Wednesday, October 9, 2024

Nữ thủ lĩnh cả đời không ham vương vị, sống gần trăm năm qua ba triều đại

Liên Quan

Cả đời trải qua ba triều đại, gia tộc của bà trị vì hơn một thế kỷ, nhưng bà vẫn một lòng trung trinh với Hán triều, chỉ xưng thần không xưng vương.

Học Nho từ nhỏ, trượng phu là quan viên nhà Hán

Vào thời Nam triều, ở khu vực Cao Lương của Lĩnh Nam, Quảng Đông có hơn mười vạn hộ gia đình người tộc Lý Nam Việt.

Vào năm Thiên Giám thứ 11 (năm 512) dưới thời Lương Vũ Đế, Tiển gia, gia tộc đứng đầu Nam Việt, sinh hạ được một bé gái, đặt tên là A Anh. A Anh từ nhỏ đã dũng cảm và thông minh. Cô bé thích văn hóa Nho gia, tính cách tín nghĩa phóng khoáng, tâm địa thiện lương. Khi bước sang tuổi đậu khấu (13~14 tuổi) thì tiếng tăm của cô bé đã truyền khắp tứ phương.

Anh trai của A Anh tên là Tiển Đĩnh, khi đó là Thứ sử châu Nam Lương, là một người có thói chuyên quyền khinh người. A Anh thường khuyên anh trai phải tu dưỡng bản thân, lấy đức phục nhân thì mới có thể xứng với vị trí đứng đầu gia tộc. Tiển Đĩnh khâm phục sự gan dạ sáng suốt và trí tuệ của em gái, dần dần bỏ được tính khí độc đoán của mình. Đức hạnh của hai anh em họ khiến ngày càng có nhiều người quy phục Tiển gia.

Tiển A Anh mặc dù tuổi còn nhỏ, không chỉ thông hiểu Nho học, mà còn giỏi cầm quân đánh trận. Đến tuổi kết hôn, nàng hy vọng tìm được một vị hôn phu có xuất thân Hán tộc. Phùng Dung, Thứ sử La Châu của nhà Lương, nghe nói nữ nhi Tiển gia văn võ song toàn, liền đem rất nhiều lễ vật đến để cầu hôn cho nhi tử Phùng Bảo đang giữ chức Thái thú Cao Lương.

Tiển gia ngưỡng mộ truyền thống của Phùng gia và tinh thần của dân tộc Hán, vì vậy đã đồng ý hôn sự. Vào năm đầu niên hiệu Đại Đồng triều Lương (tức năm 535), hai nhà Tiển – Phùng đã kết thông gia, dung hợp hai tộc Hán – Lý. Sau khi kết hôn, Tiển phu nhân lấy đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của Nho gia làm nguyên tắc sống, tự thân làm gương trong gia tộc, thúc đẩy thực hành lễ giáo Nho gia.

Tiển phu nhân đã giáo hóa các thủ lĩnh của Lý tộc, khuyên họ không nên làm phiền người Hán. Kết quả là biên giới an định, hai tộc Hán – Việt ở địa khu Cao Lương chung sống với nhau vô cùng hòa thuận.

Bình định nội loạn, lúc hòa bình quy phục nhà Trần

Vào năm cuối thời Lương Vũ Đế (năm 548), Hải Nam Vương Hầu Cảnh khởi binh nổi loạn, chiếm được đô thành Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô). Lương Vũ Đế bị vây hãm ở Đài Thành. Qua năm sau, Lương Vũ Đế băng hà, triều đình lâm vào cảnh nguy khốn. Thứ sử Cao Châu (nay là Dương Giang Tây, Quảng Đông) Lý Thiên Sĩ mưu toan lôi kéo Phùng Bảo nổi dậy xưng hùng.

Năm 550, Lý Thiên Sĩ phái người đến Cao Lương, mời Phùng Bảo đến thảo luận về đại sự. Tiển phu nhân thông minh cơ trí nói với Phùng Bảo rằng: “Chuyến đi này của chàng e là Hồng Môn Yến, có đi mà không có về.” Phùng Bảo vô cùng ngạc nhiên, hỏi rõ nguyên do. Tiển phu nhân đáp: “Thứ sử phụng lệnh cứu viện Đài Thành, nhưng trì hoãn không xuất binh, hơn nữa vội vàng chiêu binh. Khi đánh đến Cát An, Giang Tây, thì nói rằng mắc bệnh, không tiến lên nữa. Đây là dấu hiệu mưu phản. Mời chàng đi, là muốn giữ chàng làm con tin, ép thiếp dẫn quân cùng hắn mưu phản.” Phùng Bảo đột nhiên hiểu ra, lập tức hủy bỏ cuộc gặp mặt này.

Không lâu sau, quả nhiên Lý Thiên Sĩ công khai mưu phản. Chủ soái dưới trướng của ông ta là Đỗ Bình Lỗ dẫn quân tiến vào Cống Thạch (nay là huyện Vạn An, tỉnh Giang Tây) để chặn quân cứu viện của Trần Bá Tiên, Thái thú Thủy Hưng triều Lương (nay là phía đông của Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông). Tiển phu nhân phán đoán tình hình, thấy Lý Thiên Sĩ một mình đóng quân ở Cao Châu, thân cô thế cô, chính là thời cơ để quét sạch quân phản loạn.

Tiển phu nhân dẫn hàng ngàn quân, mang theo vô số lễ vật chạy đến Cao Châu. Lý Thiên Sĩ nghe nói Phùng Bảo phái sứ giả quy phục, lại nhìn xuống thành thấy có một nữ tử mang lễ vật xếp hàng cung kính chờ bên ngoài cổng thành, liền lệnh cho lính canh mở cổng.

Sau khi dẫn quân vào thành, Tiển phu nhân bất ngờ rút vũ khí đã cất giấu trước đó ra và nhanh chóng chiếm thành trì. Do không chuẩn bị trước, Lý Thiên Sĩ sợ hãi bỏ chạy, rút về Ninh Đô (nay là huyện Ninh Đô, tỉnh Giang Tây) để ẩn náu.

Chân dung của Tiển phu nhân, trích từ bản khắc “Nam Lăng Vô Song Phổ” thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)
Chân dung của Tiển phu nhân, trích từ bản khắc “Nam Lăng Vô Song Phổ” thời nhà Thanh. (Ảnh: Tài sản công)

Sau khi Trần Bá Tiên đánh bại Đỗ Bình Lỗ, liên tiếp bình định nội loạn, thành lập triều đại nhà Trần. Vào năm Vĩnh Định thứ hai triều Trần (năm 558), Phùng Bảo bị bệnh qua đời, Lĩnh Nam rơi vào hỗn loạn. Các thủ lĩnh bộ tộc Nam Việt nhân cơ hội này tách ra chiếm đóng một phương. Vào những năm đầu nhà Trần, chính sự chưa ổn định, không thể lo liệu việc ở Lĩnh Nam.

Lúc đó, Tiển phu nhân được rất nhiều người ủng hộ, nhưng thay vì dấy binh, nàng bôn ba giữa thủ lĩnh các châu của Lý tộc để trấn an khuyên nhủ, chấm dứt loạn lạc. Các thủ lĩnh đều bị đại nghĩa và uy nghiêm của nàng cảm hóa, rất nhanh đã dừng việc xưng hùng một phương.

Tiếp đó, Tiển phu nhân phái con trai chín tuổi Phùng Phó cùng các thủ lĩnh khác đến kinh thành yết kiến Trần Vũ Đế, để thể hiện sự quy phục của Lĩnh Nam đối với nhà Trần. Trần Vũ Đế phong Phùng Phó làm Thái thú Dương Xuân (nay là phía tây bắc Dương Giang, tỉnh Quảng Đông) để bày tỏ sự kính trọng và tán thưởng đối với Tiển phu nhân.

Chân dung của Trần Vũ Đế Trần Bá Tiên, người thời Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
Chân dung của Trần Vũ Đế Trần Bá Tiên, người thời Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Nhất mực trung nghĩa, trải qua ba triều đại vẫn một tấm lòng son

Vào năm 569, Thứ sử Quảng Châu Âu Dương Hột nổi dậy chống lại nhà Trần. Năm 570, Âu Dương Hột bắt giữ Phùng Phó, ép Tiển phu nhân theo nghịch quân mưu phản.

Con trai bị phản quân khống chế, tính mạng trong thời khắc đều gặp nguy hiểm, nhưng Tiển phu nhân sau một lúc suy nghĩ, đã nhanh chóng dùng đại nghĩa để chiến thắng tư tình.

Nàng phái người gửi thư cho con trai Phùng Phó rằng: Phùng – Tiển hai nhà nhiều đời trung trinh, không thể vì thương con mà cô phụ quốc gia. Sau đó nàng tập hợp binh mã, kiên quyết thảo phạt Âu Dương Hột.

Vào thời điểm đó, Trần Tuyên Đế đã phái Chương Chiêu Đạt dẫn quân đến trấn áp Âu Dương Hột. Dưới sự giúp đỡ của Tiển phu nhân và quân binh Lý tộc, Chương Chiêu Đạt đã bắt sống Âu Dương Hột, nhanh chóng bình định quân nổi loạn, Phùng Phó được cứu.

Chân dung Trần Tuyên Đế Trần Húc, trích từ “Lịch Đại Đế Vương Đồ” của Diêm Lập Bản thời Đường. (Ảnh: Tài sản công)
Chân dung Trần Tuyên Đế Trần Húc, trích từ “Lịch Đại Đế Vương Đồ” của Diêm Lập Bản thời Đường. (Ảnh: Tài sản công)

Nhà Trần ban thưởng, phong cho Tiển phu nhân làm Trung lang tướng, Thạch Long Thái phu nhân. Nghi thức và lễ tiết đãi ngộ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của quan Thứ sử. Phùng Phó được thăng làm Tín Đô hầu, làm quan đến Trung lang tướng, chuyển đến nhậm chức Thái thú Thạch Long.

Vào năm 581, Dương Kiên diệt nhà Trần, lập nên nhà Tùy. Đến năm 583, Phùng Phó bị bệnh qua đời. Các quận đều tiến cử Tiển phu nhân làm người đứng đầu Lĩnh Nam, lấy hiệu là “Thánh mẫu.” Tấn Vương Dương Quảng đã đem tín vật “phù nam tê trượng” do Tiển phu nhân tặng cho Trần Hậu Chủ và bức thư của Trần Hậu Chủ khuyên Tiển phu nhân quy thuận, đưa đến trước mặt Tiển phu nhân.

Sau khi xác thực rằng nhà Trần đã diệt vong, Tiển phu nhân đã triệu tập một cuộc họp gồm hàng nghìn thủ lĩnh của Lý tộc ở Lĩnh Nam. Sau khi đau đớn cân nhắc, bà quyết định quy phục nhà Tùy. Về sau, Tiển phu nhân đã trợ giúp Vi Quang được nhà Tùy phái đến để thu phục Lĩnh Nam.

Tùy Văn Đế đã phong Tiển phu nhân làm Tống Khang quận Phu nhân (nay là Giang Tây, Quảng Đông). Mỗi khi triều đình có lễ vật, Tiển phu nhân đều đem bày ra sân, dạy con cháu rằng: “Ta một lòng phụng sự tam triều. Những lễ vật do triều đình ban tặng này là ban thưởng cho lòng trung hiếu của chúng ta. Các ngươi nhất định phải hết lòng trung thành với Thiên tử!”

Chân dung Tùy Văn Đế Dương Kiên, trích từ “Lịch Đại Đế Vương Đồ” của Diêm Lập Bản thời Đường. (Ảnh: Tài sản công)
Chân dung Tùy Văn Đế Dương Kiên, trích từ “Lịch Đại Đế Vương Đồ” của Diêm Lập Bản thời Đường. (Ảnh: Tài sản công)

Vì đại nghĩa diệt thân, thuận thiên an dân

Vào năm Khai Hoàng thứ mười (năm 590), thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở phía nam Quảng Châu là Vương Trọng Tuyên nổi dậy chống lại nhà Tùy, bao vây thành Quảng Châu. Ở Lĩnh Nam, hơn một nửa thủ lĩnh các dân tộc tập hợp binh mã hưởng ứng. Vi Quang trúng tên tử trận, Bùi Cử phụng mệnh xuống phía nam.

Để phá vòng vây Quảng Châu, Tiển phu nhân lệnh cho cháu trai Phùng Huyên dẫn quân đến cứu viện. Phùng Huyên và Trần Phật Trí dưới trướng của Vương Trọng Tuyên là chỗ quen biết, vậy nên giải cứu một cách tiêu cực, làm bại lộ quân cơ.

Sau khi biết tin, Tiển phu nhân lập tức ra lệnh bắt giam Phùng Huyên, lại phái cháu trai Phùng Áng đến ứng cứu. Phùng Áng dũng cảm thiện chiến, trảm được Trần Phật Trí, cùng quân Tùy hợp sức đánh bại Vương Trọng Tuyên.

Vì để tiến một bước trấn an người dân, Tiển phu nhân ở tuổi 70 cưỡi ngựa mặc giáp, cầm ô gấm dẫn kỵ binh đi cùng Bùi Cử tuần tra khắp các vùng Lĩnh Nam. Bùi Cử đi đến đâu cũng tuân theo mệnh lệnh của triều đình nhà Tùy, bổ nhiệm thủ lĩnh của các dân tộc khác nhau làm trưởng quan hành chính huyện châu. Sau đó, hai gia tộc Hán – Lý ở Lĩnh Nam lại có thể an cư lạc nghiệp.

Vào năm 601, tổng quản Phiên Châu (Quảng Châu) Triệu Nột tham ô bạo ngược, bóc lột bách tính, khiến lòng người phẫn nộ. Tiển phu nhân phái thuộc quan Trương Dung về kinh tố cáo Triệu Nột. Sau khi điều tra, Tùy Văn Đế hạ lệnh xử tử tham quan, đồng thời hạ chiếu cho Tiển phu nhân úy lạo người dân Lĩnh Nam.

Tiển phu nhân lúc đó đã 90 tuổi, đích thân tuần tra khắp các vùng Lĩnh Nam, không ngại vất vả. Bất cứ nơi nào bà đến, mọi người đều lũ lượt biểu thị chấp nhận sự cai trị của nhà Tùy.

Tiển phu nhân vì đại nghĩa diệt thân, lòng trung sáng rõ. Tùy Văn Đế đặc biệt truy phong cho phu quân đã khuất của bà, Phùng Bảo, làm Tổng quản Quảng Châu, Tiếu quốc công, sắc phong Tiển phu nhân làm “Tiếu quốc phu nhân,” đặc biệt trao cho Tiển phu nhân quân quyền trong khu vực mà bà quản lý, thống lĩnh quân chính địa phương. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể tiền trảm hậu tấu. Tùy Văn Đế còn bổ nhiệm Phùng Áng làm Thứ sử Cao Châu, đồng thời ân xá cho Phùng Huyên.

Vào khoảng năm 604, Tiển phu nhân qua đời, thọ gần một trăm tuổi. Triều đình nhà Tùy dùng lễ trọng để hậu táng bà.

Tiển phu nhân hết lòng vì Hán triều, một lòng thành tâm báo quốc, tiếng thơm vang danh nghìn thu khắp các cõi. Khi Tô Đông Pha đi ngang qua Cao Châu từng làm thơ ca ngợi Tiển phu nhân:

“Phùng Tiển cổ liệt phụ, ông ảo quốc vu tư.
Sách huân lương vũ hậu, khai phủ Tùy Văn thời.
Tam thế canh hiểm dịch, nhất tâm vô lân truy.”

Tạm dịch:

Phùng Tiễn xưa trung liệt, lòng báo quốc nay còn.
Huân công thời Lương Vũ, Tùy Văn nối tiếp son.
Ba đời lòng chẳng đổi, tấm trung trinh đâu mòn.

Tài liệu tham khảo:

Ngụy Trưng: “Tùy thư”, quyển 80, “Tiếu quốc phu nhân truyện”
Lý Diên Thọ: “Bắc sử” quyển 91 “Tiếu quốc phu nhân truyện”
Ti Mã Quang: “Tư trị thông giám”
Phạm Đoan Ngang: “Việt trung kiến văn”
Khuất Đại Quân: “Quảng Đông tân ngữ”
Đàm Ứng Tường: “Tiển phu nhân niên phổ”


Tông Gia Tú thực hiện
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img