Có câu, Gia Cát Lượng chết, ngoài Khương Duy, nhà Thục không có tướng tài. Kỳ thực, nhà Thục có một dũng tướng, nếu trưởng thành ông có thể địch lại hai Đặng Ngải. Tuy nhiên, ông tuổi còn nhỏ, tài năng chưa chín muồi, không gặp thời vận nên đành nhìn nhà Thục diệt vong.
Lưu Bị khai quốc Thục Hán
Vào cuối thời Đông Hán, tại Hán địa, cuộc đấu tranh giữa các thân thích ngoại tộc (họ hàng bên ngoại hoàng hậu, hoàng thái hậu) và hoạn quan vẫn tiếp diễn, khiến chính quyền ngày càng thối nát, và cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng đã nổ ra.
Hoàng thân Lưu Bị sau khi giành nhiều chiến thắng trong các cuộc đàn áp khởi nghĩa nông dân, được ra làm quan. Không lâu sau đó, quân Đổng Trác lần lượt bị đánh bại, nhưng cục diện dần trở thành một cuộc hỗn chiến tranh ngôi báu giữa các hoàng thân quốc thích.
Sau trận Xích Bích lịch sử, Lưu Bị đã thu phục được toàn bộ Kinh Châu. Ông thừa thế hung hăng tấn công Tây Xuyên, chiếm Hán Trung và cuối cùng xưng đế, thành lập nhà Thục Hán. Nhưng các cuộc chiến bất tuân phục vẫn không ngừng nổ ra.
Vào năm 223 sau Công nguyên, Lưu Bị cho gọi gấp thừa tướng Gia Cát Lượng đến cung Vĩnh An để trăn trối, gửi gắm giang sơn và ấu đế. Đến tháng 6 năm đó, Lưu Bị chết. Đến năm 234 sau Công nguyên, Gia Cát Khổng Minh thực hiện chiến dịch Bắc phạt. Nhưng ông cũng mất vì bệnh nặng trong thời gian đó.
“Nhà Thục không tướng, Liêu Hoá tiên phong?”
Có thể nói khi Gia Cát Lượng qua đời, nhà Thục Hán hoàn toàn mất đi hy vọng phục quốc. Lúc bấy giờ, ngoại trừ tướng Khương Duy, nhà Thục Hán dường như không còn tướng lĩnh nào đắc lực. Nên có câu nói: “nhà Thục không tướng, Liêu Hoá tiên phong”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đã đánh giá thấp nhà Thục Hán. Ngoài Khương Duy, nhà Thục còn có một vị tướng trẻ, rất có sức chiến đấu. Người ta cho rằng, nếu người này trưởng thành, ngay cả hai tướng Đặng Ngải cũng không sánh kịp. Người này là cháu trai của Gia Cát Lượng tên là Gia Cát Thượng.
Các danh tướng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đều rất coi trọng binh lực cá nhân. Triệu Vân dũng mãnh một mình có thể lấy đầu muôn vạn quân ở Trường Bản để cứu gia quyến Lưu Bị, sức mạnh của ông khiến quân Tào kinh khiếp. Một vị tướng dũng mãnh luôn có tác dụng cổ vũ chí khí, nâng cao sức mạnh chiến đấu của toàn quân đội.
Vào đêm trước sự sụp đổ của nhà Thục Hán, một vị tướng ngang ngửa sức mạnh với Triệu Vân đã xuất hiện trong quân Thục, ông gần như đã lật ngược tình thế của trận chiến.
Khi đó tướng quân Đặng Ngải nhà Tào Ngụy tiến vào đất Thục, Lưu Hiển vội sai Gia Cát Chiêm (con trai Gia Cát Lượng) dẫn quân chống cự. Đang lúc nguy cấp, cháu nội của Gia Cát Lượng là Gia Cát Thượng xuất quân, cản phá thành công quân Tào Ngụy.
Trong trận chiến này, cả hai dũng tướng Đặng Trung và Tư Mã Sư Toản đều không dám sơ suất. Nhưng đối mặt với Gia Cát Thượng vẫn không địch nổi, cuối cùng đại bại trở về.
Không nên đánh giá thấp sức mạnh của Đặng Trung và Tư Mã Sư Toản. Đặng Trung có thể một mình chiến đấu với Khương Duy, và Tư Mã Sư Toản đã tác chiến với Đặng Trung trong một thời gian dài.
Cả Đặng Trung và Tư Mã Sư Toản có sức chiến đấu tương đương với Khương Duy, mà sức chiến đấu của Khương Duy tương đương với Đặng Ngải. Điều này cho thấy Gia Cát Thượng tại thời điểm đó đã có thể một lúc đánh bại hai Đặng Ngải.
Khi đó, Gia Cát Thượng mới có 19 tuổi. Thể lực và khả năng quân sự của ông còn chưa đạt đến đỉnh cao; như vậy tương lai của Gia Cát Thượng là vô cùng khó lường.
Gia Cát Thượng là cháu nội của Gia Cát Lượng, quan lại tướng lĩnh nhà Thục Hán đại đa số đều ủng hộ ông, Lưu Thiện lại càng sủng ái; nếu để Gia Cát Thượng cầm quân, sức mạnh của quân Thục hẳn sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nếu Gia Cát Thượng trưởng thành thêm vài năm nữa, cùng Khương Duy dẫn quân Bắc phạt, liệu nhà Nguỵ, ai có thể ngăn cản? Thật không may, vào mùa đông năm 263 sau Công nguyên, Gia Cát Chiêm đã nhanh chóng khởi chiến với Đặng Ngải ở Miên Trúc và đại bại.
Gia Cát Thượng thở dài nói: “Cha con ta được quốc gia đại sủng ái, không thể sớm giết gian thần Hoàng Hạo, để nước chịu nhục, dẫn đến ngày nay thảm bại!”. Nói xong, ông phi ngựa xông thẳng vào quân Ngụy chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Nhà Thục Hán bị diệt vong thảm khốc, Lưu Thiện vô mưu và chết trong tay kẻ tiểu nhân. Đôi khi, lịch sử thật bất lực. Bởi vậy, người xưa có câu: “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”; nếu thiếu một trong ba điều kiện thì anh hùng cũng không thể thành đại nghiệp.
Minh Nguyệt biên dịch
Nguồn: Soundofhope. (Lý Tĩnh Nhu)
Xem thêm
Vạn Điều Hay