Ngoại trừ một số sử gia nghệ thuật chuyên môn, ông Simone Peterzano thường chỉ được biết đến như là thầy giáo của Caravaggio: một bậc thầy nổi tiếng, vĩ đại của hội họa thời kỳ Baroque. Ngoài đó ra, ông có xu hướng bị lãng quên như một nghệ sĩ tài năng nhưng không mấy nổi bật. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, ông trở thành một ví dụ thú vị về cách mà những người nghệ sĩ này có thể đặt nền móng cho các bậc thầy vĩ đại xây dựng trên đó — một người đã thực hiện một số bước đầu tiên hướng đến phong cách nghệ thuật mà danh họa Caravaggio sẽ hoàn thiện vào một ngày nào đó.
Sinh vào khoảng năm 1535, ông Peterzano bắt đầu được đào tạo như một họa sĩ ở Venice khi thành phố này trở thành trung tâm đời sống nghệ thuật lớn nhất châu Châu. Họa sĩ Titian và Tintoretto đã ở trên đỉnh cao sự nghiệp của mình và họa sĩ Veronese cũng sớm gia nhập [cùng họ]. Thành phố Florence, từ lâu là kinh đô của nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, đã rơi xuống vị thế khiêm tốn hơn cùng sự qua đời của tất cả các họa sĩ, trừ một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thành phố này: danh họa Michelangelo (1475–1564). Thành Rome cũng vậy, nơi mà các nghệ sĩ của thành phố Florence đã di cư đến từ vài thập niên trước.
Trong suốt cuộc đời mình, ông Peterzano [luôn] xem trọng sự kết nối của ông với những người con của thành phố Venice, ông thường miêu tả bản thân là một học trò của danh họa Titian. Trong nhiều thập niên, tính minh bạch của mánh khóe quảng cáo đó đã khiến nhiều người đặt nghi vấn về mức độ chân thật trong mối quan hệ của hai nghệ sĩ này.
Bằng chứng phát hiện mới đây từ buổi triển lãm “Titian and Caravaggio in Peterzano” (Titian và Caravaggio trong Peterzano) vào năm 2020 tại Accademia Carrara ở thành phố Bergamo, nước Ý, cho thấy trên thực tế ông Peterzano đã theo họa sĩ Titian học việc. Cũng có thể việc thỉnh thoảng làm một phụ tá tại xưởng vẽ của họa sĩ Titian hoặc một mối quan hệ không chính thức nào đó đã khiến ông Peterzano xem họa sĩ Titian là người thầy thực sự của mình.
Bằng chứng khác từ buổi triển lãm nói trên cho thấy ông Peterzano đã sống ở thành phố Venice trong một thời gian trước kỳ học việc của ông. Thậm chí nơi này có khả năng là quê hương của ông hơn là thành phố Bergamo, như xưa nay người ta vẫn tin tưởng. Mặc dù vẫn còn thiếu những thông tin chi tiết đầy đủ, nhưng bức tranh chung đã đủ rõ ràng: Peterzano chính xác như những gì mà ông đã tuyên bố — một họa sĩ nhỏ đã học nghề từ các bậc thầy vĩ đại của thành phố Venice.
Những câu chuyện kể răn dạy đạo đức
Khi địa điểm của đời sống nghệ thuật thay đổi, các nguyên tắc thẩm mỹ của nghệ thuật Ý đã bắt đầu phát triển. Nghệ thuật của thành phố Florence chú trọng sự lý tưởng hóa và tính biểu tượng. Mặt khác, các họa sĩ của thành phố Venice đã thiên về tính chân thực nhiều hơn và được nâng đỡ bởi Hội đồng Trent 1545–1563 (Phục hưng Công Giáo) của Giáo hội Công Giáo và Dòng Tên mới của giáo hội này. Các tu sĩ Dòng Tên đã vượt ra khỏi tầm ảnh hưởng có từ lâu đời của Giáo hội với tư cách là một dòng bảo trợ chủ đạo. Cho đến thời của ông Peterzano, sự ảnh hưởng đó đã liên quan trực tiếp đến đề tài hơn là phong cách. Các đạo luật của Hội đồng Trent và tầm ảnh hưởng đạo đức của Dòng Tên đã dẫn dắt giới tu sĩ tích cực hướng đến sự phát triển phong cách [nghệ thuật] theo cách mà chưa từng thấy trước đây hoặc kể từ thời điểm đó.
Hội đồng Trent ra đời 25 năm sau khi thời kỳ Thượng Phục Hưng bắt đầu suy tàn. Nhiều giám mục tại cộng đồng này đến từ các thành phần văn hóa nhất của xã hội, và các tu sĩ Dòng Tên đã nhận được sự giáo dục truyền thống đến nơi đến chốn. Mặc dù người dân bình thường thời bấy giờ có thể có khả năng cảm thụ nghệ thuật tốt hơn so với nhiều người thời nay, nhưng phần lớn dân số vẫn thiếu nền giáo dục cần thiết để hiểu cách dùng biểu tượng phức tạp được mô tả chi tiết trong nghệ thuật của thời kỳ Thượng Phục Hưng. Chỉ tầng lớp thượng lưu trong xã hội được giáo dưỡng mới có nhận thức đầy đủ về tính biểu tượng phức tạp và ẩn ý trong các bức họa truyền thống.
Các giám mục của Hội đồng Trent đã định ra rằng nghệ thuật giáo hội trong tương lai nên rõ ràng dễ hiểu, thậm chí là răn dạy đạo đức — sau đó là ủng hộ những nỗ lực để bảo đảm rằng nghệ thuật đó đạt đến tầm cao của sự hoàn hảo về thẩm mỹ. Sự chuyển biến này đã được củng cố bằng phương pháp thiền định giàu trí tưởng tượng vượt trội của Dòng Tên, phương pháp này yêu cầu hình dung ra một khung cảnh tín ngưỡng nào đó như thể đích thân hiện diện ở đó. Trong bầu không khí mới mẻ, phong cách kể chuyện và kịch nghệ đã bắt đầu thay thế các biểu tượng và truyện ngụ ngôn trí tuệ trong nghệ thuật thế tục cũng như nghệ thuật tín ngưỡng.
Những nền tảng cho nghệ thuật thời kỳ Baroque
Một trong số những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho nguyên tắc thẩm mỹ giáo huấn về đạo đức là Thánh Charles Borromeo. Từ năm 1564 đến 1584, ông đã phụng sự với tư cách là tổng giám mục của thành phố Milan: thành phố mà ông Peterzano đã chuyển đến vào năm 1572, gần thị trấn nơi danh họa Caravaggio trải qua thời thơ ấu. Ông Borromeo cũng là một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa nền văn hóa tinh hoa và niềm đam mê tín ngưỡng. Mẫu thân của ông sinh ra trong gia tộc Medici — có thể nói là một trong những nhà bảo trợ vĩ đại nhất của thời kỳ Phục Hưng. Chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Dòng Tên, ông Borromeo đã điều hành cung điện giám mục của mình như là một tu viện. Không có gì ngạc nhiên khi ông đã sáng tác một cuốn sách về nghệ thuật tín ngưỡng và tích cực hướng dẫn các nghệ sĩ ở địa phương trong sáng tác của họ.
Trong suốt cuộc đời của ông Borromeo, không một nghệ sĩ nào hoạt động tại thành phố Milan có thể thành tựu cao hơn địa vị nhỏ bé trong sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, các nghệ sĩ này đã cùng nhau ấp ủ sự chú trọng về phong cách kể chuyện và kịch nghệ được yêu cầu bởi việc đổi mới tín ngưỡng, điều mà đã trở thành nền tảng cho nghệ thuật thời kỳ Baroque. Sự lan tỏa những tác phẩm của họ bên trong các nhà thờ địa phương chắc chắn đã góp phần quan trọng khiến ông Caravaggio [cảm thấy] hứng thú với nghệ thuật và chọn lựa sự nghiệp này.
Bên trong thế giới hạn hẹp được thừa nhận đó, ông Peterzano đã nhận được nhiều lời yêu cầu và sáng tác hàng chục tác phẩm quy mô lớn. Điều tốt nhất của những tác phẩm này đã tiên đoán trước về [những tác phẩm của danh họa] Caravaggio trong phong cách “tenebrism” (trong đó những nét đặc trưng nhất định của chủ thể chính được làm nổi bật qua sự tương phản với các đối tượng nền có màu tối hơn). Thật khó để thưởng lãm tác phẩm “Christ in the Garden” (Đấng Christ bên trong Khu vườn), “Flagellation” (Hình phạt bằng roi), hay “Angelica and Medoro” (Angelica và Medoro) mà không nhìn thấy cơ sở cho các nguyên tắc thẩm mỹ mà danh họa Caravaggio đã hoàn thiện trong những tác phẩm của ông chẳng hạn như các họa phẩm “David and Goliath” (David và Goliath) và “Narcissus.”
Epoch Times Tiếng Việt