Họa sĩ người Áo Ferdinand Georg Waldmüller vô cùng kính ngưỡng thiên nhiên. Vào năm 1846, ông đã viết: “Thiên nhiên chắc chắn là ngọn nguồn duy nhất cũng là toàn bộ nghiên cứu của chúng ta; chỉ có nơi đó ta mới có thể tìm thấy chân lý và vẻ đẹp vĩnh hằng, sự biểu đạt của điều mà ắt hẳn là mục tiêu cao quý nhất của người nghệ sĩ trong mỗi nhánh của môn nghệ thuật tạo hình.”
Trong suốt cuộc đời của mình, họa sĩ Waldmüller (1793–1865) đã nghiên cứu kỹ lưỡng về thiên nhiên. Ông tin rằng các họa sĩ nên tập trung công phu vào việc “biểu đạt ánh mặt trời,” một cách luyện tập mà ông đã theo đuổi khi ông nghiên cứu, phác họa, và vẽ ánh mặt trời chóng vánh trên khắp nước Áo và vùng Sicily, ở đây chỉ kể tên một số quốc gia.
Hướng đến thiên nhiên
Năm 14 tuổi, họa sĩ Waldmüller theo học tại Học viện Nghệ thuật ở Vienna, nơi mà ông đã tích lũy được một nền tảng vững chắc về truyền thống hội họa Old Master (Old Master dùng để chỉ các bậc thầy hội họa từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 18). Không lâu sau khi hoàn thành chương trình học, ông ấy đã nhận được các lời yêu cầu sáng tác, chủ yếu là sao chép những tác phẩm của bậc thầy thời xưa. Những người thầy của ông là họa sĩ người Đức Hubert Maurer, người đã du nhập trường phái cổ điển vào học viện này, và họa sĩ người Ý Johann Baptist Lampi.
Những năm đầu trong sự nghiệp của mình, ông Waldmüller vẽ các bức chân dung. Ông được trả lương hậu hĩnh và trở nên nổi tiếng vào những năm 1830 nhờ những bức tranh này, trước khi ông dành trọn tình yêu của mình cho các bức tranh tả cảnh sinh hoạt đời thường và phong cảnh thiên nhiên. Vào năm 1856, họa sĩ Waldmüller đã gặt hái thành công ở cấp độ thế giới sau một cuộc triển lãm tại Cung điện Buckingham, London.
Những bức tranh phong cảnh của họa sĩ Waldmüller đặc biệt cho thấy sự chú ý tài tình của ông đến các tiểu tiết. Ông đã vẽ các bức tranh phong cảnh đẹp nhất giữa năm 1829 đến 1843, khi mà vào mỗi dịp hè ông sẽ viếng thăm các hồ nước hoang sơ ở vùng núi cao và các đỉnh núi cao chót vót tại vùng Salzkammergut, khu vực hồ nước của Áo. Người dân Áo thường ví von một trong những hồ nước của vùng này, Hồ Altaussee, như là một lọ mực dành cho các văn nhân và thi sĩ. Tương tự, toàn bộ vùng Salzkammergut cũng mang đến một bảng phối màu đẹp đến ngỡ ngàng dành cho các họa sĩ.
Họa sĩ Waldmüller, người yêu thích vẽ những ngọn núi cao, đã sáng tạo các khung cảnh núi non và rừng rậm ở đằng xa cũng tỉ mỉ và rõ ràng như các họa tiết cận cảnh. Tài năng biểu đạt các chi tiết ở đằng xa mà không làm mất độ sắc nét của họa sĩ Waldmüller đã định hình phong cách nghệ thuật của ông.
Những chuyến viếng thăm ngắn ngày của ông Waldmüller đến vùng Salzkammergut đã mang đến cho ông vô số cơ hội để thưởng lãm cách mà ánh mặt trời nâng niu mảnh đất này từ buổi bình minh đến hoàng hôn, cũng như mang đến cho ông vô vàn [cơ hội] luyện tập vẽ tranh ngoài trời. Kể từ năm 1834 trở về sau, ông chủ yếu vẽ tranh phong cảnh [thiên nhiên] của vùng này.
Trong tác phẩm “Dãy núi Dachstein nhìn từ Sophien-Doppelblick gần Ischl,” họa sĩ Waldmüller đã sáng tạo một bố cục hài hòa dẫn dắt người thưởng lãm tranh đi sâu vào trong Dãy núi Dachstein, một quần thể gồm các đỉnh núi ở phía Đông dãy Alps của nước Áo. Ở phía cận cảnh, một hàng rào gỗ dẫn hướng người thưởng lãm đến những ngôi nhà trong thung lũng và đến một dòng sông uốn lượn ở bên phải của bức tranh. Họa sĩ Waldmüller đã sáng tạo những rặng cây ở cận cảnh cũng tỉ mỉ không kém các ngọn núi và thung lũng ở đằng xa, nhưng vẫn có cảm thụ về không gian và chiều sâu của đồng ruộng này — [đây là] những nét đặc trưng trong tác phẩm của ông.
Bức tranh “Quang cảnh của dãy núi Dachstein cùng Hồ Hallstatt nhìn từ Hütteneckalm gần Ischl” của họa sĩ Waldmüller cho thấy một ví dụ về cách mà ông sắp xếp các nhân vật và các ngôi nhà để mang đến cảm giác về tỷ lệ và chiều sâu. Những con người nhỏ xíu đối lập với Dãy núi Dachstein cao chót vót đã đặt khung cảnh bao la, hùng vĩ vào hình phối cảnh, đồng thời cho phép ông biểu đạt tỉ mỉ về những vật thể ở cận cảnh và ở khung nền phía sau.
Bên cạnh các bức vẽ tranh phong cảnh, họa sĩ Waldmüller còn có sở trường vẽ tranh về các loài hoa. Bức tranh tĩnh vật “Roses” (Những đóa hồng) vẽ năm 1843 cho thấy cách ông chuyển tải lòng yêu mến đặc biệt dành cho các tiểu tiết của ông vào thể loại [tranh] đó, cùng những món đồ có độ phản chiếu cao của bức tranh này chẳng hạn như chiếc bình hoa bằng bạc đầy ắp những đóa hồng ở nhiều trạng thái tàn úa khác nhau.
Biểu đạt thế giới tự nhiên và bản tính của nhân loại
Họa sĩ Waldmüller còn có tài năng truyền tải bản tính của nhân loại lên nền vải canvas. Ông ấy đã kết hợp tình yêu của mình dành cho phong cảnh thiên nhiên nước Áo cùng những hiểu biết sâu sắc của ông về thế giới tâm hồn của nhân loại để sáng tác những bức tranh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường một cách thành công, thường là có vô số nhân vật. Ông đã vẽ những tác phẩm này theo phong cách Biedermeier của trường phái hội họa tả thực bắt nguồn từ nước Đức.
Phong cách Biedermeier trong nghệ thuật và kiến trúc (khoảng năm 1815—1848) đã phát triển trong suốt một thời kỳ hòa bình của châu Âu sau Các cuộc chiến tranh của Napoleon. Sự lãnh đạo của nhà ngoại giao và chính trị gia người Áo Klemens von Metternich tại châu Âu đã mang đến sự ổn định chính trị cho khu vực này. Sự đô thị hóa và công nghiệp hóa đã phát triển mạnh mẽ và một tầng lớp trung lưu mới ở châu Âu đã xuất hiện. Tầng lớp này có niềm đam mê sưu tầm và thưởng lãm nghệ thuật.
Tại Áo, những tác phẩm theo phong cách nghệ thuật Biedermeier không hàm chứa lời dẫn giải mang tính xã hội hoặc chính trị.
Sau những năm bất ổn của đất nước, các họa sĩ theo phong cách Biedermeier đã sáng tạo những tác phẩm hội họa giàu cảm xúc, có đức tin mạnh mẽ [theo lối] tả thực mà đã lan tỏa sự ấm áp, niềm hạnh phúc, và một cảm giác gắn bó.
Họa sĩ Waldmüller đã khắc họa niềm hy vọng và bản tính lương thiện của nội tâm con người trong những bức tranh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường về các khung cảnh miền đồng quê, người dân bên trong những ngôi nhà bần hàn, những bếp ăn dành cho người vô gia cư, và những khung cảnh tương tự. Một số tác phẩm khắc họa người dân ở trong những hoàn cảnh ảm đạm, nhưng ngay cả trong những khung cảnh này, ông ấy vẫn làm toát lên niềm vui và sức mạnh của nội tâm con người khi đứng trước nghịch cảnh.
Trong tác phẩm “The Monastery Soup” (Món súp của tu viện), họa sĩ Waldmüller đã sáng tạo một tác phẩm công phu, hài hòa cùng vô số nhân vật, gợi nhớ về những sáng tác của các bậc thầy thời xưa, chẳng hạn như những bức tranh khổ lớn mang tính biểu tượng của danh họa Raphael.
Bố cục trong tranh của họa sĩ Waldmüller gợi ý về một hình tam giác, dẫn hướng sự chú ý của chúng ta đến khung cảnh nhộn nhịp. Mặc dù có rất nhiều hoạt động — xô đẩy, cười đùa, cầu nguyện, và chăm sóc trẻ em thông thường — mỗi nhóm nhỏ nhân vật mang tính biểu tượng, giống như mỗi nốt nhạc trong một bản giao hưởng vĩ đại, củng cố bố cục tổng thể của bức tranh này. Ngay cả vị tu sĩ ở trong bức họa treo tường có vẻ như cũng giao tiếp với các nhân vật.
Nhiều tác phẩm của họa sĩ Waldmüller tôn vinh những truyền thống và cuộc sống miền đồng quê của nước Áo, chẳng hạn như tác phẩm “On Corpus Christi Morning” (Vào buổi sáng ngày lễ Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi)) được ưa thích của ông, trong đó là một nhóm dân làng vui tươi sửa soạn cho một ngày mới. Bức tranh này tập trung vào một nhóm các bé gái trong những chiếc váy trắng, cùng vòng hoa cài tóc. Một người ông đang ngắm nhìn ở phía bên trái của bức tranh, trong khi một người mẹ và đứa trẻ và có lẽ là một người bà đang âu yếm nhìn đến những chiếc váy của các bé gái. Một cậu bé ăn mặc chỉnh tề với một dải lụa đeo chéo màu xanh lam đang cầm một cây nến khi cậu ấy đi hướng về bên phải.
Trong tác phẩm cuối cùng của ông, họa sĩ Waldmüller đã kết hợp các chủ đề cảnh sinh hoạt đời thường và phong cảnh thiên nhiên trong những sáng tác của ông, chẳng hạn như trong tác phẩm “Cuộc hành hương tạm dừng lại.” Bức tranh này cho thấy một nhóm người hành hương đang đi dọc theo một đỉnh đồi núi đá tạm dừng chân để giúp đỡ người đồng hành của họ, người đã gục ngã do kiệt sức. Họa sĩ Waldmüller vẽ người hành hương bị ốm này và những người đứng gần đó tại vị trí cao nhất trong bức tranh, có lẽ để cho thấy tầm quan trọng của cây thánh giá mà cô ấy đang cầm và cuộc hành trình mà họ đang thực hiện không phải là không có hy sinh. Ông đã miêu tả ánh mặt trời buổi hoàng hôn phác họa mảnh đất này giống như một vầng hào quang, một lần nữa để nhấn mạnh cảnh ngộ khốn khó đầy thiêng liêng của những người hành hương.
Epoch Times Tiếng Việt