Vào thời nhà Thanh, ở vùng Kim Lăng có một vị công tử nhà giàu có tên là Nhiếp Thụy Đồ. Vị công tử này yêu thích đọc sách, thích đàm luận về đạo trị quốc, nhất là về việc thủy lợi. Mặc dù xuất thân phú quý, nhưng anh cũng không phải là một công tử quần là áo lượt vô công rỗi nghề. Mộng tưởng của anh là được chu du khắp thế giới, và dựa vào gia sản hùng hậu, anh đã biến mộng tưởng thành hiện thực.
Một năm nọ, Nhiếp Thụy Đồ mang theo bốn người phiên dịch, bắt đầu hành trình chu du khắp thiên hạ. Khi con tàu đi tới vùng biển Thái Bình Dương, anh bị một trận sóng to gió lớn cuốn đi, đưa tới một thế giới kỳ lạ, đồng thời gặp lại vị mỹ nhân người Tây phương, người đã từng kết bạn khi đang còn ở nhân gian…
Nhiếp Thụy Đồ, tự là Thạc Sĩ, còn có tên khác là Tường Sinh, là tú tài huyện Thượng Nguyên. Nhiếp gia là gia tộc quyền thế ở Kim Lăng, đến thế hệ Nhiếp Quân (Nhiếp Thụy Đồ) thì càng giàu có một phương. Nhưng Nhiếp Quân không am hiểu tính toán buôn bán, hết thảy đều ủy thác cho người đại diện. anh ngoài việc đọc sách viết văn ra, thì rất ít khi quan tâm đến chuyện tài sản trong nhà. Nhiếp Quân có đôi tai rất thính, ngay cả tiếng đánh nhau cách xa mấy chục dặm bên ngoài, anh đều có thể nghe được rõ ràng. Vì thế mọi người đều gọi anh là “Tam nhĩ tú tài” (Tú tài ba lỗ tai).
Bình thường Nhiếp Quân thích đàm luận về kinh bang tế thế, nhất là quan tâm về vấn đề trị thủy, sông ngòi. Phàm là các sách về thủy lợi từ xưa đến nay, anh đều đọc qua cả. Nhiếp Quân tuy sinh ra ở gia đình giàu có, nhưng tâm địa rộng rãi phóng khoáng, luôn mong muốn đi ra ngoài ngao du. Lúc đó quốc gia chú trọng ngoại giao, có sứ thần phụng mệnh đi sứ nước ngoài, Nhiếp Quân liền tự thân đi bái phỏng, muốn được theo sứ thần cùng đi. Mặc dù sứ thần ra mặt tiếp đãi nhưng cuối cùng vẫn khéo léo từ chối, rồi tiễn anh ra về.
Đã không nhờ cậy được sứ thần, Nhiếp Quân dứt khoát tự mình bỏ vốn, lên thuyền vượt biển chu du. anh chuẩn bị đầy đủ vật tư và hành lý, còn mang theo bốn người thông hiểu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Nhật làm phiên dịch, cho nên không bị cản trở về vấn đề ngôn ngữ. Mỗi khi đến một vùng nào đó, mọi người nhìn thấy sự phô trương thanh thế của anh, còn tưởng rằng anh là hậu duệ quý tộc nổi tiếng hoặc quan lớn của triều đình, cho nên tranh nhau nghênh đón tiếp kiến, lễ vật biếu tặng đều là kỳ trân dị bảo.
Nhiếp Quân phong lưu phóng khoáng, dần dần danh tiếng càng lúc càng lớn, mỗi khi đến một nơi, thường có báo chí sẽ đưa tin tức về anh trước một ngày. Vậy nên khi anh vừa đến nơi nào đó, thì người dân trong thành đều ra chào đón xem rất náo nhiệt, thậm chí đứng bên đường ngã nón chào. Cảnh tượng như thế này kéo dài mấy dặm, ngay cả sứ thần triều đình cũng không có được vinh quang như thế.
Nhiếp Quân du lãm mười mấy nước ở Âu Châu, đặc biệt yêu thích phong cảnh sông núi của nước Thụy Điển. Ở trường học của Thụy Điển có một học sinh tên là Lanna, nàng không chỉ thông minh phi thường, mà dung mạo vô cùng xinh đẹp.
Một hôm, Lanna nhìn thấy Nhiếp Quân, nàng ngẩn ngơ cảm thấy Nhiếp Quân như người bạn cũ, giống như đã từng quen biết nhau rất lâu từ trước. Vì vậy nàng mời Nhiếp Quân về nhà chơi. Lanna mặc dù không có tước vị, nhưng nàng lại giàu có hơn những người được Vua ban tước vị, trong nhà có không ít đồ chơi làm bằng lụa là của Trung Quốc. Qua thăm hỏi, Nhiếp Quân mới biết, thì ra đó là nơi cất giấu bảo vật của Hoàng hậu nước Pháp bị phế ngôi. Trước khi Hoàng hậu nước Pháp trốn chạy, đã mang nhiều vật phẩm gửi trong nhà của Lanna.
Lanna chọn vài món trân bảo tặng cho Nhiếp Quân. Những bảo vật trân quý như thế, Nhiếp Quân không dám nhận. Lanna nói: “Xét về duyên phận gặp gỡ, thì chính là bèo nước gặp nhau; xét về tình mà nói, thì chính là kim ngọc một lòng. Chỉ là một ít đồ vật nhỏ bé, sao có thể coi là xấu hổ không dám nhận?” Nói rồi Lanna cầm bảo vật nhét vào trong tay áo của Nhiếp Quân.
Nhiếp Quân dừng lại nơi đó chừng một tuần, sau đó chia tay với Lanna và lên xe rời khỏi nước Thụy Điển. Nhiếp Quân đi tàu thủy từ Luân Đôn đến New York. Khi tàu đi đến vùng Thái Bình Dương, bỗng nhiên nổi lên một trận gió lốc, khi Nhiếp Quân leo lên khoang lái để quan sát, thì bị cơn lốc cuốn vào trong sóng biển.
Nhiếp Quân bỗng cảm thấy choáng váng, chốc lát thì ngất đi. Khi anh tỉnh dậy, thấy bản thân đang ở một thế giới khác, núi xanh nước biếc, hoàn toàn không biết chính mình đang ở trong lòng biển. Anh kinh ngạc không thôi, mới vừa rồi còn đang ở trên tàu biển, chỉ trong chốc lát làm sao lại đến nơi này rồi? Anh cảm thấy rất huyền hoặc. Anh đi về phía trước khoảng 3-4 dặm, chỉ cảm thấy xung quanh chim chóc ca hót hoa thơm khoe sắc, khắp nơi đều là cỏ ngọc hoa lạ. Anh thầm suy đoán, nơi này không phải là chốn nhân gian trong cõi trần thế.
Bởi vì quá đói bụng, anh bèn hái vài ba quả đào để ăn. Vị đào thơm ngọt, thấm vào ruột gan, ngay cả người giàu có như Nhiếp Quân từ trước đến giờ cũng chưa từng nếm qua. Dọc theo đường đi, Nhiếp Quân còn ăn rễ của một loại cây hương thảo, bên trong trắng như tuyết, ăn vào có vị ngọt, trong phút chốc bỗng thấy tinh thần phấn chấn. Nhiếp Quân biết đó không phải là loại cây cỏ bình thường, bèn nhổ hơn mười gốc cây rồi dùng khăn gói lại.
Tiếp tục đi về phía trước, anh nhìn thấy mấy gian nhà cỏ. Sau khi cửa mở ra, có hai nha hoàn tiến đến tiếp đón anh, hai nha hoàn này đều mặc trang phục kiểu Trung Quốc. Nhiếp Quân xin nhờ các nàng chỉ đường đi về nhà. Chỉ chốc lát sau thì có một bà lão đi tới. Nhiếp Quân hỏi bà lão, vốn là dự định đi New York, không hiểu vì sao lại đến nơi này. Bà lão không biết địa danh mà Nhiếp Quân nhắc tới, chỉ nói rằng: “Ở đây vừa có một mỹ nhân Tây phương mới tới, anh có thể đi hỏi cô ấy.”
Nha hoàn dẫn Nhiếp Quân đi tới gian nhà phía tây của hậu đường. Có một mỹ nhân đang đứng trên lầu các của ao sen, một mình đứng dựa vào lan can. Nhiếp Quân đi tới nhìn xem, thì ra là Lanna. Hai người gặp lại nhau đều cảm thấy rất kinh ngạc.
Thì ra khi Lanna đi tới Scotland, đã không cẩn thận trượt chân rơi xuống nước. Chủ nhân ở đây thấy cô tuổi còn trẻ mà đã chết, vì vậy để cho cô tới nơi này hưởng thanh phúc.
Lanna tò mò, anh ta vốn nên ở nhân gian, làm sao cũng đến nơi này rồi. Nhiếp Quân bèn kể lại tai nạn gặp phải trên biển. Nhân duyên gặp gỡ, hai người ở thế gian, lại gặp nhau nơi xa lạ. Đã đến rồi thì nên ở lại. Lanna đề nghị Nhiếp Quân dạy nàng chữ viết của Trung Hoa. Nhiếp Quân nói: “Việc này có khó gì. Chỉ mong được sum họp bên nhau dài lâu, thì chết còn hơn sống.”
Nhiếp Quân sống ở thế giới xa lạ này trong thời gian rất lâu. Một hôm, anh ngẫu nhiên đi tới bên cánh cổng, chợt nghe tiếng sóng biển cuộn trào mãnh liệt, đi ra bên ngoài cổng, nhìn thấy nước biển giống như vách dựng đứng, hoàn toàn không có con đường đi về phía trước. Nhiếp Quân vội vàng đi vào nhà, nói với Lanna rằng: “Nơi đây sắp gặp nạn lớn rồi, sẽ trở thành đại dương mênh mông.”
Lanna cười nói: “Chúc mừng chàng. Từ đây chàng có thể ra khỏi đáy biển, lần nữa trở lại nhân gian. Hai chúng ta sắp phải biệt ly, không thể không bày tiệc tiễn biệt, thể hiện tấm lòng của ta.” Nói xong thì nàng gọi nữ đầu bếp chuẩn bị tiệc rượu.
Trong bữa tiệc, Lanna bưng chén rượu đến trước mặt Nhiếp Quân, nâng chén kính chàng, cảm ơn Nhiếp Quân mấy năm qua đã dạy nàng chữ Trung Hoa. Sắp biệt ly, nàng làm một vài bài thơ để tiễn đưa Nhiếp Quân. Lanna vừa đánh đàn vừa hát rằng:
“Mặt trời mọc đằng đông, mặt trăng sinh đằng tây, xuất hiện ngày đêm mà chẳng gặp gỡ, tình cảm từ xưa đến nay mà cuối cùng chấm dứt. Cảm thán con đường nhân sinh dài rộng, mà buồn cho thọ mệnh chẳng bằng. Nào hy vọng bèo mây chợt gặp, khó được dừng chân nán lại vài năm này. Cứ cảm thấy ly biệt dài mà gặp gỡ ngắn, không ngăn nổi dòng nước mắt lòng đau thương. Biết duyên ly hợp là do số, chớ nhắc lại chuyện cũ việc xưa. Tặng chàng mái chèo chạm khắc, tặng chàng dòng suối cũ, từ nay cách xa vạn lý, chỉ dựa vào một chút tình cảm này.”
Hát xong, nàng khóc nức nở, không thể kìm nén được. Nhiếp Quân an ủi nàng rất nhiều. Lanna sai tỳ nữ khiêng ra một chiếc thuyền nhỏ, đặt ở ngoài cửa, bảo Nhiếp Quân ngồi lên thuyền. Còn đặt bốn, năm cái rương da, bên trong rương đựng rất nhiều kỳ trân dị bảo.
Lanna hỏi Nhiếp Quân, những vật trân bảo đã từng tặng cho anh lúc trước khi còn ở nhân gian có còn không? Nhiếp Quân lấy từ trong tay áo ra những bảo vật đó, Lanna chỉ một hạt châu màu đen trong số đó nói rằng đó là Ích Thủy Châu ở Long Cung, hạt châu màu vàng là Định Phong Châu ở Đâu Suất Cung. Cầm hai hạt châu này đi vào trong biển, có thể giống như đi trên đất bằng. Vừa nói xong, chợt nghe tiếng sóng nổi lên, Lanna nhanh chóng đi vào nhà đóng cửa lại, Nhiếp Quân ngồi trên thuyền nhỏ, không kìm được nước mắt.
Duyên phận tốt đẹp của hai người đã kết thúc bằng sự rời đi của Nhiếp Quân. Nhiếp Quân theo thuyền nhỏ trôi nổi. Lênh đênh ở trên biển, trong lúc vô tình chân anh chạm phải một thứ, cầm lên nhìn thì đó là túi bánh ngọt, anh cảm thán Lanna thật thông minh chu đáo. Cũng nhờ vậy mà Nhiếp Quân không bị đói.
Trải qua ba ngày ba đêm, Nhiếp Quân mới trôi đến vùng Sạ Phố, Chiết Giang, nhìn thấy nhà nhà sáng đèn, vô cùng náo nhiệt. Sau khi lên bờ, anh gọi người đến mang giúp hành lý xuống. Chiếc thuyền nhỏ kia cũng tự động rời đi.
Lúc đó, có một thương nhân người Hồ biết được Nhiếp Quân mang vật báu trở về, vì vậy ông đến gõ cửa xin được gặp. Nhiếp Quân lấy ra một viên kim cương cho ông xem, viên kim cương to như long nhãn, sáng lấp lánh. Thương nhân người Hồ hỏi thăm, biết được viên kim cương có giá 40 vạn lượng vàng, bèn nói rằng: “Bàn về giá cả thì cũng không quá đắt, nhưng loại kim cương này chỉ có ở nước Pháp mà thôi, ngài làm sao mà có được?” Nhiếp Quân nói: “Báu vật của Trung Hoa lưu truyền ra nước ngoài, chẳng lẽ trân bảo cung đình vương thất nước Pháp lại không thể nằm trong tay của tôi sao?”
Nhiếp Quân nói: “Hiện nay vùng Sơn Đông đang cần được cứu trợ thiên tai, nếu ông dùng 30 vạn tiền cứu giúp người dân gặp nạn ở vùng đó, thì tôi sẽ tặng viên kim cương này cho ông.” Thương nhân người Hồ vui vẻ đồng ý. Người đương thời đều nói nghĩa cử cao cả của Nhiếp Quân thật là hiếm có ở thế gian.
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt