Giữa nhịp sống xã hội ngày nay, ai cũng mong mỏi sớm thành công, giàu có chỉ trong một sớm, một chiều, từ đó dễ nảy sinh sự nóng vội, bốc đồng. Nhưng, định luật 2:8 nói với chúng ta rằng, thành công chỉ là thiểu số, muốn trở thành một thành viên trong đó, bạn nhất định phải đổ ra mồ hôi công sức gấp ngàn lần người khác, bởi “trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Đời người chính là một môi trường tôi luyện bản thân, chỉ khi trải qua thất bại và khó khăn, bạn mới trưởng thành hơn, rồi cuối cùng tạo ra những thành tựu khiến người khác phải ngước nhìn.
Tự cổ chí kim, những người thành công ở độ tuổi trẻ tất nhiên sẽ khiến người khác ngưỡng mộ, chẳng ai không muốn thành công sớm, không hơn bạn hơn bè thì ít nhất cũng phải bằng bạn bằng bè. Nhưng ngưỡng mộ cũng chỉ là ngưỡng mộ, bạn cần phải ý thức thật rõ ràng một điều rằng, thành danh khi còn rất trẻ chưa chắc đã là chuyện hoàn toàn tốt.
So với thành danh khi còn trẻ, “đại khí vãn thành”, ý chỉ những người thành công muộn ngược lại cũng rất đáng để bội phục, ở họ, nhất định có những yếu tố ưu tú, chứ không phải chỉ dựa vào vận may để bước lên đỉnh kim tự tháp. Không thiếu những nhân vật thành công ngay cả khi đã ở độ tuổi trung niên, độ tuổi mà nhiều người nghĩ “mình sẽ chẳng kịp làm gì nữa”.
Stan Lee, ông cho ra đời cuốn truyện tranh đình đám đầu tiên “The Fantastic Four” ngay trước sinh nhật lần thứ 39 vào năm 1961. Trong vài năm tiếp theo, ông tiếp tục tạo ra Marvel Universe, một vũ trụ huyền thoại với các nhân vật như Spider-Man và X-Men, Iron Man, the Hulk, vốn đã trở thành biểu tượng văn hóa của Mỹ.
Henry Ford 45 tuổi khi tạo ra chiếc xe Model T mang tính cách mạng vào năm 1908.
Harland Sanders, đã 62 tuổi khi lần đầu tiên bán nhượng quyền nhà hàng Kentucky Fried Chicken (KFC) vào năm 1952. Khi nhà hàng ban đầu của ông đóng cửa, ông dành toàn bộ thời gian để mở rộng công ty nhượng quyền của ông. Cuối cùng, ở tuổi 73, ông bán lại công ty này với giá 2 triệu USD.
Anna Mary Robertson Moses, được biết đến nhiều hơn với tên Grandma Moses, bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh ở tuổi 78. Năm 2006, một trong những bức tranh của bà được bán với giá 1.2 triệu USD.
Có câu “Hà Nội không vội được đâu”, người xưa cũng bảo, tâm vội ăn không nổi miếng đậu phụ nóng, dục tốc thì bất đạt… Bất kể có làm gì, cũng đừng vội vàng, nếu không “nhất sự” cũng khó thành, làm người cũng vậy.
Các cụ nói người thành danh muộn đều có cho mình 3 đặc điểm sau, có một cái thôi cũng chúc mừng bạn:
Chí hướng cao xa
Thất bại không đáng sợ, đáng sợ là thất bại rồi cứ đắm mình trong thất bại ấy, nghèo không đáng sợ, đáng sợ là nghèo mà vô chí, tự phủ định mình, từ bỏ những mục tiêu và chí hướng mà mình theo đuổi suốt bao nhiêu năm. Có những người rõ ràng rất tài năng, rất có bản sự, nhưng vì đủ mọi nguyên nhân, đủ mọi khó khăn vất vả mà sự nghiệp không có khởi sắc, cuộc sống cũng biến thành một mớ hỗn độn, rơi vào hoang mang, hoài nghi cuộc đời, không tìm được phương hướng chính xác.
Cổ nhân nói, chỉ cần có chí hướng, tuổi tác không phải vấn đề, những người không có chí hướng, dù có sống tới trăm tuổi cũng là sống vô ích.
Sự buông thả, thiếu ý chí là điều không được phép, muốn tới được bến bờ thành công, tuổi tác không phải trở ngại lớn nhất, không có chí hướng mới là điều đáng sợ nhất.
Không bao giờ từ bỏ
Trên con đường dẫn tới thành công, kiên trì là yếu tốt quan trọng nhất, lập ra mục tiêu của cuộc đời mình, thiết lập chí hướng trong tim, rồi sau đó nỗ lực phấn đấu, không dễ dàng từ bỏ… Trên con đường thành công, chúng ta phải trải qua vô cùng nhiều chông gai, trong một lớp tầm cỡ như nhau, vì sao có người thực hiện được ước mơ, có người lại đứt gánh giữa đường? Đừng bao giờ đổ hết lỗi lầm cho số phận, cho vận may, hay là không có quan hệ, không có nguồn lực, tâm lý oán than, bởi, phàn nàn chỉ có hại không có lợi.
Suy cho cùng là hơn thua nhau ở sự kiên trì. Một triết học gia từng nói, có thể đánh bại bạn, không phải là người khác mà là chính bạn, người thực sự mạnh mẽ, trước giờ luôn tìm nguyên nhân từ chính mình, rồi sửa đổi những điểm còn khiếm khuyết của mình, biến mình trở nên ưu tú hơn.
Hãy nhớ: Trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng.
Không ngừng học hỏi
Có câu “Sống tới già, học tới già”, người khép mình trong một góc nhà, sớm muộn cũng bị thời đại đào thải, chỉ có những người không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực và kĩ năng, đem những kiến thức học được áp dụng vào trong cuộc sống và công việc mới kéo gần được khoảng cách đến với thành công.
Cần cù bù thông minh, đạo lý này có lẽ mọi người đều biết, dù IQ của bạn không bằng người ta, nhưng chỉ cần bạn nỗ lực hơn, mỗi ngày tiến bộ một chút, lâu dần, nhất định bạn sẽ khiến người khác phải “mắt chữ o mồm chữ a” về mình.
Trên con đường học tập, đừng kiêu ngạo tự mãn, hãy duy trì cho mình thái độ khiêm tốn, đến cả Khổng Tử còn nói “Trong 3 người, ắt có một người là thầy của ta”, là một người bình thường, bạn có tư cách gì để vênh mặt kiêu ngạo, tỏ ra hơn người?
Đừng vội vã muốn có được thành công trong nháy mắt, ghi nhớ đạo lý “không đi từng bước, khó nên được vạn dặm, không tích tiểu lưu, khó thành được biển lớn” vào sâu trong tim, tin vào sức mạnh của sự tích lũy và kiên trì nỗ lực.
Nếu bạn đang trong tình trạng rất mơ hồ, đồng thời rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thay vì lo lắng muốn nhanh chóng lật ngược thế cờ, chi bằng tĩnh lại, trầm lại một khoảng thời gian, thiết lập lại mục tiêu và phương hướng cuộc đời, rồi sau đó kiên trì nỗ lực, thông qua nỗ lực không ngừng nghỉ, tích đức hành thiện, không chừng, thành công sẽ cách bạn không còn quá xa.
Lan Hòa biên tập
Xem thêm
Vạn Điều Hay