bám trụ ở đây cho đến giây phút cuối cùng, ta có quyết tâm chiến đấu đến chết! Sau đó Viên Sùng Hoán cắn ngón tay, dùng máu viết một bức huyết thư, trịnh trọng lập lời thề. Trong khoảnh khắc ấy, các tướng sĩ đã bị ông làm cảm động, và nhuệ khí của quân binh đã thay đổi rất nhiều.
Viên Sùng Hoán tử thủ Ninh Viễn, Nỗ Nhĩ Cáp Xích ba lần tấn công đều thất bại, và bị tổn thất nặng nề, bản thân Nỗ Nhĩ Cáp Xích cũng bị trọng thương. Ông nói với các bối lặc của mình rằng: “Ta đã cầm quân từ năm 25 tuổi đi đánh trận đến nay, đánh đâu thắng đấy, chưa có thành nào không hạ được, trải qua 43 năm, duy chỉ có cô thành Ninh Viễn này là không chiếm được”. Đây là lần đại bại đầu tiên của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, cũng là cuộc tổng rút lui đầu tiên của quân Hậu Kim. Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã qua đời ở Thẩm Dương vài tháng sau đó. Trận chiến này chính là “trận phòng thủ Ninh Viễn” vang danh trong sử sách. Và trong lịch sử chiến tranh, đây là một ví dụ kinh điển cho một trận chiến lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều.
Trên người Viên Sùng Hoán cũng bị thương nhiều chỗ, và trong lần chiến đấu này, tất cả những người giữ vững thành trì cùng với chủ tướng của họ đã tạo nên những trang nam tử kiên cường, giàu lòng hy sinh, dũng cảm, kiên định và không sợ hãi! Sau đó, mượn chiến thắng Ninh Viễn, Viên Sùng Hoán đã huấn luyện một đội kỵ binh với sức chiến đấu như vũ bão dù binh lực không nhiều. Người đời sau gọi đội quân này là quân “thiết kỵ Quan Ninh”, những ai rành về lịch sử nhà Minh thời mạt hậu ắt sẽ hiểu lúc đương thời cái danh từ “thiết kỵ Quan Ninh” này có ý nghĩa thế nào.
Nỗ Nhĩ Cáp Xích mất, Hoàng Thái Cực khi mới lên ngôi Đại Hãn đã cho quân tổng tấn công thành Cẩm Châu từ hai mặt phía Tây và phía Bắc vào năm 1627. Sau ba ngày tấn công liên tiếp, quân Hậu Kim tử trận vô số nhưng không thu được kết quả gì, Hoàng Thái Cực không còn cách nào khác, đành phải bãi binh, cho quân vòng qua Cẩm Châu và trực tiếp tấn công Ninh Viễn. Điều khiến quân Hậu Kim ngạc nhiên lại xảy ra: quân Minh với lực lượng nòng cốt là đội “thiết kỵ Quan Ninh” đã dám xông ra khỏi thành và bắt đầu giao chiến với quân Hậu Kim!
Mặc dù có sự hỗ trợ hỏa lực từ các khẩu hồng di đại pháo trên mặt thành Ninh Viễn, nhưng quân Minh vẫn phải trả một cái giá cực lớn, tổn thất nhiều binh sĩ, nhưng suy cho cùng thì quân Minh vẫn dám đối kháng trực diện, đao đấu đao, thương đấu thương với quân Kim và giành được thắng lợi, đây là một kỳ tích xưa nay vẫn chưa từng có! Dù quân Kim có đánh như thế nào, thì quân Minh từ đầu đến cuối vẫn tử chiến không lùi. Quân Hậu Kim đã gặp phải một đội quân Minh hoàn toàn khác so với trước đây, cả hai bên đều bị thương vong khá nặng, xác quân Minh cùng với xác quân Kim chất đầy tại những vùng đất hoang bên ngoài thành Ninh Viễn, nếu dùng từ “Tu La trường” để hình dung quang cảnh lúc bấy giờ thì cũng thật chuẩn xác. Hoàng Thái Cực nhận được tin cấp báo từ Cẩm Châu truyền về: Triệu Suất Giáo lợi dụng cơ hội quân chủ lực Hậu Kim đang rút lui, bèn dẫn quân bất ngờ mở cổng thành lao ra, và tấn công đột nhập vào doanh trại quân Hậu Kim, sau khi giết một lượng lớn quân Kim thì nhanh chóng rút lui về thành.
Đội quân thiết kỵ Quan Ninh đã thắng trận đầu. Trong trận chiến dưới thành Ninh Viễn, quân kỵ binh đã dần trưởng thành. Hoàng Thái Cực không còn cách nào khác, đành phải lui binh lần nữa. Đây thật là một chiến thắng vang dội của trận Cẩm Châu – Ninh Viễn.
Năm 1629, Hoàng Thái Cực đích thân dẫn một đội quân gồm 10 vạn người, vượt qua Mông Cổ tiến đánh trực tiếp thành Bắc Kinh. Khi tin tức truyền đến, Viên Sùng Hoán đã không khỏi kinh hoàng thất sắc. Nhưng ông cũng kịp lập tức đưa ra một loạt quyết định, lệnh cho Triệu Suất Giáo hiện đang trấn giữ trấn Kế, khu vực phòng thủ gần Sơn Hải Quan nhất, dẫn 4.000 kỵ binh hạng nhẹ lập tức lên đường hỗ trợ Tuân Hóa, Viên Sùng Hoán đích thân dẫn 9.000 quân thiết kỵ Quan Ninh ngày đêm nhanh chóng hành quân về bảo vệ kinh sư. Ngày hôm sau, tổng binh Tổ Đại Thọ phụ trách chỉ huy đại quân chủ lực Quan Ninh tiến về Bắc Kinh tiếp ứng. Sau bao năm được Viên Sùng Hoán lao tâm khổ tứ huấn luyện, lần này tố chất của đội thiết kỵ Quan Ninh đã triển hiện ra hết sức sống động: ngay khi có lệnh của chỉ huy, thì mấy mươi vạn tướng sĩ xếp hàng chỉnh tề, và cũng chỉ cần bỏ tâm sức trong hơn một ngày là họ đã có thể hoàn thành lệnh tổng động viên, bắt đầu kéo quân ra tiền tuyến. Từ Sơn Hải Quan đến Ninh Viễn, toàn bộ khu vực quân sự trải dài hàng trăm dặm được đặt vào tình trạng phòng bị, vô số doanh trại ở Cẩm Châu gần như trở nên bận rộn cùng lúc, tuy bận rộn nhưng không hỗn loạn, ở cổng phía Nam của Sơn Hải Quan, quân lính đều đặn không ngừng tiến vào bên trong quan ải. Viên Sùng Hoán và đội kỵ binh tinh nhuệ của ông đã hoàn tất hành trình trong hai ngày hai đêm. Ngay cả trong số 9.000 kỵ binh tinh nhuệ nhất mà ông đích thân lựa chọn, vẫn có 4.000 người bị tụt lại phía sau, nhưng cuối cùng họ vẫn đến cổng thành Bắc Kinh kịp thời. Khi hai bên dàn trận bên ngoài Quảng Cừ Môn, thì đây hoàn toàn không phải là một trận chiến cân sức; Viên Sùng Hoán và 5.000 quân thiết kỵ của ông đã phải đối kháng với mấy vạn quân Bát Kỳ. Lúc này, cả người lẫn ngựa của đội thiết kỵ Quan Ninh đều đã kiệt sức, nhưng trước sự thúc giục của Hoàng đế Sùng Trinh, họ không thể không giao chiến với quân Thanh. Trận chiến này vô cùng gian khổ, quân hai bên giằng co đã lâu, Viên Sùng Hoán mình mặc khôi giáp xông vào vòng vây, hai bên sườn của ông bị rất nhiều mũi tên cắm vào. Cuối cùng, 4.000 quân thiết kỵ Quan Ninh bị tụt lại phía sau cũng đã đến và tấn công mãnh liệt quân Hậu Kim từ phía sau, khi quân Minh từ hai phía đánh giáp lại, quân Hậu Kim đã không thể trụ được, đây là đại thắng ở Quảng Cừ Môn, sau đó lại thu được đại thắng ở Tả An Môn, Viên Sùng Hoán đã nỗ lực giải nguy cho kinh sư; qua đó có thể thấy, lòng quả cảm của các tướng sĩ Quan Ninh thật phi thường.
Ở đây tôi cũng muốn nói một chút về tổng binh Sơn Hải Quan Triệu Suất Giáo, ông ấy dẫn 4.000 kỵ binh hạng nhẹ đến hỗ trợ khẩn cấp cho Tuân Hóa. 4.000 kỵ binh dù sao cũng không thể chống chọi được với mấy vạn quân Bát Kỳ. Điều Viên Sùng Hoán hy vọng là Triệu Suất Giáo có thể tiến vào Tuân Hóa trước khi thành bị công phá. Tuân Hóa là cửa ngõ cuối cùng của Bắc Kinh, chỉ cần có một danh tướng giỏi phòng thủ như Triệu Suất Giáo trấn giữ ở đó, cộng thêm 4.000 tinh binh, thì một thành trì kiên cố như Tuân Hóa sẽ có thể giữ được. Nhưng trước khi Triệu Suất Giáo đến thì Tuân Hóa đã thất thủ. Quân Triệu phục kích bên ngoài thành, họ đã anh dũng chiến đấu cho đến khi tất cả đều ngã xuống trong trận chiến, họ đã vì nước mà tuẫn tiết. Tôi có thể cảm nhận được nỗi đau giày xéo tâm can của Viên Sùng Hoán trước cái chết của đội quân Triệu Suất Giáo.
Tháng 12 năm 1629, Viên Sùng Hoán chịu hàm oan và bị giam trong ngục. Một số văn thần triều Minh như Chu Đình Nho… đã dâng thư giải cứu ông. Tổng binh Tổ Đại Thọ dâng thư nói rằng nguyện vì dân mà sẵn lòng từ chức, vì hoàng đế mà sẵn lòng chiến đấu đến chết, nguyện đánh đổi chức quan và mọi ân trạch của mình để được chuộc “tội” cho Viên Sùng Hoán; tổng quản của Viên Sùng Hoán là Hà Chi Bích đã dẫn cả nhà trên dưới hơn 40 người đến ngoài cung cầu xin, xin cả nhà được vào ngục thay cho Viên Sùng Hoán ra ngoài nhưng Sùng Trinh vẫn không ân chuẩn. Quan đầu mục cẩm y vệ là Lý Nhược Liên [1] thông qua tra xét chứng cứ cũng cho rằng, việc Viên Sùng Hoán thông đồng với địch là không đúng, Sùng Trinh đã giáng chức quan của Lý Nhược Liên xuống hai bậc, và đổi người khác tiếp tục điều tra.
Năm 1630, ở tuổi 46, Viên Sùng Hoán bị xử tử bằng cực hình lăng trì tại một ngôi chợ phía Tây thành Bắc Kinh. Đây cũng là một lần xử tội vô cùng tàn khốc được ghi chép trong lịch sử. Cái chết bi thảm của ông đã để lại cho Tổ Đại Thọ cùng 50 viên liễu tướng dưới quyền một ví dụ phản diện về “trung nhi kiến tru” (trung thành phải chịu cái chết), quân thiết kỵ Quan Ninh đã phẫn nộ hét lên: “Viên đốc sư bị giết, chúng ta còn chờ ở đây lập công để làm gì!” Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến Ngô Tam Quế và các hàng tướng khác vứt bỏ lòng trung nghĩa đối với vương triều Đại Minh.
Sau cái chết của Viên Sùng Hoán, đội thiết kỵ Quan Ninh đã dần phân hóa rồi tan rã. Vài người trong số họ sau đó được điều động trở lại quan ải để trấn áp đội quân nông dân như Tả Lương Ngọc, Tào Văn Chiếu, Lưu Trạch Thanh; một bộ phận khác đã ngã xuống trên chiến trường kháng quân Thanh như Hà Khả Cương, Tào Biến Giao, Hoàng Đắc Công; số còn lại thì đầu hàng nhà Thanh và trở thành đội quân tiên phong của nhà Thanh khi tiến vào quan ải như Ngô Tam Quế, Khổng Hữu Đức, Cảnh Trọng Minh, Thượng Khả Hỷ.
Còn thủ lĩnh Tổ Đại Thọ của họ đã chiến đấu anh dũng trong hai trận Đại Lãng Hà và Cẩm Châu cho đến khi lương cạn đạn hết, rồi cuối cùng bị bắt và đầu hàng quân Mãn Thanh, mặc dù không thể nào so được với các chiến hữu của mình như đốc sư Hòa Mãn Quế, Triệu Suất Giáo, Hà Khả Cương, Tôn Tổ Thọ, nhưng biểu hiện trong khi bị bắt vì sức cùng lực kiệt, và sau khi đầu hàng thì cả đời không hề hiến một kế sách nào cho nhà Thanh của ông, trong lịch sử ít nhất cũng có thể nhận được đánh giá ngang bằng với tướng lĩnh Lý Lăng của nhà Tây Hán. Mặc dù tương lai của mỗi người có khác nhau, nhưng bất kể là trong doanh trại nào thì các viên liễu tướng đều biểu hiện ra mình là tướng lĩnh ưu tú nhất của thời đại đó; còn đội thiết kỵ Quan Ninh dần bị chia rẽ và suy yếu kia rốt cuộc lại là nhóm người ưu tú nhất. Khi viết về đội thiết kỵ Quan Ninh, tôi vẫn luôn có một cảm giác rất tự hào.
Tôi từng đọc qua một đoạn trong bài “Luân hồi ký sự: Lời hứa nơi Ninh Viễn (1)” trên Chánh Kiến Net thế này: Tôi đã đến thành cổ nằm ở trung tâm thành phố Hưng Thành mấy lần, trong đó có một lần là đi cùng với “Hoàng đế Sùng Trinh” năm đó. “Hoàng đế Sùng Trinh” trong đời này là một người tu hành có thể nhìn thấy một số cảnh tượng mà người khác không nhìn thấy. Lúc cùng tôi dạo bước trong thành cổ, anh ấy (“Hoàng đế Sùng Trinh”) than vãn rằng: “Đấy anh xem, những binh sĩ thuộc hạ của Viên Sùng Hoán năm xưa vẫn là những âm hồn chưa siêu thoát, họ không buông tha cho tôi, cứ mãi chất vấn rằng vì sao năm xưa khi quốc gia đang lúc lâm nguy lại đem Viên Sùng Hoán đi hành quyết lăng trì?”. Tôi không trực tiếp trả lời anh ấy mà chỉ chia sẻ về quan điểm cá nhân của mình đối với hiện tượng những “âm hồn chưa siêu thoát” này, tôi nói: “Đại bộ phận những binh sĩ ấy đã đi chuyển sinh rồi, chỉ là lòng mến kính của họ đối với tinh thần trung dũng của Viên Sùng Hoán còn thấm đẫm trên mảnh đất này, vừa hay gặp được anh đến đây mới chất vấn anh như vậy thôi”.
Khi đọc đoạn này, trong lòng tôi có một cảm giác buồn rầu, ảm đạm. Hy vọng bài viết này có thể giúp an ủi linh hồn của những tướng sĩ thiết kỵ Quan Ninh vẫn chưa chuyển sinh kia: các bạn đều là những người giỏi giang cả, là những trang nam nhi kiên cường thực thụ! Hy vọng các bạn có thể đồng hóa với đặc tính “Chân Thiện Nhẫn” của vũ trụ, hy vọng mọi người đều có một nơi mỹ hảo để đến, chúc những người bạn cũ của tôi mọi điều tốt đẹp nhất! Viết đến đây, mắt tôi bỗng ướt nhòa, tôi đặt bút xuống, đứng dậy khấu bái trước Pháp tượng Sư phụ và thành tâm cầu nguyện rằng tất cả chúng sinh đều nhận được sự cứu độ từ Sáng Thế Chủ!
Chú thích:
[1]: Khi Lý Tự Thành tấn công thành Bắc Kinh, Lý Nhược Liên trong tình huống gần như toàn bộ quân binh bỏ chạy đã kiên trì phòng thủ ở Sùng Văn Môn, cuối cùng vì nước tự sát! Trước khi chết, ông đã để lại mấy lời tuyệt mệnh: “Tử hĩ! Tức vi kim nhật sự; bi tai! Hà tất hậu nhân tri” (Chết sao! Đó là chuyện hôm nay; Đau thương sao! Không cần hậu nhân biết).
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284912
Ngày đăng: 15-09-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org