Vào cuối thời nhà Nguyên đầu nhà Minh, có một nữ nhi con gia đình quan lại tên là Liễu Thị, sinh ra đã có tài năng phi thường, công phu như nữ hiệp. Trong trận công phạt Ma Dương vào đầu thời nhà Minh, nàng đã trợ giúp Đại tướng quân Đặng Dũ bằng “công phu” đặc biệt kỳ lạ của mình, lập công cho nhà Minh. Người đời sau gọi nàng là Liễu phu nhân.
Liễu phu nhân họ Liễu, tổ tiên là người đất Thục. Ông nội và phụ thân đều làm quan cho nhà Nguyên. Phu nhân sinh ra đã không giống người bình thường. Khi còn nhỏ, nàng từng bị đạo tặc bắt cóc khỏi nhà, nhưng nàng tuyệt không hề sợ hãi, không thuận theo sự đe dọa của đạo tặc. Đạo tặc nhìn thấy một đứa trẻ như vậy, gặp người lớn vẫn trấn tĩnh, đối mặt với uy hiếp đe dọa vẫn không hề sợ hãi, liền vung đao dọa chém. Kết quả là khi thanh đao xẹt qua, cơ thể của nàng không hề chảy máu, thậm chí ngay cả một vết thương cũng không có. Nhóm đạo tặc kia vô cùng kinh hãi, bèn dùng kiệu khiêng nàng trở về.
Khi lớn hơn một chút, Liễu phu nhân đã bộc lộ tâm cầu Đạo và rất thích thuật sấm vĩ. Thế đạo khi đó đang có nhiều mối loạn, người nhà không muốn nàng rời nhà cầu Đạo, vì vậy liền tìm nhà gả chồng cho nàng, đối tượng tên là Long Tu Thăng. Nàng được gả vào nhà họ Long, sinh được năm người con.
Xu thế thay triều đổi đại đã mang đến những thay đổi lớn cho hai gia tộc cũng như cuộc sống của nàng. Ông nội của nàng lập kế hoạch xuất binh chống lại quân Minh. Nàng nói với ông nội rằng thay triều đổi đại là thiên mệnh an bài, không phải là điều mà sức người có thể xoay chuyển được. Tuy nhiên, ông nội không nghe, vẫn kiên quyết cùng cháu rể Long Tu Thăng xuất chiến. Kết quả cả hai đều bại trận, thân vong nơi chiến trường. Liễu phu nhân mất chồng, bản thân cũng trở thành tù binh, đến năm Hồng Vũ thứ nhất thời Minh Thái Tổ thì nàng mới được thả.
Năm đó, Liễu phu nhân mang theo con nhỏ từ huyện Nga Mi, Tứ Xuyên tới huyện Thái Hòa, Cát An, Giang Tây để sinh sống. Đến tháng Tám năm Hồng Vũ thứ nhất, nàng lại tiếp tục chuyển đi.
Nàng thuận theo dòng Trường Giang mà đi ngược lên, không quản ngày đêm, chỉ nhìn thấy bóng ảnh sóng nước trong vắt. Nàng theo thuyền đến Hổ Đầu Ky ở Dương La thì xuống thuyền và không đi tiếp nữa. Nàng thích sông núi ở đó, rừng rậm núi non ven sông nối liền với bãi cát và hồ nước nhỏ gần bờ, núi sông thật tú lệ. Nàng đã thỉnh cầu quan phủ cấp cho đất đai để trồng trọt và dệt vải. Sau khi được quan phủ đồng ý, nàng đã sống ở đó bằng nghề kéo sợi (con trai thứ ba và nàng sống cùng nhau ở vùng Dương La hẻo lánh).
Đúng bảy ngày sau, có một ông lão đến tìm nàng. Ông lão lấy từ trong tay áo ra một quyển “Phù lục” đưa cho nàng và nói: “Nếu học thấu quyển phù lục này, liền có thể sai khiến quỷ thần, triệu mời sáu vị Đinh Thần (Âm Thần Đinh Mão, Đinh Tỵ, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi, Đinh Sửu) để xua tai đuổi quỷ.”
Vào đêm hôm ấy, cuồng phong nổi lên, sấm sét ầm ầm, gió giật làm bật gốc cây cối, chim thú đua nhau ẩn nấp. Danh tiếng của Liễu phu nhân cũng truyền rộng ra bên ngoài.
Khi đó Đặng Dũ (1337~1378), Đại tướng có công khai quốc của nhà Minh đang tiến hành thảo phạt Ma Dương (nay thuộc Hoài Hóa, Hồ Nam). Khi đi ngang qua Dương La, ông dẫn một nhóm tướng sĩ mặc thường phục đến thăm nơi ở của Liễu phu nhân. Đặng Dũ lệnh cho vài tướng sĩ lực lưỡng cố gắng so tài với Liễu phu nhân, nhưng những tướng sĩ đó đều không thể phát huy được sức mạnh của họ.
Liễu phu nhân biết Đặng Dũ khinh địch, không xem trọng Ma Dương, bèn nói: “Tướng quân chớ khinh địch, nếu như chuyến này gặp nạn không thoát thân, tôi sẽ giúp ngài một tay.”
Đặng Dũ hỏi Liễu phu nhân rằng khi nàng đến thì có dấu hiệu gì. Liễu phu nhân đáp: “Nhìn thấy quạ xông vào trận thì chính là tôi đã đến!”.
Đặng Dũ đem quân thảo phạt Ma Dương, quả nhiên như phu nhân nói, không những thất bại mà còn rơi vào vòng vây của địch. Ngay khi ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thoát thân, bầu trời đột nhiên tối sầm lại bởi một đàn quạ lớn bay lượn giữa thiên không.
Trong đám quạ, Đặng Dũ nhìn thấy Liễu phu nhân mặc trang phục đỏ sẫm đang cưỡi ngựa trên không. Tiếng sấm sét rung chuyển núi non, bầu trời đầy đá và cát, lao như tên bắn. Đặng Dũ thừa cơ tấn công quân địch, cuối cùng thắng trận Ma Dương. Tướng quân Đặng Dũ trở lại triều đình, đem việc Liễu phu nhân trợ giúp tấn công Ma Dương tấu lên Minh Thái Tổ. Minh Thái Tổ hạ chiếu phong Liễu phu nhân làm “Vũ Ky Sơn Sinh Chân Đắc Đạo Diệu Chân phu nhân.”
Sau này, Liễu phu nhân muốn xây miếu Thái Nhạc, nhưng vì không đủ gỗ nên việc xây dựng chẳng thành. Vào thời điểm đó, trên sông Trường Giang đoạn Dương La đột nhiên xuất hiện một lượng lớn bè gỗ thuận theo dòng chảy mà trôi xuống, chen chúc chật kín che cả mặt sông. Liễu phu nhân dùng một sợi chỉ buộc chặt dụng cụ kéo sợi lại rồi thả xuống sông, những chiếc bè gỗ kia liền không di chuyển nữa. Nhờ vậy, những người thợ đã tận dụng cơ hội để vận chuyển gỗ vào bờ. Việc xây dựng ngôi miếu cuối cùng cũng hoàn thành thuận lợi.
Con trai cả của Liễu phu nhân làm quan cho triều Minh ở Đắc Ấm. Con trai thứ hai và thứ ba đều là tiến sĩ của nhà Nguyên, người con trai thứ tư thì tuẫn nạn. Liễu phu nhân qua đời ở tuổi 90 và được an táng tại phía Tây núi Vũ Ky, Dương La (nay là rìa sông Trường Giang thuộc Vũ Hán). “Thần dị điển ‧ Thần tiên bộ liệt truyện” nói rằng bà đã thăng thiên bằng thuật “thi giải” (thuật giải thoát khỏi nhục thể của Đạo gia).
Ở núi Vũ Ky có đền Liễu Mẫu Nương Nương để tưởng nhớ bà. Thi nhân Trần Đại Chương triều Thanh đã viết thơ rằng:
“Lâm lang hư tưởng thất tinh văn,
Lục phát thùy thùy vị hóa vân.
Thượng hữu ô nha lai hạ thực,
Mỗi tòng quy bốc nghiệm linh phân.
Nhân gian cân quắc dư khí sanh,
Vật ngoại Thần Tiên kiến cổ phần.
Nhất trản tiêu tương thiên bạch chỉ,
Tuế thì nhi nữ thuyết phân vân.”
Tạm dịch:
Tiếng ngọc những tưởng thất tinh văn,
Xanh tươi rủ xuống đâu mây hóa.
May nhờ quạ lượn trợ giúp phần,
Từng việc linh nghiệm như lời sấm.
Nữ hùng nhân gian dư khí sanh,
Vật ngoài Thần Tiên thấy mộ cổ.
Một chén tiêu tương ngàn giấy lụa,
Nhi nữ muôn đời truyền sử xanh.
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Lý Mai biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt