Tác giả: Thiên Nhai tri kỷ
[ChanhKien.org]
Từ nhỏ, nhân vật chính của bài này đã có rất nhiều hứng thú đối với ba tỉnh Tây Nam Trung Quốc, nơi có hồ Điền Trì, có Thương Sơn Nhĩ Hải, có ‘Thiên phủ chi quốc’ của Tứ Xuyên, có Đô Giang Yển, có Tây Song Bản Nạp và Hương Cách Lí Nạp, có nhiều phong tục tập quán phong phú của các dân tộc thiểu số… Những ngọn núi và dòng sông ở đó đầy vẻ thần bí đối với anh ấy. Sau khi tu luyện, anh dần nhận ra rằng mình đã kết nên mối duyên phận sâu sắc với vùng đất đó qua đời đời kiếp kiếp luân hồi.
Đó là vào thời nhà Nguyên, quê của anh vốn ở đảo Hải Nam, sau chuyển đến vùng Trạm Giang, vì tay nghề của cha anh nức tiếng gần xa nên rất nhiều người tìm đến nhờ cha anh đóng đồ mộc giúp. Kỹ năng sử dụng dao khắc của phụ thân anh hết sức tinh nghệ, những hình chim và động vật được điêu khắc trên đồ vật và xà nhà đều trông sống động như thật. Nhờ vậy cha anh có thể tiếp xúc được với rất nhiều người, anh trưởng thành trong môi trường như vậy. Cha anh là người quý mến người tài, ông có một vị bạn hữu rất yêu thích thơ văn, người ấy thường đến dạy dỗ anh. Từ nhỏ anh đã thông minh sáng dạ, lớn lên phong tư lại càng anh tuấn, mọi người thảy đều vô cùng yêu thích. Anh dần dần cũng có đầy một bụng kinh luân, còn đao pháp của anh tuy kém xa phụ thân nhưng vẫn có thể mang ra dùng được. Năm tầm 20 tuổi, một biến cố lớn xảy ra trong gia đình đã làm thay đổi vận mệnh cuộc đời anh.
Một hôm khi cha anh đang đóng đồ đạc cho người ta thì có quan phủ tới bắt đi. Cha anh cảm thấy nghi hoặc bèn hỏi họ: “Sao lại đến bắt tôi?” Họ đáp: “Có người tố cáo ngươi đã trộm của người ta 500 lượng bạc và nhiều đồ trang sức quý giá khác”. “Đó là vu cáo! Con người tôi làm việc đoan chính, xưa nay chưa từng làm qua những trò đáng xấu hổ như vậy!”, phụ thân anh giải thích. “Vậy chúng ta hãy về nha môn rồi nói tiếp”. Sai nha cưỡng chế áp giải cha anh đi, rồi sau đó tống ông vào đại lao.
Về sau có người bảo với anh rằng một người bạn của cha anh thấy ông mỗi năm kiếm được nhiều tiền nên sinh lòng ghen ghét, quyết câu kết với quan phủ nguỵ tạo án oan sai.
Khi nghe được những lời này trong lòng anh dường như lập tức thấu tỏ rất nhiều điều, hoá ra người bạn vô cùng tốt bụng kia đã chỉ vì chút lợi nhỏ mà hãm hại người khác, cái tình bạn này xem ra chỉ là giả tạo. Vậy thì quan phủ kia cũng chỉ vì chút lợi cỏn con mà bị lợi dụng rồi vu tội và bắt người, thế thì cái sự thanh liêm của quan phủ cũng là giả. Cha anh tài nghệ vang danh nhưng giờ đây lại bị giam cầm, xem ra cái tài nghệ và sự nổi danh này cũng thật vô thường. Sự biến đổi của hết thảy những điều thị phi trên thế gian con người này hoá ra lại nhiều như vậy!
Lúc trên bờ biển anh đã từng làm một bài thơ rằng:
Hải phong phất diện tâm phiêu linh
Nhân sinh chi lộ hà phương hành
Bồi hồi hồng trần bất tri thố
Ngưỡng thiên trường vọng lệ doanh doanh
Diễn nghĩa:
Gió biển thổi qua mặt khiến tâm phiêu linh
Con đường nhân sinh biết theo hướng nào
Quẩn quanh hồng trần không biết trở xoay
Nhìn trời cao rộng lệ hàng hàng
Lúc này có một ông lão từ xa đi tới và đọc cho anh nghe một bài kệ:
Như mộng như huyễn hồng trần hành
Bi hỉ vô thường như phù bình
Khán phá hư huyễn tầm đại đạo
Liễu khước mê khổ tiếu tại trần
Tạm dịch:
Như mơ như ảo trong hồng trần
Khổ vui vô thường tợ bèo dạt
Nhìn thấu hư huyễn tìm đại đạo
Đoạn dứt mê khổ cười tại trần
Lúc ấy anh nghĩ bài thơ hay thì thật hay nhưng không gieo vần. Ông lão có lẽ đã nhìn thấu tâm tư anh nên cười mà rằng: “Lời của ta không phải là thơ, chỉ là mấy câu khải thị cho cậu!” Sau đó ông bảo: “Này chàng trai trẻ, không biết cậu có thể hạ quyết tâm chịu khổ không, nếu quả thật cậu có quyết tâm lớn ngần ấy thì hãy bắt đầu hành trình đến Tây Tạng cầu Pháp. Bất kể kết quả ra sao, ta đảm bảo cậu sẽ không uổng công vô ích! Hơn nữa cậu nhất định phải đến Thương Sơn Nhĩ Hải nước Đại Lý, ở đó có những việc cần cậu hoàn thành!” “Vậy con sẽ sống bằng cách nào?”, anh bối rối đáp. “Tài nghệ của cậu thì sao?”, lời nhắc nhở của ông lão đã giúp anh buông cái tâm [lo lắng] xuống. Anh liền quay về nhà từ biệt mẹ, chỉ mang theo một ít hành trang đơn sơ, đương nhiên có cả một tập thơ văn, con dao khắc và những dụng cụ khác do phụ thân để lại rồi bắt đầu cuộc hành trình dài đằng đẵng đến Tây Tạng cầu Pháp.
Trên đường đi, nhờ tài nghệ vượt bậc nên anh không phải chịu khổ cho mấy, ngược lại lại còn có thể thưởng thức nhiều phong cảnh [đẹp], những trải nghiệm và lịch trình của anh cũng trở nên phong phú. Khi đi đến Quảng Tây, có lần trên đường gặp một vị “tiểu huynh đệ” đang thút thít khóc, anh tiến đến hỏi: “Sao cậu lại khóc?” Người ấy đáp bị phụ thân đánh, vì cậu không muốn ở cạnh người mà mình không thích nên phụ thân cậu đã vô cùng giận dữ! Lúc ấy anh bất giác buột miệng thành thơ:
Nhân gian chi tình khổ vô thường
Hà tất vi tình khóc đoạn tràng
Như ngã nhất tâm khứ cầu Pháp
Tẩy khứ duyên hoa trần trung tường
Tạm dịch:
Nhân gian tình ái khổ vô thường
Hà tất vì tình khóc đoạn trường
Như ta một lòng đi cầu Pháp
Tẩy sạch phấn son liệng cõi trần
[Nghe xong] đôi mắt của “tiểu huynh đệ” bỗng sáng lên: “Anh đi đâu thế?” Anh đáp mình định đến Tây Tạng cầu Pháp, rồi đem câu chuyện của bản thân kể cho cậu ấy nghe. Vị “tiểu huynh đệ” nói: “Anh đi một mình cũng thật cô độc, hay là để tôi đi cùng anh được không? Chúng ta kết bạn cùng đi, cũng tránh được việc phụ thân thấy tôi lại chướng mắt”. Rồi vị “tiểu huynh đệ” nói với anh rằng mình tên là Tiểu Bác.
Nhưng trên đường đi, anh phát hiện vị “tiểu huynh đệ” này có chút kỳ lạ, khi đến quán trọ cậu ấy thường chọn một phòng riêng, hơn nữa cũng rất quan tâm và lo lắng tỉ mỉ cho anh, thi thoảng lại còn kể anh nghe những chuyện tình cảm nồng đượm. Bất kể thế nào, đời ấy anh đã được định sẽ thiếu mất một “sợi gân” về phương diện này, anh chỉ có một lòng cầu Pháp, ngoài ra không nghĩ ngợi gì khác!
Vào một ngày mưa gió mịt mùng, bọn họ đã đến được Thương Sơn Nhĩ Hải. Lúc đi ngang qua một ngôi nhà rộng, tình cờ thấy gia đình ấy đang tìm thợ thủ công để đóng đồ nội thất, họ liền tiến vào xin làm việc.
Chủ nhân ngôi nhà nói rằng con gái ông thích đồ dùng đẹp, vài ngày nữa là đến sinh nhật cô bé, ông muốn làm ra một món đồ đẹp nhất để làm quà tặng cô. Anh nghe vậy liền vội xắn vào làm ngay một món đồ cho người ta! Anh để Tiểu Bác giúp anh một tay, đứa trẻ này tay chân cũng rất lanh lợi, chỉ là không có sức lắm, cứ như một đứa con gái vậy.
Nửa tháng sau, khi công việc đã hoàn thành, vị chủ nhân mời họ dùng cơm. Trên bàn ăn ông hỏi anh: “Không biết năm nay cậu bao nhiêu tuổi? Cậu định đi đâu?” Anh đáp: “Tôi năm nay 24 tuổi, tôi muốn đến Tây Tạng cầu Pháp phá trừ sinh tử!” Ông nói: “Hay là cậu ở lại đây, con gái ta là đứa mến người tài, ta gả con gái Bích Liên của ta cho cậu có được không? Ngày thứ hai khi cậu mới đến đây nó đã bảo ta hãy giữ cậu lại!” “Không thể, tuyệt đối không thể”, anh vội vã xua tay, không hiểu sao lại vô tình liếc qua Tiểu Bác, ánh mắt Tiểu Bác lúc này có vẻ vô cùng phức tạp. “Tôi đời này quyết chí đến Tây Tạng cầu Pháp, ngoài ra không nghĩ gì khác, xin cảm ơn ý tốt của ngài và tiểu cô nương nhà ngài!”, nói xong anh quay người định rời đi. Không may lúc ấy trời bỗng đổ cơn mưa lớn, vị chủ nhân cũng hết sức nhiệt tình giữ bọn họ lại. Bọn họ chỉ đành ở tạm lại đấy mấy hôm.
Hai ngày trôi qua, bọn họ lại chuẩn bị lên đường. Vào buổi tối hôm đầu tiên, Bích Liên đã đích thân đến gặp anh, nói với anh rất nhiều chuyện rồi rời đi, nói rằng cô muốn đến phòng Tiểu Bác thăm Tiểu Bác một chút. Một lúc sau Bích Liên quay lại, nhưng vẻ mặt Bích Liên lúc này rất khó hiểu, cô nói: “Anh có biết Tiểu Bác vẫn luôn lừa anh không!” “Lừa tôi, lừa tôi điều gì? Tôi không hiểu”, anh hỏi đầy nghi hoặc. “Cậu ta là con gái! Hoàn toàn không phải là con trai đâu!”, Bích Liên nói bằng một giọng điệu phức tạp. “Làm sao cô biết?” “Tôi vừa thấy cô ta chải tóc! Hơn nữa tôi mới vạch trần chiêu trò của cô ta, tí nữa cô ta sẽ biến thành đứa con gái tới đây cho huynh xem. Ngày thứ ba khi các huynh tới đây tôi đã phát hiện ra bí mật nhỏ này, huynh thật quá ngốc”, Bích Liên quở trách anh.
Đương nói tới đó thì rèm cửa được vén lên, một cô gái nhan sắc hết sức mỹ lệ xuất hiện trước cửa, anh đứng đó sững sờ rất lâu mà không nói được câu nào!
Lúc này Tiểu Bác mới khẽ nói: “Khi ấy gặp anh, tôi đã thích anh, nhưng anh căn bản chẳng hiểu được tâm ý của tôi, rời xa huynh thì tôi không nỡ, tôi đành làm ‘đệ đệ’ của huynh vậy!” Anh thở dài một tiếng: “Ôi! Tôi quả thật chỉ là con mọt sách”. Bích Liên nói một cách kiên quyết rằng: “Nếu anh đã có thể giữ Tiểu Bác bên mình làm ‘đệ đệ’, vậy anh không thể giữ tôi ở bên anh làm ‘đệ đệ’ sao?” Anh nhìn Bích Liên một cái, [gật đầu] nói được! Ây da, lại một cô nương nữa đến, đời này sao ta lại gặp kiểu cô nương thế này. Mệnh khổ thật! Tiểu Bác khi này có vẻ rất thông suốt, cô nói: “Mọi chuyện đã định thế rồi, tôi và chị Bích Liên lại có bạn để nói chuyện, kẻo huynh không hiểu con gái chúng tôi nói gì”. “Tôi muốn đi cầu Phật Pháp! Không phải muốn nói chuyện”, anh vẫn giải thích. “Vậy tôi cũng sẽ cải nam trang theo huynh đến Tây Tạng. Tôi đi tìm cha nói chuyện đây”, Bích Liên dường như đã hạ quyết tâm rất lớn!
Lát sau cha của Bích Liên đến, nói: “Vừa rồi ta có nghe tin bẩm báo rằng đường này đến Tây Tạng có rất nhiều cường đạo, còn có chiến tranh xảy ra, nếu được các con hãy ở lại đây tu hành trước, đợi sau khi mọi thứ lắng xuống rồi hẵng đi cũng chưa muộn”. Anh nghĩ mãi cũng không tìm ra cách nào khác, chỉ đành ở lại.
Nửa năm sau anh gặp lại ông lão trên bờ biển năm xưa, ông lão đã dạy cho nhóm anh rất nhiều phép tu hành bí mật. Thế là ba người họ đồng tâm quyết chí tu hành cho tốt, đồng lòng đem Phật Pháp hồng dương khắp non khắp bể vùng Thương Sơn Nhĩ Hải, cùng nhau giáo hóa chúng sinh bách tính nơi đấy.
Đương nhiên cả nhà Bích Liên và những người thân thuộc xung quanh đều một lòng tin vào Phật Pháp. Về sau nơi này xảy ra nạn binh đao, rồi lại bị ôn dịch hoành hành; bất kể thế nào, những người thực sự tín phụng Phật Pháp đều may mắn thoát khỏi tai nạn.
Tùy theo việc không ngừng tu luyện, tâm thái ba người ngày càng kiền tịnh, sinh mệnh càng ngày càng trở nên thuần tịnh, năng lực cũng trở nên càng ngày càng lớn. Bởi vì căn cơ của họ rất tốt nên cái tình của người thường và những thứ gọi là hỷ hảo, quyến luyến nơi trần tục tựa hồ đều hoá thành mây khói, trong lòng họ chỉ có Phật Pháp và thiên địa thương sinh! Cuối cùng họ đều [viên mãn] ngồi trên đài sen bay lên, hoàn thành việc tu luyện và kết duyên trong đời ấy.
Đó chính là:
Sinh sinh luân hồi vi kết duyên
Thế thế chuyển sinh khổ chuy luyện
Kim triều hạnh đắc Đại Pháp truyền
Đồng tâm vĩnh kết liễu tiền nguyện!
Tạm dịch:
Đời đời luân hồi để kết duyên
Kiếp kiếp chuyển sinh khổ trui rèn
Nay may mắn đắc Đại Pháp truyền
Đồng tâm vĩnh kết nguyện uyên nguyên!
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/276530
Ngày đăng: 01-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org