Một số văn nhân nổi tiếng như Hector Berlioz, Frederic Chalon, Samuel Pepys, và Robert Louis Stevenson đã từng chơi một loại nhạc cụ cổ gọi là sáo flageolet. Các nhà soạn nhạc như Henry Purcell và George Frideric Handel đã sáng tác một số bản nhạc cho loại sáo này.
Vào những năm 1700, các nhạc sĩ đã bắt đầu chơi loại nhạc cụ giống với sáo recorder tại Pháp quốc, nhạc cụ này được biết đến như là sáo flageolet của Pháp quốc. Nhạc cụ này thuộc nhóm sáo fipple, với bốn lỗ bấm ở mặt trước và hai lỗ bấm ở mặt sau.
Bức họa “An Angel Plays a Flageolet” (Thiên sứ thổi sáo flageolet) do họa sĩ Edward Coley Burne-Jones (1833–1898) vẽ năm 1878. Bức tranh khắc họa một vị thiên sứ thổi sáo trước ô cửa sổ đang mở, như thể đang thổi sáo cho chúng sinh ở bên ngoài thế giới thiên quốc của mình nghe.
Thế giới thiên quốc
Thiên sứ tao nhã ngả người về phía trước gần với ô cửa sổ. Dường như nàng đang di chuyển trong khi thổi sáo, y phục váy dài lấp lánh màu xanh lam và màu đỏ hòa nhịp cùng thời gian và giai điệu. Đôi cánh màu xanh lam và vàng kim tỏa sáng lấp lánh cũng nhảy múa và đung đưa theo. Chiếc vương miện làm từ những đóa hoa và vầng hào quang thu hút ánh nhìn của người thưởng lãm đến trạng thái của vị thiên sứ khi chăm chú thổi sáo. Ở bên ngoài ô cửa sổ màu vàng kim là một phần kết cấu màu xanh lam, có thể là vòm trời ở bên dưới các cõi thiên giới.
Nghệ sĩ đã sử dụng đề tài thiên sứ đối với một số tác phẩm: cửa sổ kính màu, một bộ ba thiên thần nhỏ bằng sơn dầu, một bộ lớn hơn màu keo tempera, cũng như các bức vẽ. Các bức vẽ được hoàn thiện bằng màu nước và màu gouache, một loại màu nước mờ đục. Bức họa khổ lớn hơn được họa sĩ hoàn thiện bằng màu keo tempera và giấy dát vàng dán lên nền vải canvas.
Màu tempera thường được sử dụng trong Thời kỳ Trung cổ cho đến khi việc sử dụng sơn dầu trở nên phổ biến vào Thời kỳ Phục Hưng. Màu keo tempera là một chất liệu ổn định được làm từ bột màu pha với lòng đỏ trứng và nước. Trang web The History of Art (Lịch sử của Nghệ thuật) lưu ý rằng: “Bằng việc sử dụng vàng và màu tempera trong bức họa này và những tác phẩm khác, chúng ta có thể thấy rõ màu sắc và tông màu rực rỡ sống động giúp làm nổi bật khung cảnh thiên đường của vị thiên sứ.”
Họa sĩ Burne-Jones đã bị cuốn hút bởi sự thuần khiết và mộc mạc của nghệ thuật thời Trung cổ, đặc biệt là các ô cửa sổ kính màu cao lớn của những nhà thờ chính tòa [theo phong cách] Gothic. Ông đã sáng tạo cửa sổ kính màu cho nhà thờ giáo xứ tại Lyndhurst, Hampshire vào năm 1862–1863, điều truyền cảm hứng cho ông vẽ tranh bằng màu nước và màu tempera.
Có sự khác biệt về hình dạng của nhạc cụ trong bức tranh của Burne-Jones so với loại nhạc cụ được chơi vào thời đó. Họa sĩ đã tạo hình cây sáo flageolet phù hợp với họa tiết hình cỏ ba lá của ô cửa sổ kính màu ông đã thiết kế trước đó.
Nhạc cụ này trông giống như kèn trumpet thời Trung cổ hơn; có lẽ họa sĩ muốn vẽ nhạc cụ này giống với cây sáo flageolet ở trên thiên đường. Với cây sáo thoát tục của mình, họa sĩ Burne-Jones có lẽ đang nói với chúng ta rằng cây sáo flageolet ở thế giới thiên quốc truyền tải âm thanh thánh khiết hơn, dễ thổi hơn, và tuyệt mỹ hơn bất kỳ điều gì trong cõi phàm trần.
Vì những lý do cá nhân, họa sĩ Burne-Jones đã giữ lại bức tranh này trong xưởng vẽ của ông trong 10 năm trước khi tặng cho một nhà môi giới nghệ thuật, nơi bức tranh ngay lập tức được bán cho ông George Holt, chủ hãng tàu biển, thương nhân, và nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Victoria đến từ thành phố Liverpool.
Ông Burne-Jones đã miệt mài làm việc, tập trung vào từng chi tiết, các tác phẩm nghệ thuật của ông được ca ngợi về kỹ pháp mà ông đã đặt trọn vẹn vào đó.
Epoch Times Tiếng Việt