Một năm trôi qua, Tết Thanh Minh, lễ Tảo mộ đã tới. Thế nhưng, phong tục tảo mộ trong Tết Thanh Minh được cho là hình thành muộn hơn so với những phong tục cổ truyền khác của dân tộc Trung Hoa. Trước kia, mỗi khi đến tiết khí Thanh Minh (tiết tháng 3 Âm lịch), người xưa thường có những phong tục gì?
Nguồn gốc của phong tục tảo mộ và Tết Thanh Minh
Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí, là tiết tháng 3 trong âm lịch, đến thời Tống đã trở thành ngày lễ dân tộc quan trọng – Tết Thanh Minh, lúc này tảo mộ mới trở thành một hoạt động quan trọng của ngày Tết Thanh Minh. Trước thời Tống, phần lớn dân gian sẽ tiến hành tảo mộ trong ngày Tết Hàn thực trước Tết Thanh Minh, phong tục này được truyền từ đời nhà Hán, vào thời ấy lấy ngày Tết Hàn Thực để kỷ niệm trung thần Giới Tử Thôi đã dùng cái chết của mình khuyên vua Tấn Văn Công.
Thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu), Hoàng thất không tế mộ, bắt đầu từ thời Tần, Hoàng thất xây thêm một tẩm điện bên cạnh phần mộ để làm miếu thờ để cúng tế và nơi cất giữ áo mũ của tổ tiên. Đến thời Đông Hán dời đô về Lạc Dương, cách xa các Hoàng lăng ở Quan Tây, không thể quanh năm tiến đến để Tế tự, cho nên tiến hành Tế tự ở Lạc Dương, khi Hoàng đế đến phía Tây, thì đích thân Ngài sẽ đến thăm lăng.
Thời kỳ Xuân Thu, các nhân sĩ đại phu Tế tự tổ tiên ở từ đường (nhà thờ tổ). Khi con trai trưởng của gia tộc (con trai trưởng do vợ cả sinh ra) không thể tiến hành nghi thức Tế tổ, thì con trai thứ sẽ đến trước mộ tổ tiên lập đàn cúng tế. Nếu con trai trưởng gia tộc qua đời rồi, thì con trai thứ tiến hành cúng tế trước mộ xin phép tổ tiên, sau đó sẽ tiến hành cúng tế tổ tiên ở trong nhà.
Đến thời Đường, vào các thời điểm “Hối, vọng, nhị thập tứ (tiết) khí, phục, tịch cập tứ thì (tứ quý)” (ngày cuối tháng âm lịch, ngày Rằm, 24 tiết khí, ngày nóng nhất trong mùa hạ, ngày tất niên và bốn mùa), Hoàng thất đều tiến hành tế tự (Theo “Thông Điển – Lễ Cửu – Thời Hưởng”). Ngoài tế tự, còn có lễ “Thượng thực”, trong quy định mới vào năm Vĩnh Huy thứ hai thời Hoàng đế Đường Cao Tông, ngày “Thượng thực” cũng bao gồm ngày “Thanh Minh”.[1]
Thời Đường, vào Tết Hàn Thực, bách tính trong dân gian đi thăm viếng và tảo mộ, điều này được lưu truyền từ đời này sang đời khác, và tự nhiên trở thành phong tục, nhưng không được đề cập trong lễ chế. Tháng Tư năm Khai Nguyên thứ 20 thời, Hoàng đế Đường Huyền Tông cho phép người dân thăm viếng và tảo mộ trong ngày Tết Hàn Thực để tỏ lòng hiếu nghĩa, đồng thời bài trí một trong ngũ lễ. Người dân có thể đặt tế phẩm trước cửa nam của mộ, nhưng không được có thái độ vui vẻ, sau khi cúng tế xong phải khóc cáo biệt tổ tiên, sau đó ở một nơi không thấy được mộ tổ tiên, có thể ăn những tế phẩm đã được cúng tế này.[2]
Đến thời Tống, “ngày thứ ba của Tết Hàn Thực, là ngày Thanh Minh”, ngày Thanh Minh là sau ngày thứ hai của Tết Hàn Thực [3], nó đã trở thành một ngày lễ trong tết Hàn Thực và trở thành ngày để mọi người đến mộ thăm viếng và tảo mộ mới. Trong cuốn “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” thời Bắc Tống có ghi lại: “Tết Thanh Minh… từ ngày này đến ba ngày sau đó, đều ra ngoài thành thăm viếng mộ”, “Tất cả mộ mới đều được tảo và cúng tế vào ngày này”. Các cửa hiệu bán giấy tiền vàng mã cũng dùng giấy tiền xếp thành tòa lâu đài trên đường phố, nhiều người ra khỏi thành vào ngày này, khắp nơi đều như thế. Từ thời Tống trở đi, tết Thanh Minh gắn liền với tập tục tảo mộ cúng tế tổ tiên, lưu truyền lại qua nhiều đời trở thành phong tục.
Thời cổ, Thanh Minh không tảo mộ, vậy người xưa có những hoạt động nào?
Từ thời thượng cổ đến triều Đường, người dân không tảo mộ vào tiết Thanh Minh, nhưng tập tục của tiết khí thì lại vô cùng nhiều. Vậy người dân có những hoạt động gì? Nói chung chủ yếu là những hoạt động có liên quan đến tiết khí Thanh Minh. Bởi vì tiết Thanh Minh ngay sau Tết Hàn Thực, cho nên tập tục của hai ngày lễ này cũng thường kết hợp với nhau hoặc có sự ảnh hưởng lẫn nhau.
Tết Thanh Minh đổi lửa lấy lửa mới
Thời nhà Chu, có ban bố lễ chế Tân hỏa (lửa mới) trong Tết Thanh Minh (“Chu Lễ”). Thời cổ đại, người ta thường dùng hai thanh gỗ đánh mạnh vào nhau để tạo ra lửa, trong bốn mùa căn cứ vào đặc điểm của từng mùa mà áp dụng các vật liệu khác nhau để lấy lửa. Tết Hàn Thực vào cuối trọng xuân (cuối tháng thứ hai của mùa xuân, hay cuối tháng Hai) là ngày cấm lửa; Tết Thanh Minh vào đầu quý xuân (đầu của tháng cuối xuân, hay đầu tháng Ba) được đốt lửa. Trong “Chu Lễ – Hạ Quan Ti Mã” có ghi: “Quý xuân xuất hỏa” (cuối xuân đốt lửa). Vào đầu tháng cuối xuân dùng cây Du và cây Liễu để lấy lửa, gọi là “Liễu chi hỏa” (lửa cây liễu), mang hàm ý sức sống tràn đầy.
Bốn mùa đổi lửa (thay đổi vật liệu lấy lửa) có tác dụng hàm ý “ngăn bệnh”. Trong “Luận Ngữ Chính Nghĩa” của Lưu Bảo Nam đã trích dẫn “Cải Hoa Giải” của Từ Đĩnh rằng: “Lễ chế đổi lửa, phỏng theo thời thượng cổ, thực hiện theo thời Tam Đại, mãi đến thời Hán…. Vật liệu lấy lửa của bốn mùa, mỗi mùa đều có sự thích nghi riêng, như mùa xuân dùng cây du cây liễu, đến mùa hạ nếu vẫn dùng cây du cây liễu thì có độc, người dễ sinh bệnh, cho nên cần phải đổi lửa để loại bỏ chất độc, tức là để ngăn bệnh vậy.” Chính là nói, bốn mùa đều có loại củi lấy lửa thích hợp cho từng mùa, nếu như mùa khác nhau mà không thay đổi củi lấy lửa, dùng củi không thích hợp thì sẽ có độc, dễ khiến cho con người bị bệnh, cho nên phải đổi củi lấy lửa.
Theo “Liễn Hạ Tuế Thời Ký” cuốn trung của thời Đường có ghi chép, nhà Đường cử hành nghi thức nhóm lửa mới và nghi thức ban lửa rất long trọng vào sáng sớm ngày Thanh Minh, thể hiện ý nghĩa tiến cũ đón mới. Nghi thức ban lửa trong Tết Thanh Minh, trước tiên là tổ chức cuộc thi đánh lửa trước cung điện, do con cháu của các quan Thượng thực nội viên (quan cung cấp thức ăn) trong cung tham gia. Người tạo ra lửa trước có thể nhận được trọng lễ do Hoàng đế ban thưởng gồm ba xếp lụa và một cái chén vàng. Sau đó Hoàng đế ban lửa mới, lấy lửa của cây Du Liễu ban cho các cận thần thân thích. Trong bài thơ “Thanh Minh Nhị Thủ Kỳ Nhất” của Đỗ Phủ có câu “Triêu lai tân hỏa khởi tân yên” (Sáng sớm lửa mới làm khói mới bốc lên), hay là câu “Tam kiến thanh minh cải tân hỏa” trong “Từ Sử Quân Phân Tân Hỏa” của Tô Thức, đều nói đến phong tục đổi lửa mới trong Tết Thanh Minh.
Du xuân Đạp Thanh
Tết Thanh Minh còn được gọi là lễ Đạp Thanh. Trong tết Thanh Minh mọi người thường đi ra bên ngoài để chơi Đạp thanh, phong tục này có nguồn gốc từ lễ “Phất hễ” thời cổ (phép tế trừ cái quái ác ở bến nước). Tập tục ra bờ sông làm lễ “Phất hễ” cho sạch sẽ bản thân này là bắt nguồn từ lễ chế của triều Chu. Vào mùa xuân, các quan Nữ Vu của triều Chu “Chưởng tuế thì phất trừ, hấn dục” (thực hiện lễ Phất trừ, hấn dục hàng năm). Lễ Phất hễ mùa xuân được tiến hành vào ngày Thượng Tỵ tháng Ba (ngày Tỵ đầu tiên của tháng Ba), lúc này Trời Đất trong sáng thanh minh, là thời điểm chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong năm. Lúc này người ta dùng hương thơm thảo dược để tắm rửa sạch sẽ thân thể, như vậy hiệu quả tẩy rửa sạch thân thể càng cao, người thời Chu gọi đó là “Hấn dục”.
Trong ngày Thượng Tỵ, các cặp vợ chồng, công tử Vương tôn đến bờ sông làm lễ Phất hễ, trừ tai cầu cát tường, dần dần hình thành tục lệ, rồi phát triển thành lễ Đạp Thanh. Hoàng đế Tùy Dương Đế có câu thơ ngâm: “Đạp thanh đấu thảo sự thanh xuân” (Đạp thanh, đấu cỏ là chuyện của tuổi trẻ), Mạnh Hạo Nhiên thì có câu “Tuế tuế xuân thảo sinh, đạp thanh nhị tam nguyệt” (Hàng năm cỏ mọc vào xuân, tháng hai tháng ba hội Đạp thanh vui vầy). Thi nhân Lý Gia Hữu thời Đường còn có câu: “Thanh minh tang diệp tiểu, độ vũ hạnh hoa hi… Tương tương đạp thanh khứ, bất giải tích la y” (Thanh Minh lá dâu nhỏ, mưa phất hoa hạnh thưa … Cùng nhau đi Đạp thanh, không biết tiếc áo lụa thưa). Những lời thơ này đều là miêu tả phong tục Đạp thanh vào tiết Thanh Minh.
Chơi đá cầu, đá xúc cúc
Trong “Kinh Sở Tuế Thời Ký” có ghi, thời Nam Bắc triều mọi người đá cầu (một loại bóng làm bằng da, lớp bên ngoài là da bên trong nhét lông hoặc bông) vào ngày lễ Hàn Thực, chính là trò chơi đá “Xúc cúc”, cũng chính là đá cầu. Có thuyết cho rằng xúc cúc là một phương pháp huấn luyện thể lực cho binh sĩ do Hoàng Đế thiết kế ra, cũng có thuyết cho rằng nó được bắt nguồn từ thời kỳ Chiến Quốc. Trong “Liễn Hạ Tuế Thời Ký” ghi chép, thời Đường, các tân Tiến sĩ đã tổ chức yến hội đá cầu tại Nguyệt Đăng Các ở Trường An vào ngày Thanh Minh. Những người thi đỗ Tiến sĩ đều đến đá cầu, tạo ra tinh thần kết hợp văn võ. Tể tướng Trương Duyệt, thi nhân đời Đường có câu thơ “Tòng lai cấm hỏa nhật, hội tiếp thanh minh triêu. Đấu địch kê thù thắng, tranh cầu mã tuyệt điều” (Tạm dịch nghĩa: Từ trước tới nay ngày cấm lửa, kế tiếp sẽ là ngày Thanh Minh. Đấu gà bao thù thắng, tranh cầu ngựa hí vang). Thi nhân Vi Trang cuối thời Đường thì viết: “Vũ ti yên liễu dục thanh minh… Cách nhai văn xúc khí cầu thanh” (Mưa bụi như khói liễu ngóng Thanh Minh…. Cách con đường nghe tiếng đá cầu). Tất cả đều nói lên cảnh tượng đá cầu được lưu hành phổ biến vào lễ Hàn Thực và Tết Thanh Minh của người dân thời đó.
Chơi đu dây
Các thiếu nữ chơi đu dây, là một loại trò chơi vận động thể lực rèn luyện đôi tay khỏe khoắn. Tương truyền rằng trò chơi đu dây có nguồn gốc từ các dân tộc phía Bắc, về sau truyền vào Trung Nguyên, trở thành trò chơi được yêu thích nhất của các thiếu nữ. Từ trong cuốn “Cổ Kim Nghệ Thuật Đồ” thuộc “Nghệ Văn Loại Tụ” tập 6 có thể thấy được một đoạn ghi chép rằng: “Người Sơn Nhung ở phương Bắc, ngày Hàn Thực dùng bàn đu làm trò chơi, dùng để luyện tập cho người nhẹ khỏe. Về sau nữ tử Trung Quốc học trò này.”
Tương truyền chơi đu dây đã truyền nhập vào Trung Quốc vào thời kỳ Xuân Thu, bởi vì dụng cụ rất đơn giản, lại dễ học, cho nên rất được mọi người yêu thích, nhanh chóng truyền rộng ra khắp nơi. Đến thời nhà Hán trở về sau, chơi đu dây dần dần trở thành hoạt động thể dục của dân gian trong các ngày lễ tết như Thanh Minh, Đoan Ngọ, được phổ biến trong giới nữ. Dưới ánh nắng xuân tươi sáng trong lành, các cô gái trẻ mặc trang phục rực rỡ xinh đẹp đứng trên miếng gỗ của bàn đu, đung đưa theo gió, dây thừng của bàn đu và vạt áo bồng bềnh, trở thành quang cảnh tươi đẹp trong ngày xuân. Vương Kiến thời Đường đã miêu tả trong “Thu Thiên Từ”: “Thiếu niên nhi nữ trọng thu thiên, bàn cân kết đái phân lưỡng biên” (Thiếu niên thiếu nữ đẩy bàn đu, khăn bay đai kết phân hai bên). Ngày xuân tươi đẹp, những thiếu nữ ra khỏi khuê phòng chơi đu dây cũng là một cách tìm kiếm cho mình một chàng lang quân hợp ý.
Chơi kéo co
Kéo co là một trò chơi thi đấu so sức lực tập thể, từ thời Chiến Quốc đã xuất hiện, được gọi là “Tha câu” hoặc “Khiên câu”, đến thời nhà Đường thì được gọi là “Bạt hà” (kéo co). Hoàng đế Đường Trung Tông rất thích xem thi đấu kéo co, trong “Đàm Chinh – Sự Bộ – Bạt Hà” có ghi chép: “Tháng Giêng mùa xuân năm Cảnh Long thứ ba, vua Đường Trung Tông tới Nguyên Vũ Môn xem cung nữ chơi kéo co”. Vào ngày Tết Thanh Minh năm sau, ông lại “tới Lê Viên lệnh cho các tùy tùng hầu cận chơi trò kéo co”. Từ đó cũng có thể thấy rằng, vào thời ấy kéo co là trò chơi đấu sức dành cho cả nam và nữ, “dùng dây thừng cây gai, hai đầu buộc hơn mười dây nhỏ, mỗi đầu có mấy người nắm lấy kéo, sức yếu sẽ thua”. Khi đó Tể tướng và Phò mã đều đến tham gia kéo co.
Đá gà và đấu trứng
Đá gà và đấu trứng trong ngày Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trong “Ngọc Chúc Bảo Điển” thời Bắc Triều đến thời Tùy ghi chép rằng, “Vào ngày Tết Hàn Thực này, ở thành thị có rất nhiều trò chơi đá gà và đấu trứng. Thời Xuân Thu, Quý Hậu, đá gà đã lan rộng khắp nước Lỗ”. Chính là nói rằng trò đá gà bắt đầu từ gia tộc Quý thị và Hậu thị ở ở nước Lỗ, sau đó thịnh hành khắp nước Lỗ. Cuốn “Lã Thị Xuân Thu – Sát Vi” cũng ghi: “gia tộc Quý thị và Hậu thị ở nước Lỗ đá gà”.
Ngoài hoạt động đá gà, còn có trò đấu trứng gà, trò này chơi như thế nào? Trong cuốn phong thổ chí “Kinh Sở Tuế Thời Ký” thời Nam Bắc Triều ghi: đá gà, đấu trứng vào ngày Tết Hàn Thực là chỉ cuộc so tài vẽ hoa văn hoặc là điêu khắc lên quả trứng gà, những quả trứng gà được điêu khắc đẹp cũng sẽ dùng để cúng tế hoặc làm quà tặng cho người thân bằng hữu ở xa. Những gia đình giàu có thời xưa, không chỉ tô màu xanh đỏ lên trứng gà, mà còn điêu khắc thành đủ loại hình dáng, như quả cầu hoa nhiều màu v.v… Bạch Cư Dị có câu thơ “Linh lung lũ kê tử, uyển chuyển thải cầu hoa” (lung linh trứng gà điêu khắc, uyển chuyển quả cầu hoa), miêu tả sự tinh tế và tỉ mỉ trong việc điêu khắc quả trứng gà.
Điêu khắc trứng gà có hàm ý đặc biệt gì? Với dụng ý “Phát tích tàng, tán vạn vật”, ngụ ý rằng mùa xuân sẽ khiến vạn vật vốn ẩn tàng trong mùa đông lạnh giá bắt đầu phân tán sinh trưởng, mang ý khuyến khích con người “Kế hoạch một năm bắt đầu từ mùa xuân”, mùa xuân là thời điểm để vạch ra kế hoạch cho một năm. Ngoài quà tặng là trứng điêu khắc, “Tuế Hoa Kỷ Lệ” có ghi chép về phong tục ăn mừng ngày Hàn Thực, còn có việc chạm trổ hoặc vẽ con vịt để tặng lẫn nhau.
Treo cành liễu
Cây liễu có sức sống mạnh mẽ, người xưa cho rằng cành liễu có tác dụng trừ tà, “dùng cành liễu treo ở trên cửa nhà, trăm quỷ không vào nhà” (theo “Tề Dân Yếu Thuật” thời Bắc Ngụy). Treo cành liễu, cắm cành liễu là tập tục của người xưa trong Lễ Hàn Thực và Tết Thanh Minh, có thể ngược dòng thời gian tìm về sự tích Tấn Văn Công tưởng nhớ trung thần Giới Tử Thôi thời Xuân Thu. Trong “Yến Kinh Tuế Thời Ký” có đề cập rằng, thời vua Đường Cao Tông, vào ngày 3 tháng Ba lễ Phất hề ở Vị Dương, ban cho quần thần mỗi người một vòng liễu, tin rằng đeo vòng liễu sẽ tránh được độc của bọ cạp. Thời Tống có câu tục ngữ rằng: “Thanh Minh không đeo liễu, người đẹp thành bà già”, ngụ ý là mang cành liễu sẽ bảo vệ sức khỏe và thanh xuân.
Sửa sang dọn dẹp nhà nuôi tằm
Lễ Thanh Minh là một tín hiệu cho việc bắt đầu thời điểm nuôi tằm trong năm. Thời cổ đại, vào ngày Thanh Minh, Hoàng Hậu và Phi tần sẽ trai giới, tự tay hái lá dâu tằm, nhằm khuyến khích các nông phụ chăm chỉ nuôi tằm. Phụ nữ trong gia đình chăn tằm phải dọn dẹp lại nhà nuôi tằm, bịt kín các lỗ hổng trong nhà nuôi tằm để giữ nhiệt độ ổn định trong phòng, bảo đảm cho việc nuôi tằm trong năm thu hoạch được tốt.
Lời kết:
Đến Tết Thanh Minh, vạn vật đều đạt đến thời điểm “thanh minh”, dương khí thịnh vượng, những tập tục ngày lễ tết trong dân gian thể hiện sức sống mãnh liệt, phát triển thuận theo tự nhiên. Ngày Thanh Minh, Tết Thanh Minh, lưu truyền cho chốn nhân gian tiêu chuẩn Thiên Đạo vô tư, chính trực và vĩnh hằng, truyền từ năm này qua năm khác, dẫu cho đời đời không ngừng đổi thay.
Chú thích:
[1] “Thông Điển – Lễ Thập Nhị – Thượng Lăng”: “Cẩn trọng dựa theo dâng tế lăng sau ba năm, dâng tế phẩm vào mỗi ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, vào các ngày lễ như Đông chí, Hạ chí, Phục, Tịch, Thanh Minh, Xã cũng dâng tế phẩm. Đối với chiêu lăng cũng nên theo lệ của hiến lăng.” Ở trong bài, Đường Cao Tông là tuân theo nội dung này.
[2] Tháng Tư năm Khai Nguyên thứ 20, quy định rằng: “Ngày lễ Hàn Thực thăm viếng mộ, lễ không có văn tự, truyền đến thời cận đại, ngấm dần thành phong tục, người nào dâng tế miếu không phù hợp, thì dựa vào cái gì để thể hiện lòng hiếu? Cần phải tán dương thăm viếng mộ và tảo mộ tế bái. Đặt lễ ngoài của nam mộ, cúng tế xong, khóc cáo biệt. Ở nơi khác ăn đồ tế lễ. Không được vui mừng. Chiếu theo ngũ lễ mà sắp xếp, vĩnh viễn tuân theo.”
[3] Căn cứ vào thời gian của tiết khí, ngày bước vào tiết Thanh Minh cũng có thể là ngày sau Tết Hàn Thực.
Epoch Times Tiếng Việt