Ngày nay có ít người nghe nói về Chiến Tranh Vua Philip. Mặc dù chỉ là một sự kiện quy mô nhỏ theo tiêu chuẩn thời nay, nhưng cuộc chiến này đã tàn phá nước Mỹ thuộc địa. Nhiều năm sau khi tàu Mayflower cập cảng, thuộc địa Plymouth được mở rộng. Lúc này, mối giao hảo tốt đẹp nổi tiếng giữa những Người hành hương và Người bản địa Wampanoag bắt đầu rạn nứt. Các nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai của thuộc địa Plymouth bắt đầu phá vỡ các hiệp ước mà cha ông họ đã đàm phán và lấn chiếm lãnh thổ của các bộ lạc.
Thủ lĩnh của người Wampanoag là Metacom — con trai của ông Massasoit, người đã giúp duy trì sự tồn tại của thuộc địa này trong năm đầu tiên đầy khó khăn — bắt đầu tổ chức một số cuộc họp hội đồng với những người dân thuộc địa để bày tỏ sự bất bình của những người bản địa. Họ tôn vinh ông Metacom và đặt cho ông cái tên “Vua Philip” như một danh hiệu cao quý. Ông bày tỏ mong muốn tiếp tục tình bằng hữu giữa những người dân của họ, điều mà cha ông và các vị thống đốc Plymouth tiền nhiệm William Bradford đã gìn giữ, và ông đã đàm phán một thỏa thuận rằng ông sẽ không bán thêm đất cho những người định cư trong thời hạn bảy năm. Tuy nhiên, việc bán đất vẫn tiếp diễn. Năm 1671, nửa thế kỷ sau Lễ Tạ Ơn đầu tiên, ông Metacom đã thực hiện một loạt nhượng bộ và đồng ý tuân theo luật pháp Anh quốc. Trong bốn năm tiếp theo, mối bang giao này tiếp tục xấu đi cho đến khi chiến tranh nổ ra.
Thử thách đức tin của bà Mary Rowlandson
Bản ghi chép nổi tiếng nhất về cuộc chiến này không phải là một tư liệu lịch sử của chính những sự kiện đó, mà là một cuốn hồi ký cá nhân do một người phụ nữ đích thân trải qua những năm tháng đó ghi chép lại: “Quyền Tối Thượng và Lòng Nhân Từ của Thượng Đế: Tường Thuật về Sự Giam Cầm và Phục Hồi của bà Mary Rowlandson.” Vào ngày 10/02/1676, một liên minh các bộ lạc bản địa đổ bộ lên thành phố Lancaster, Massachusetts. Thị trấn đã bị phá hủy và những người dân thuộc địa sống tại đó bị sát hại hoặc bị bắt làm tù binh. Trong nhóm bị bắt có bà Rowlandson, vợ của một mục sư. Bà mô tả lại cảnh tàn sát khi chứng kiến những người hàng xóm và các thành viên trong gia đình bị sát hại, gọi đó là “ngày buồn thảm nhất mà tôi từng tận mắt từng chứng kiến.” Một viên đạn đã bắn thiệt mạng đứa trẻ trên tay bà và làm bà bị thương bên sườn. Bà Mary bị bắt cùng với ba con nhỏ vẫn còn sống, hai trong số các con đã bị tách khỏi bà. Con gái 6 tuổi Sarah của bà đã bị thương, cô bé qua đời trong vòng một tuần trên chặng hành trình mà họ bị buộc phải di chuyển quãng đường dài đến một loạt các khu trại của người bản địa.
Đức tin của bà Rowlandson là chìa khóa giúp bà sống sót. Bà đã ngộ ra được trải nghiệm khổ nạn của mình bằng cách xem đó như một thử thách đến từ Thượng Đế. Bà tự trách mình về nỗi bất hạnh này, ghi nhận “sự vô tâm” của mình trong việc “tôi đã để lỡ và bỏ phí bao nhiêu ngày Sabbath,” và nhận xét rằng “thật công bình biết bao” nếu Thượng Đế “cắt đứt sợi dây kết nối của tôi, và đuổi tôi ra khỏi sự hiện diện của Ngài mãi mãi.” Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục nuôi hy vọng khi nói rằng “Thượng Đế vẫn tỏ lòng thương xót, và nâng đỡ tôi; và trong khi tay này Ngài làm tôi bị thương; thì tay kia Ngài chữa lành cho tôi.” Bà Rowlandson đã tìm thấy niềm an ủi và sự kiên cường trong một cuốn Kinh Thánh mà một chiến binh bản địa cướp được sau một cuộc đột kích và trao cho bà.
Bà duy trì cuộc sống bằng việc đan quần áo cho những kẻ bắt giữ mình để đổi lấy tiền và thức ăn. Trong suốt thời gian này, bà đã được đoàn tụ với con trai và con gái lớn của mình. Bà Mary cũng đã gặp nhiều lần thủ lĩnh của người Wampanoag, ông Metacom (người mà bà gọi bằng danh hiệu tiếng Anh của ông). Trong lần đầu gặp mặt, ông ấy đã thân mật mời bà dùng thuốc lá theo nghi lễ, nhưng bà đã từ chối, xem đó là một thói xấu.
Bà nói tiếp: “Trong quãng thời gian tôi sống ở nơi này, ông Philip đã nói với tôi hãy may một chiếc áo sơ mi cho con trai của ông ấy, tôi đã làm như vậy và ông ấy đã cho tôi một đồng shilling: Tôi đã đưa đồng tiền cho chủ của mình, nhưng ông bảo tôi hãy giữ nó: và với đồng tiền đó tôi đã mua một miếng thịt Ngựa.”
Câu chuyện của bà Rowlandson là minh chứng cho phẩm chất cao cả của ông Metacom. Sau khi bà đan thêm nhiều vật dụng cá nhân cho những người thân, ông Metacom đã mời bà ăn tối, và đến lượt bà tổ chức một bữa tối cho ông. Một ngày nọ, khi bà Mary kiệt sức đang lội qua một đầm lầy và bị “mất tinh thần,” ông Metacom đã nắm lấy tay bà và nói với bà trong hai tuần nữa, ông sẽ để người Anh chuộc lại bà. Khi đến một ngôi làng của Người bản địa, ông đã cho bà nước để tắm và ăn một bữa ăn nhiều “đậu và thịt, và một ít bánh lạc.” Trong sự nhẹ nhõm, bà Mary trích dẫn dòng Kinh Thi-thiên 106:46: “Ngài cũng làm cho họ được ơn, bên những kẻ bắt họ làm phu tù.”
Bà Rowlandson đã viết rằng 20 bảng Anh là “giá tiền để chuộc lại tôi.” Cuộc hành trình dài hơn 150 dặm mà bà xem như một cuộc hành hương tôn giáo này, đã kéo dài trong 11 tuần 5 ngày.
Hậu Chiến
Bà Mary Rowlandson đã sống phần lớn những ngày cuối đời ở tiểu bang Boston. Sau khi được trả tự do sáu năm, bà đã xuất bản câu chuyện về thử thách cam go của mình. Đó là một cuốn sách bán chạy nhất thời bấy giờ. Bà đã tái hôn sau khi người chồng đầu tiên qua đời và sống cho đến năm 1711.
Bản thân ông Metacom đã bị sát hại vài tháng sau khi nhận tiền chuộc bà Rowlandson. Con số thương vong trong Chiến tranh Vua Philip rất cao: Người ta ước tính rằng Thuộc địa Plymouth đã mất gần 10% số nam giới trưởng thành. Liên minh quân sự của thuộc địa Plymouth với thuộc địa Vịnh Massachusetts và Rhode Island đã mở đầu cho việc hình thành một bản sắc dân tộc tách biệt với người Anh, đạt đến đỉnh điểm trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ diễn ra vào một trăm năm sau đó. Bộ lạc thổ dân Wampanoag đã chịu tổn thất nặng nề hơn nhiều, nhưng họ vẫn sống sót qua cuộc chiến và cuối cùng đã khôi phục được vị thế của mình. Ngày nay, họ tiếp tục sống với tư cách là các nhóm chủng tộc được liên bang công nhận như bộ lạc Mashpee Wampanoag ở Cape Cod và Bộ lạc Wampanoag ở vùng Aquinnah trên hòn đảo Martha’s Vineyard.
Epoch Times Tiếng Việt