Nguyễn Chương, tự Tập Chi, đỗ tiến sĩ năm Hoằng Trị thứ 12 (năm 1499, năm Kỷ Mùi), được triều đình phong chức “Hành Nhân”, cũng chính là chức quan quản lý các công việc ngoại giao.
Nguyễn Chương có một người con trai tên là Triều Dương, tư chất thông minh, văn hay tài giỏi. Khi Triều Dương mới 16 tuổi đã được châu huyện tiến cử, trở thành thí sinh dự thi tiến sĩ. Từ đó, Triều Dương càng thêm chăm chỉ đọc sách, lại bởi vì học hành quá sức mà thành bệnh, năm 25 tuổi thì mất ở kinh thành.
Nguyễn Chương trước đây đã bị mù mắt phải, khi biết tin con trai yêu quý của mình qua đời thì khóc lóc đau đớn không thôi, khiến cho mắt trái cũng bị mù. Sau đó ông không còn tư tưởng gì với con đường làm quan nữa, bèn từ quan về nhà. Sau khi về đến nhà, ông cho người thiếp của Triều Dương là Lưu Thị tái giá với một thương nhân ở kinh thành tên là Vương Chính. Thế nhưng, lúc đó Lưu thị đã mang thai được năm tháng mà Nguyễn Chương không hề hay biết.
Nguyễn Chương lại lo lắng dòng dõi bị tuyệt hậu, bèn hướng lên Trời cầu khẩn, đồng thời trai giới trong ba năm, thường ngày tụng niệm kinh của Đạo gia.
Đến mùa xuân năm Chính Đức thứ 8 (năm 1513, năm Quý Dậu), một người cháu của Nguyễn Chương là Triều Đông nằm mộng thấy Triều Dương. Trong mộng, Triều Dương nói rằng: “Năm nay ngươi trúng cử lên phía Bắc, đưa con trai của ta và Lưu thị trở về nhận tổ quy tông.” Mùa thu năm đó, Triều Đông quả nhiên trúng cử, thế là đến kinh thành tìm kiếm con trai của Triều Dương, nhưng không thể tìm ra tung tích.
Tết Nguyên Tiêu năm Chính Đức thứ 13 (năm 1518, năm Mậu Dần), Nguyễn Chương nằm mộng thấy có ba vị quan ngồi ở đại sảnh, gọi tên họ của ông rồi nói: “Thời vận của ngươi sắp sửa chuyển biến tốt, không bao lâu nữa sẽ lại nhìn thấy ánh mặt trời.” Nói xong, họ dẫn Nguyễn Chương tiến vào trong sảnh, đi vào một căn phòng phía Đông, lấy nước thuốc từ trong ống tre chấm vào mắt của Nguyễn Chương, rồi bảo ông nháy mắt mấy cái. Chỉ chốc lát sau, hai con mắt bị mù của Nguyễn Chương đã có thể nhìn thấy ánh sáng. Sau khi tỉnh lại từ trong mộng, Nguyễn Chương phát hiện mắt của ông vẫn tối tăm như cũ, bởi vậy cho rằng bản thân mình mơ ước vẩn vơ mà sinh mộng.
Mấy ngày sau, khi con gái nhỏ của ông đang vui cười trêu đùa, đã vô ý đánh lên mắt của ông, khiến cho tròng mắt sưng tấy. Buồn phiền hết bảy ngày trời, sau đó đột nhiên hai mắt của ông đã sáng trở lại, có thể nhìn thấy ánh sáng.
Ngay trong đêm hôm đó, ông lại nằm mộng thấy có mấy người phụ nữ dắt theo một bé trai đến, nói rằng: “Về sau, con cháu thờ cúng của Nguyễn gia chính là thằng bé này, ông còn lo lắng điều gì nữa?”
Qua hơn một năm sau, năm Chính Đức thứ 14 (năm 1519, năm Kỷ Mão), nhờ người hàng xóm tên là Trương Bách từ kinh thành trở về đưa tin, Nguyễn Chương mới biết rằng, thì ra Lưu thị đã hạ sinh một đứa trẻ mồ côi cha, chính là con trai của Triều Dương. Thế là ông sai tuỳ tùng đi cùng với Trương Bách đến kinh thành. Vợ chồng Lưu thị cho biết, đứa bé này là Lưu thị sinh ra sau khi tái giá được bốn tháng. Khi đứa bé được hai tuổi, do sữa mẹ ít, nên được giao cho vợ của Vương Phú nuôi nấng.
Nguyễn Chương bèn lấy lượng lớn tài sản đem tặng cho họ, rồi nhận đứa bé về nhà. Đứa bé đã 12 tuổi, tướng mạo rất giống với Triều Dương. Lại nhìn tướng mạo của cậu bé, Nguyễn Chương giật mình bởi vì nó rất giống với đứa bé ở trong mộng kia.
Nguyễn Chương vui mừng vô cùng, ông cầu nguyện nhiều năm như vậy, cuối cùng đã được Thượng Thiên hồi ứng. Không chỉ có hai mắt sáng trở lại, mà Nguyễn gia cũng có người nối dõi. Nhờ tín kính Thần linh mà cuối cùng đã được linh ứng, thế nên ông đã đổi tên cho cháu trai là Ứng Kỳ.
Câu chuyện này được một người tên là Tư Bình viết lại trong cuốn “Thuyết Thính”, Tư Bình là cậu của Vương Vũ Thanh, một quan chức triều Minh. Theo “Thuyết Thính” ghi chép, thì bác trai của Tư Bình cùng tuổi với Nguyễn Chương, vì thế biết câu chuyện này từ đầu đến cuối rất rõ ràng.
Epoch Times Tiếng Việt