Thursday, March 28, 2024

Động lực thời hiện đại và niềm hy vọng thời cổ xưa (Phần 1)

Liên Quan

Giữa động lực và hy vọng có mối liên hệ nào hay không? Liệu chúng ta có cần tìm hiểu về điều này?

Hãy tạm thời bỏ qua những ý tưởng như trong câu ngạn ngữ của nước Nga: “Không có mùa đông trong vương quốc của hy vọng.” Chúng ta không cần nói về hy vọng như thể đó chỉ là suy nghĩ viển vông. Chúng ta hãy nói về một điều gì đó sâu sắc và quan trọng hơn nhiều. Câu chuyện thần thoại Hy Lạp về nàng Pandora là một ví dụ chính xác trong trường hợp này. Chuyện kể rằng, khi nàng Pandora không làm theo lời dặn dò và mở nắp chiếc hộp (hay chiếc lọ) phóng thích toàn bộ yêu ma ra thế gian, sau khi nàng đóng chiếc hộp thì chỉ còn sót lại elpis [elpis là nữ thần hy vọng trong thần thoại Hy Lạp].

Thi sĩ Hesiod của Hy Lạp cổ đại đã sử dụng từ “elpis” để nói về “hy vọng,” từ này có nghĩa là “hy vọng” nhưng người ta cũng thường dịch là “mong đợi.” Chúng ta sẽ thảo luận về điểm này sau.

Động lực thời hiện đại và niềm hy vọng thời cổ xưa (Phần 1)
Tác phẩm “Pandora,” của do họa sĩ Alexandre Cabanel, năm 1873. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Walters, thành phố Baltimore. (Ảnh: Tài sản công)

Hy vọng

Theo câu chuyện thần thoại này, hy vọng là điều gì đó chính yếu trong đời người, bởi vì nếu không có hy vọng, chúng ta sẽ lạc lối trong tuyệt vọng và chán nản; chúng ta sẽ từ bỏ cuộc sống này. Tình huống này không phải là không có thật. Một chuyên gia nổi tiếng thế giới nghiên cứu về sự lạc quan, nhà tâm lý học người Mỹ Martin Seligman, cũng là Giáo sư Tâm lý học của Quỹ Zellerbach Family tại trường Đại học Pennsylvania, đã viết trong quyển sách “Authentic Happiness” (Hạnh Phúc Đích Thực) như sau: “Lạc quan và hy vọng giúp chúng ta đương đầu tốt hơn với sự chán nản khi gặp phải những chuyện tồi tệ, giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn, đặc biệt là trong những công việc mang tính thử thách, và giúp chúng ta có sức khỏe thể chất tốt hơn.”

Ông Vaclav Havel, cựu tổng thống của nước Cộng hòa Czech đã đưa ra nhận xét rằng “hy vọng không phải là tin chắc rằng một điều gì đó sẽ diễn ra suôn sẻ, mà hy vọng là sự chắc chắn về một điều gì đó có ý nghĩa, bất kể điều đó diễn ra như thế nào.” Nói cách khác, ý nghĩa mới là điều cốt lõi của hy vọng, bởi vì nếu không có ý nghĩa, thì chúng ta hy vọng để làm gì?

Bên cạnh đó, hy vọng là tích cực, ngay cả nhà triết học chính trị thiên tả Ernst Bloch cũng từng viết trong quyển sách “The Principle of Hope” (Nguyên Tắc của Hy Vọng) (năm 1959, 1986): “Hy vọng yêu mến thành công hơn thất bại.”

Và nếu như chúng ta suy xét đến những câu chuyện hư cấu (hãy ghi nhớ lời nhận xét sâu sắc của giáo sư Charles Singleton, một chuyên gia nghiên cứu các tác phẩm của nhà thơ Dante, nói rằng tác phẩm vĩ đại nhất của Dante “Thần Khúc” không phải là chuyện hư cấu), hãy nhớ lại rằng phía trên cánh cổng dẫn vào địa ngục có một tấm bảng ghi dòng chữ: “Tất cả những ai đi vào nơi này, hãy từ bỏ hy vọng.” Địa ngục chính là nơi không có hy vọng.

Nếu như chúng ta đã đọc hết phần “Inferno” (Địa ngục) và gặp gỡ tất cả các nhân vật mà Dante đã chứng kiến ở nơi đó, chúng ta sẽ thấy rằng những kẻ bị đày đọa ở nơi đó đều có cuộc đời vô nghĩa và cũng không có động lực. Thay vào đó, mỗi người đều bị giam hãm vào trong những hành vi tự hủy hoại bản thân lặp đi lặp lại. Những hành vi này phản ánh họ đã từng sống như thế nào, chỉ là hiện nay không còn cơ hội để thay đổi được nữa. Sự tồn tại của họ đã đến mức giống như một cỗ máy: Tất cả những niềm vui thế nhân hoàn toàn biến mất nơi họ.

Thánh Paul miêu tả về ba đức hạnh tốt đẹp nhất, đó là đức tin, hy vọng, và tình yêu thương. Trong ba mỹ đức này, tình yêu thương là điều quan trọng nhất, nhưng chúng ta hãy chú ý đến lời mô tả về các phẩm chất của tình yêu thương, ông nói rằng tình yêu thương “bao dung mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, gánh chịu mọi sự” (1 Corinthian 13.7). Nói cách khác, niềm hy vọng cũng là một phần hay một phương diện của tình yêu thương.

Mặc dù Thánh Paul không đề cập đến động lực, và từ này cũng không được đùng ở bất cứ chỗ nào trong Kinh Thánh, nhưng tôi nghĩ khá rõ rằng nếu có hy vọng, thì cũng sẽ có động lực.

“Ẩn dụ về Đức tin, Hy vọng, và Lòng bác ái,” do họa sĩ Heinrich Maria von Hess thực hiện, năm 1819. Tranh vẽ bằng than chì, bút vẽ và mực nâu, cọ vẽ và lớp phủ màu nâu cùng những điểm nhấn màu trắng (một phần của bức tranh đã bị oxy hóa), bên trong một vòm cung được khắc trên giấy kraft màu nâu. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, thành phố New York. (Ảnh: Tài sản công)
“Ẩn dụ về Đức tin, Hy vọng, và Lòng bác ái,” do họa sĩ Heinrich Maria von Hess thực hiện, năm 1819. Tranh vẽ bằng than chì, bút vẽ và mực nâu, cọ vẽ và lớp phủ màu nâu cùng những điểm nhấn màu trắng (một phần của bức tranh đã bị oxy hóa), bên trong một vòm cung được khắc trên giấy kraft màu nâu. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, thành phố New York. (Ảnh: Tài sản công)

Động lực

Vì sao từ “động lực” không được sử dụng trong Kinh Thánh? “Hy vọng” là từ của tộc người Anglo-Saxon cổ đại (Tiếng Anh cổ: “hopian” hàm ý căn bản là “một bước nhảy vọt, hoặc nhảy vọt, cùng với sự mong đợi”). Về mặt quan điểm, từ này có nguồn gốc xa xưa hơn ngôn ngữ Hy Lạp và Kinh Thánh.

“Động lực” là từ tương đối phổ biến trong thời gian gần đây, từ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1904 của thế kỷ 20. Quả là đáng kinh ngạc khi xét đến mức độ phổ biến hiện nay của từ này. Google đưa ra khoảng 1,380,000,000 kết quả liên quan đến từ này trong một lần tìm kiếm — tức là hơn một tỷ kết quả! Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta cho rằng từ khóa “hy vọng” đã bị thay thế, bởi vì công cụ tìm kiếm Google đưa ra hơn 2 tỷ kết quả cho từ khóa “hy vọng”. Cả hai cụm từ “động lực” và “hy vọng” đều phổ biến trong ngôn ngữ của chúng ta. Việc sáng tạo ra từ “động lực” gần đây cũng gợi lên một số ý nghĩa trọng tâm mới mà từ “hy vọng” không bao hàm.

Những hàm nghĩa đó có thể được chỉ rõ thông qua khung thời gian mà từ này xuất hiện. Sự kiện quan trọng nào đã phát sinh vào khoảng năm 1904 làm thay đổi suy nghĩ của nhân loại vĩnh viễn?

Có lẽ, sự kiện hiển nhiên nhất là nhà phân tâm học Sigmund Freud bắt đầu xuất bản những tác phẩm 13 năm về trước của ông, và cuốn “The Interpretation of Dreams” (Giải Mã Những Giấc Mơ) đã ra mắt độc giả vào năm 1899. Điều thú vị là, các nhà giáo dục hiện nay phát hiện rằng giữa những giấc mơ và hy vọng có mối liên hệ mật thiết. Trong một bài báo nghiên cứu có nhan đề “Hope as a Factor in Teachers’ Thinking and Classroom Practice” (Nhân Tố Hy Vọng Trong Suy Nghĩ Và Giảng Dạy Của Giáo Viên), các tác giả Collinson, Killeavy, và Stephenson đã tuyên bố rằng: “Hy vọng không chỉ khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, mà hy vọng còn cho phép chúng ta có những giấc mơ.”

Mặc dù những tác giả này sử dụng từ “giấc mơ” theo ý nghĩa thông thường của nó (trái ngược với nghĩa chuyên môn như của ông Freud), nhưng chúng ta có thể kết luận rằng cả hai ý nghĩa này đều có liên quan đến nhau. Chúng ta hãy xem xét quan điểm của ông Freud trong cuốn “Giải Mã Những Giấc Mơ”: “Giấc mơ là sự giải thoát tinh thần ra khỏi áp lực của tự nhiên bên ngoài, là sự phóng thích linh hồn khỏi sự giam hãm của chính nó.” Giấc mơ, ngay cả là mơ mộng giữa ban ngày, thực sự là: sự giải thoát khỏi áp lực từ thế giới bên ngoài, và đó cũng là lý do vì sao chúng ta thích chìm đắm trong những giấc mơ.

“Giấc mơ của nàng Mercy,” do họa sĩ Daniel Huntington thực hiện, năm 1858. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, thành phố New York. (Ảnh: Tài sản công)
“Giấc mơ của nàng Mercy,” do họa sĩ Daniel Huntington thực hiện, năm 1858. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, thành phố New York. (Ảnh: Tài sản công)

Nhưng các giả khác đã quan sát và như chuyên gia sư phạm Freema Elbaz (1992) đã chỉ ra: Hy vọng “dường như là một khuynh hướng hành động nằm ngoài lý tính kỹ thuật của nền văn hóa hiện đại.” Và họ còn thêm vào rằng: “Hy vọng dường như nằm ngoài sự vỡ mộng của kỷ nguyên hậu hiện đại.”

Nói một cách ngắn gọn, vào thế kỷ 20, chúng ta có một tình huống mà người ta tránh nhắc đến từ “hy vọng” như một chủ đề nghiêm túc: Từ ngữ này chẳng mấy tích cực, chứa đựng quá nhiều hàm ý về thần học, vì vậy từ ngữ này không có — hay chính xác hơn, có lẽ là nó không thể có tính khoa học. Tuy nhiên, từ “động lực” có thể thoải mái lấp vào chỗ trống, bởi vì từ này không bao hàm tất cả những hàm nghĩa lịch sử của từ “hy vọng.”

Mặc dù bản thân từ “động lực” là tích cực, nhưng động lực cũng có thể biểu lộ sự tiêu cực, chẳng hạn như trong từ “mất động lực” [demotivation] Chúng ta không có từ ngữ kiểu như “mất hy vọng” [de-hope] mà chỉ có từ “vô vọng” [hopelessness] ngụ ý rằng không có sự hiện diện của hy vọng; chúng ta không có hy vọng. Chúng ta gán giá trị bằng không cho hy vọng, chứ không phải là một giá trị âm (hay ngược lại là “dương”) như trong từ “mất động lực.”

Tất nhiên, điểm mấu chốt của chỗ này là, bởi vì “hy vọng” không có giá trị âm, cho nên tất cả chúng ta rõ ràng nên có hy vọng; hy vọng có một “giá trị” và do đó không có hy vọng đồng nghĩa với sự thiếu hụt trong bản thân chúng ta. Tuy nhiên, theo lối tư duy hiện đại, sự thiếu hụt của bản thân chúng ta sẽ là một điều đáng chê trách, và chúng ta không thể bị như vậy.

Nếu như chúng ta gán một giá trị âm cho từ “động lực,” thì trạng thái “mất động lực” về mọi thứ, mọi chủ đề, hay mọi giá trị cũng chỉ là như cách mọi thứ diễn ra. Như vậy sẽ không có sự phán xét nào cả (mặc dù chúng ta đều hiểu rằng có động lực nói chung vẫn tốt hơn là không có).

Từ những suy nghĩ ban đầu này, liệu rằng, động lực và hy vọng còn có điểm khác biệt và mối liên hệ nào nữa không? Chúng ta sẽ tìm hiểu ý tưởng này trong Phần 2 của loạt bài này.


James Sale

BTV Epoch Times Tiếng Anh

James Sale là một doanh nhân người Anh sở hữu công ty Motivational Maps Ltd., hoạt động tại 14 quốc gia. Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách về quản lý và giáo dục từ các nhà xuất bản quốc tế lớn như Macmillan, Pearson và Routledge. Với tư cách là một nhà thơ, ông đạt giải nhất trong cuộc thi The Society of Classical Poets’ 2017 (Hiệp Hội Các Nhà Thơ Cổ Điển Năm 2017) và đã phát biểu tại hội nghị chuyên đề đầu tiên của nhóm được tổ chức vào tháng 06/2019 tại Câu lạc bộ Princeton ở New York.


Giai Kỳ biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x