Andrea Palladio. Có thể bạn không biết tên tuổi của ông, nhưng chắc chắn bạn đã thấy ảnh hưởng của vị kiến trúc sư thời Thượng Phục Hưng này đối với kiến trúc truyền thống của Tây Âu và thực tế là cả kiến trúc truyền thống của Mỹ quốc.
Kiến trúc sư Palladio đã xây dựng với vẻ đẹp và vinh danh các bậc tiền nhân.
“Là một trong những kiến trúc sư vĩ đại cuối cùng của thời kỳ Thượng Phục Hưng, ông Palladio đã chuyển tải ngôn ngữ của kiến trúc cổ điển lâu đời thành một bảng từ vựng linh hoạt và khác biệt được các kiến trúc sư giỏi sử dụng trên toàn thế giới vào thế kỷ 19,” theo trang web của Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan.
Kiến trúc cổ đại
Trước khi “gặp gỡ” ông Palladio đúng nghĩa, thật tốt khi lưu ý đến sự phát triển chung và các điểm đặc trưng của kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại, vì hai phong cách này thường được hợp nhất thành “kiến trúc cổ điển.”
Người Hy Lạp cổ đại đã cắt những khối đá cẩm thạch lớn thành những thanh xà phỏng theo những tòa nhà có xà và cột gỗ truyền thống của họ. Họ đã sử dụng ba kiểu cột theo khu vực khác nhau: Cột “Doric” từ đất liền và phía tây Hy Lạp, cột “Ionic” từ phía đông Hy Lạp, và cột “Corinthian” từ vùng Corinth. Mỗi cột có một tỷ lệ và sơ đồ trang trí cụ thể, bao gồm chân đế, đầu cột (khối đá cẩm thạch ở trên cùng), và mũ cột (một thanh ngang đặt trên đầu cột). Cùng với nhau, những yếu tố này tạo thành một “thức cột.”
“Trải qua hàng thế kỷ [sử dụng phương pháp] thử và sai, người Hy Lạp đã phát triển các tỷ lệ cho các kết cấu khác nhau trong những tòa nhà của họ, được thiết kế chính xác để đạt cảm quan thẩm mỹ vô cùng phát triển. Họ đã uốn cong tất cả các đường thẳng một cách tinh tế nhằm tạo ra những ảo ảnh quang học, và xây dựng các ngôi đền của họ — loại tòa nhà chính — với độ chính xác đến từng phần nhỏ của từng inch,” tác giả John Penoyre và Michael Ryan viết trong tác phẩm “The Observer’s Book of Architecture” (Sách về Kiến Trúc cho Chuyên Gia).
Khi La Mã chinh phục và sau đó đô hộ Hy Lạp, các kiến trúc sư La Mã đã áp dụng và điều chỉnh mô típ xây dựng dầm và cột của đất nước này. Phần bổ sung đáng chú ý nhất mà họ đã thực hiện là mái vòm và vòm cuốn. Người La Mã cần có các tòa nhà lớn hơn, có mái che, vì vậy các kiến trúc sư của họ đã thêm các vòm hình bán nguyệt cho phần chống đỡ kết cấu thay vì các cột.
Người La Mã cổ đại cũng đã thêm hai thức cột, “Tuscan” và “Composite,” tăng số thức cột cổ điển lên thành năm. Những cột này chủ yếu đảm nhận chức năng trang trí, đôi khi gần như biến mất trong kết cấu của tòa nhà dưới dạng những trụ bổ tường (các trụ phẳng).
Các chuyên gia đều đồng ý rằng đền Parthenon ở Athens là ví dụ điển hình nhất còn sót lại của kiến trúc Hy Lạp cổ đại, và rằng đền Pantheon ở Rome là sự phản ánh hoàn hảo của kiến trúc La Mã cổ đại.
Áng thơ oai hùng của ông Palladio cho các bậc tiền nhân cổ đại
Ông Palladio, có lẽ hơn bất kỳ kiến trúc sư nào khác trước ông, đã khiến kiến trúc cổ đại trở nên dễ tiếp cận dưới dạng thức dễ hiểu hơn. Andrea di Pietro được sinh ra tại thành phố Padua, sau đó là một phần của Cộng hòa Venice, ông sống (1508–1580) vào thời điểm có tính bước ngoặt của kiến trúc cổ điển. Thời đó mối quan tâm của người Ý với các giáo lý cổ điển và sự phục hưng nền nghệ thuật cổ điển đang ở đỉnh cao, được trợ sức bởi một lượng lớn các học giả lánh nạn khỏi cuộc bao vây Constantinople gần đó của người Thổ Nhĩ Kỳ (1453). Những học giả này mang theo những thư tịch cổ và kiến thức cổ điển cùng với họ đến Tây Âu và đặc biệt là nước Ý.
Được đào tạo để trở thành thợ xây dựng và sau đó là thợ đẽo đá, học việc với điêu khắc gia nổi tiếng Bartolomeo Cavazza da Sossano ở Padua, ông Andrea sau đó chuyển đến Vicenza và làm việc cho người đẽo đá và xây đá nổi tiếng Giovanni di Giacomo da Porlezza. Chính tại đây, ông đã gặp học giả cổ điển Giangiorgio Trissino, một nhà quý tộc và kiến trúc sư nghiệp dư, người đã thay đổi mãi mãi đường đời của Palladio — cũng như tên tuổi của ông.
Ông Trissino đã đặt cho Andrea cái tên “Palladio” theo tên nữ thần trí tuệ Hy Lạp, Pallas Athene.
Ông Trissino đã nhìn thấy triển vọng rực rỡ ở Palladio: “một thanh niên nhiệt thành và có thiên hướng về toán học.” Ông đã dẫn dắt chàng trai trẻ Palladio, giáo dục cậu về các tác phẩm kinh điển và giới thiệu cho Palladio chuyên luận cổ xưa duy nhất còn sót lại về kiến trúc, tác phẩm “De architectura” (Mười Cuốn Sách Về Kiến Trúc) của Marcus Vitruvius, ra đời vào khoảng năm 30 – 20 trước Công Nguyên. Kiến trúc sư Vitruvius tin rằng thiên nhiên nắm giữ bản thiết kế cho cái đẹp. Ông trích dẫn rằng các học giả đã tìm thấy những điểm tương đồng trong những tỷ lệ và sự đối xứng của “những người đàn ông có thân hình cân đối” và rằng công thức toán học để đạt đến vẻ đẹp và sự hài hòa tự nhiên này có thể được áp dụng cho kiến trúc.
Năm 1556, ông Palladio đã vẽ minh họa bản dịch của học giả cổ điển Daniele Barbaro về tác phẩm của Vitruvius. Ông Trissino lần đầu tiên đưa ông Palladio đến Rome vào những năm 1540, nơi ông học vẽ trực tiếp những tàn tích cổ xưa của Rome.
Về kiến trúc của La Mã cổ đại, ông Palladio đã viết: “Là những tàn tích vĩ đại, các tòa nhà cổ xưa vẫn cho thấy chỉ dẫn rõ ràng và chuẩn mực về đức hạnh cũng như sự hùng vĩ của quốc gia La Mã, đến mức việc nghiên cứu về những phẩm chất của đức hạnh đã nhiều lần cuốn hút và mê hoặc tôi; Tôi hướng mọi ý nghĩ của mình đến họ với những kỳ vọng lớn nhất.”
Ông đã chia sẻ những suy nghĩ này trong chuyên luận năm 1570 của mình “I quattro libri dell’architettura” (Bốn Cuốn Sách Về Kiến Trúc). Đó là một chuyên luận nói về những người cùng thời với ông Palladio — các nghệ nhân và kiến trúc sư đồng nghiệp của ông — và hướng dẫn công việc thực tế của họ. Ông cũng đã đưa vào các hình minh họa khắc gỗ về các sơ đồ, các mặt đứng và mặt cắt ngang, cùng với các chi tiết kiến trúc.
Trong cuốn sách đầu tiên, ông Palladio mô tả các vật liệu, các kỹ thuật [xây dựng], và năm thức cột cổ điển. Trong quyển thứ hai, ông chủ yếu trình bày các thiết kế của ông cho các tư gia, biệt thự, và dinh thự, một số điều độc đáo từ các chuyên luận trước chuyên luận của ông. Trong cuốn thứ ba, ông chủ yếu tập trung vào những đường phố, tòa nhà, và vương cung thánh đường La Mã cổ đại, và trong cuốn bốn, ông trình bày chi tiết về các ngôi đền La Mã cổ đại, bao gồm các bản phác thảo của đền Pantheon.
“Trong số tất cả các ngôi đền sẽ được nhìn thấy ở Rome, không có ngôi đền nào nổi tiếng hơn đền Pantheon, hiện được gọi là đền Ritonda, cũng như [không có ngôi đền nào] còn duy trì độ nguyên vẹn nhiều hơn; bởi vì kiến trúc này gần như được nhìn thấy ở trạng thái kết cấu ban đầu, nhưng lại đã bỏ đi [theo nguyên văn] các bức tượng và các vật trang trí khác,” ông Palladio đã viết trong Chương 20 của “Bốn Cuốn Sách Về Kiến Trúc.”
Kiến trúc cổ đại và thiết kế đương đại
Cùng với chuyên luận của mình, danh tiếng của ông Palladio đến từ các tòa nhà tư nhân và công cộng ở nước Ý. Chúng ta chỉ cần nhìn vào vùng nông thôn nước Ý, đầu tiên là vùng Veneto nơi ông Palladio sinh sống, để thấy kiến trúc của ông đã lan rộng khắp nước Ý như thế nào.
Vào thời của ông Palladio, Cộng hòa Venice liên tục xảy ra xung đột. Thay vì phụ thuộc vào nông sản nhập cảng, giới quý tộc đã chuyển đến vùng nông thôn xung quanh mua đất và phát triển đất nông nghiệp. Những nhà quý tộc này cần những ngôi nhà vùng nông thôn. Ông Palladio đã đáp ứng nhu cầu đó, định hình biệt thự kiểu Ý về sau.
Ông Palladio coi biệt thự như một thị trấn nhỏ dưới một mái nhà, nơi giới quý tộc của vùng Veneto có thể thể hiện các cảm quan nhân văn của họ cho việc nghỉ ngơi, nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, và đo đạc các vùng đất nông nghiệp của họ mà không cần rời khỏi tòa nhà này. Mỗi biệt thự đều có các khu sinh hoạt trung tâm được bao quanh bởi các công trình phụ, chẳng hạn như các chuồng gia súc, ẩn sau một loạt mái vòm mang âm hưởng cổ điển (một hàng cột, được gọi là colonnade, nâng đỡ một loạt vòm cuốn) tạo nên một tổng thể hài hòa.
Kiến trúc sư Palladio đã đưa cấu trúc đền thờ linh thiêng của những thức cột tao nhã vào khối xây dựng trung tâm của những thiết kế biệt thự của mình. Ông đã nhầm tưởng, giống như hầu hết các đồng nghiệp của ông vào thời điểm đó, rằng các biệt thự La Mã cổ đại mang âm hưởng của thiết kế đền thờ.
Năm 1540, ông Palladio hoàn thành ngôi biệt thự đầu tiên của mình, Biệt thự Godi, tại Lonedo. Thiết kế Biệt thự Godi của ông chứa đựng các yếu tố đã định hình các công trình sau này của ông. Biệt thự này bao gồm một khối nhà trung tâm được bao bọc bởi hai khối bên đối xứng. Khối trung tâm được đặt lùi lại so với các khối bên cạnh để một mặt tiền nhô ra phía trước trong khi những mặt kia lùi lại một khoảng bằng nhau.
Tuy nhiên, các học giả đồng ý rằng ví dụ điển hình nhất về thiết kế biệt thự của kiến trúc sư Palladio là Biệt thự Emo ở Vedelago, phía đông bắc nước Ý, được thiết kế vào những năm 1550. Với phần portico (một loại cổng vào được chống đỡ bởi các hàng cột) được nâng cao và các tòa nhà nông nghiệp nằm sau các mái vòm, sự hùng vĩ của công trình này mở rộng đến cả những tòa nhà nông trại khiêm tốn.
Với Biệt thự Emo, kiến trúc sư Palladio đã áp dụng những gì tác giả Vitruvius đã viết trong chuyên luận của mình: rằng các kiến trúc sư nên thiết kế các tòa nhà có tính “firmitas” (bền vững), “utilitas” (công năng), và “venustas” (đẹp).
Về Biệt thự Emo, kiến trúc sư Palladio viết: “Các hầm chứa, kho thóc, chuồng ngựa, và các công trình trang trại khác nằm ở mỗi bên nhà của gia chủ, và ở cuối nhà có chuồng bồ câu [nhà bồ câu] rất hữu ích cho gia chủ và tô điểm thêm vẻ đẹp cho nơi này; một người có thể bí mật di chuyển qua nó.”
Theo trang web của Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, “Biệt thự La Rotonda thể hiện kỹ năng bậc thầy của kiến trúc sư Palladio trong việc chuyển tải các lý tưởng cổ điển về dạng hình học, tính đối xứng tuyệt đối, và tỷ lệ hài hòa vào các thiết kế đơn giản, uy nghiêm.” Ông Palladio đã xây dựng biệt thự trên một ngọn đồi ở Vicenza, phía đông bắc nước Ý, và ghi chép rằng địa điểm này là “một trong những nơi dễ chịu và thú vị nhất có thể được tìm thấy, trên một ngọn đồi với những lối đi thoai thoải và được bao quanh bởi những ngọn đồi quyến rũ khác, tất cả đều được trồng trọt, tạo ra cảm tưởng về một nhà hát lớn.”
Kiến trúc sư Vitruvius và Palladio đã qua đời cách đây hàng thế kỷ, nhưng phần tinh túy nhất trong các công trình cổ điển của họ vẫn tồn tại. Ảnh hưởng trực tiếp của chúng có thể được nhìn thấy trong các công trình của kiến trúc sư Inigo Jones ở Anh, chẳng hạn như Ngôi nhà của Nữ hoàng ở Greenwich (tòa nhà cổ điển đầu tiên của đất nước), và trong các công trình của tổng thống Thomas Jefferson ở Mỹ quốc, chẳng hạn như dinh thự Monticello và ngôi làng học thuật mà ông đã tạo ra ở Charlottesville, Virginia, đặc biệt là The Rotunda, chỉ là một vài ví dụ. Nhưng ảnh hưởng của kiến trúc cũng có thể được nhìn thấy trong công trình xây dựng của đời sống Mỹ quốc, trong kiến trúc nhà thờ truyền thống, và thậm chí trong các mái đua, ván chân tường, và đường gờ trần nhà.
Epoch Times Tiếng Việt