Friday, March 29, 2024

Tôn vinh điêu khắc gia Donatello, một trong những bậc thầy của nghệ thuật Phục Hưng Ý thời đầu

Liên Quan

Một cuộc triển lãm ở Berlin khám phá tài năng sáng tạo và nghệ thuật của nghệ sĩ Donatello

BERLIN — Hai bức tượng David hoàn toàn khác biệt chào đón khách tham quan tại lối vào của cuộc triển lãm “Điêu khắc gia Donatello: Nghệ sĩ đi đầu thời kỳ Phục Hưng”, ở bảo tàng nghệ thuật Gemäldegalerie tại Berlin.

Lần đầu tiên rời khỏi Florence, nước Ý, tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch nổi tiếng “David” của nghệ sĩ Donatello, khoác trên mình bộ trang phục cổ điển và đội một chiếc vương miện kết bằng nho vang (wine grape), thường thấy trên đầu Thần Bacchus, vị Thần rượu vang của La Mã. Bức tượng David hiện lên trong dáng vẻ suy tư. Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận thấy tỷ lệ cơ thể của tác phẩm này không hoàn hảo: Hãy chú ý đến chiếc cổ và những ngón tay thon dài tuân thủ theo phong cách Gothic của bức tượng này.

Tác phẩm “David” do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào năm 1408–09 và 1416. Chất liệu: Đá cẩm thạch; 75 3/8 inch x 16 1/2 inch. Bảo tàng Quốc gia Bargello, Florence, Ý. (Ảnh: David von Becker/Bảo tàng Quốc gia tại Berlin)
Tác phẩm “David” do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào năm 1408–09 và 1416. Chất liệu: Đá cẩm thạch; 75 3/8 inch x 16 1/2 inch. Bảo tàng Quốc gia Bargello, Florence, Ý. (Ảnh: David von Becker/Bảo tàng Quốc gia tại Berlin)

Bức tượng “David” thứ hai là bản sao bằng thạch cao của kiệt tác đúc bằng đồng nổi tiếng nhất của điêu khắc gia Donatello trong phòng trưng bày, bản gốc của tác phẩm này chưa từng rời khỏi Florence. Trong tác phẩm này, ông Donatello đã chọn miêu tả một người chăn cừu trẻ tuổi khỏa thân — một ý tưởng mới — khi mà theo truyền thống, thì nhân vật trong Kinh thánh thường được miêu tả là một vị vua thông thái. So với bức tượng bằng đá cẩm thạch trước đó của ông Donatello, thì tỉ lệ cơ thể của bức tượng David này cân xứng hơn nhiều.

Kiệt tác “David” đúc bằng đồng của điêu khắc gia Donatello chưa từng rời khỏi Florence, nước Ý, nhưng trong cuộc triển lãm “Điêu khắc gia Donatello: Nghệ sĩ đi đầu thời kỳ Phục Hưng”, một bản sao đúc bằng thạch cao được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Gemäldegalerie, Berlin, từ Bode-Museum của thành phố Berlin. (Ảnh: Paolo Gallo/Shutterstock)
Kiệt tác “David” đúc bằng đồng của điêu khắc gia Donatello chưa từng rời khỏi Florence, nước Ý, nhưng trong cuộc triển lãm “Điêu khắc gia Donatello: Nghệ sĩ đi đầu thời kỳ Phục Hưng”, một bản sao đúc bằng thạch cao được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Gemäldegalerie, Berlin, từ Bode-Museum của thành phố Berlin. (Ảnh: Paolo Gallo/Shutterstock)

Ông Donatello đã tạc bức tượng “David” bằng đồng khoảng 30 năm sau tác phẩm bằng đá cẩm thạch của ông. Không khó để phỏng đoán rằng tác phẩm sau cho thấy sự tiến bộ và phong cách đã được định hình của ông; điều này có thể đúng — hoặc không.

Chúng ta không thể xác định được phong cách nghệ thuật của điêu khắc gia Donatello, vì ông là một nghệ sĩ thời Phục Hưng đích thực, sử dụng liên tục từ chất liệu và kỹ thuật này sang chất liệu và kỹ thuật khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng, dường như ông thành thạo mọi thứ mà ông chạm vào. Ông thành thạo cả phương pháp chạm khắc loại bỏ (điêu khắc trên gỗ và đá) và phương pháp bổ sung (trên chất liệu đất sét, kim loại), một kỳ tích đặc biệt.

Cuộc triển lãm về điêu khắc gia Donatello ở Gemäldegalerie (Phòng trưng bày tranh) tại Berlin này là cơ hội chỉ có một lần trong đời để được thưởng lãm một lượng lớn các tác phẩm của một trong những bậc thầy đã sáng lập ra một trong những thời kỳ vĩ đại nhất của lịch sử nghệ thuật, thời kỳ Phục Hưng. Khoảng 90 tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, và các hiện vật liên quan được trưng bày, bao gồm các tác phẩm của những người cùng thời với ông Donatello. Tất cả các vật phẩm trong cuộc triển lãm đều được bảo tàng Donatello cho mượn, với một vài tác phẩm trong số đó chưa từng rời khỏi Ý — chẳng hạn như bức tượng “David” bằng đá cẩm thạch và Bục giảng tại Nhà thờ lớn Prato (một chiếc bục cao dùng để thuyết giảng trước một giáo đoàn).

Hình thành lối đi riêng

Mặc dù nhan đề của cuộc triển lãm là vậy, nhưng điêu khắc gia Donatello không tự mình tạo ra thời kỳ Phục Hưng. Ông là một trong nhiều nghệ sĩ đã xây dựng phong cách Phục Hưng ở Florence, những tên tuổi nổi bật khác bao gồm họa sĩ Masaccio và kiến trúc sư Filippo Brunelleschi. Ông Donatello hoàn tất quá trình học nghề với người thợ kim hoàn kiêm điêu khắc gia Lorenzo Ghiberti, trong khi vị thầy của ông tạo tác những cánh cửa bằng đồng nổi tiếng cho Nhà rửa tội Florence. Ông Donatello đã gặp gỡ kiến trúc sư Brunelleschi khi ông này đang là một người thợ kim hoàn, và cả hai trở thành những người bạn hữu cùng khám phá [những phương pháp mới] và làm việc trong các dự án.

Năng lực sáng tạo và nghệ thuật xuất chúng trong lĩnh vực điêu khắc của ông Donatello đã mở đường cho các nghệ sĩ nổi lên sau đó khoảng một thế kỷ, vào thời kỳ Thượng Phục Hưng (High Renaissance, thường được xem là thời kỳ huy hoàng nhất của lịch sử nghệ thuật). Đây cũng là một phần lý do tại sao nghệ sĩ Donatello ít được biết đến hơn: khi phong cách Phục Hưng đạt đến độ hoàn mỹ nhất vào thời kỳ Thượng Phục Hưng, thì những tác phẩm quan trọng của các nghệ sĩ Phục Hưng thời kỳ đầu phần nào chìm vào quên lãng. Điều này giống như việc xây dựng một ngôi nhà. Người ta nhìn thấy ngôi nhà trên mặt đất nhưng nền móng, thứ quan trọng nhất, lại bị che khuất. Một lý do khác mà người giám tuyển triển lãm Neville Rowley cho biết thêm, là vì tiểu sử của ông Donatello không được viết lại cho đến tận 100 năm sau khi ông qua đời.

Ông Rowley cho chúng tôi xem một số đồ tạo tác quan trọng, những đồ vật cho chúng ta thấy rõ óc sáng tạo và tài năng nghệ thuật của điêu khắc gia Donatello.

Vào khoảng năm 1415, ông Donatello đã tạo ra tác phẩm “Mantel Madonna” (Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng) cho thấy những ảnh hưởng của phong cách Gothic thời kỳ đầu đối với người nghệ sĩ này. Vào lúc đó, phong cách này được xem là phong cách của thời đại và đã được thầy Ghiberti trao truyền cho ông. Hãy lưu ý đến những bức tượng hoàn mỹ, tuân thủ chặt chẽ theo phong cách Gothic này với đôi mắt hình quả hạnh, những ngón tay và tứ chi thon dài duyên dáng.

Tác phẩm “Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng” (Mantel Madonna) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1415. Chất liệu: Đất nung, ban đầu có lớp sơn; 35 3/8 inch x 29 1/2 inch x 9 1/2 inch. Bộ sưu tập điêu khắc (Bode-Museum), Bảo tàng Quốc gia tại Berlin. (Ảnh: Antje Voigt/Bộ sưu tập Điêu khắc và Bảo tàng Nghệ thuật Byzantine, Bảo tàng Quốc gia tại Berlin)
Tác phẩm “Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng” (Mantel Madonna) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1415. Chất liệu: Đất nung, ban đầu có lớp sơn; 35 3/8 inch x 29 1/2 inch x 9 1/2 inch. Bộ sưu tập điêu khắc (Bode-Museum), Bảo tàng Quốc gia tại Berlin. (Ảnh: Antje Voigt/Bộ sưu tập Điêu khắc và Bảo tàng Nghệ thuật Byzantine, Bảo tàng Quốc gia tại Berlin)

Ông Donatello đã phát triển nghệ thuật của ông từ phong cách Gothic thành việc tạo ra các tác phẩm giàu sức biểu đạt. Sử gia nghệ thuật thế kỷ 16 Giorgio Vasari đã nói rất đúng (vào khoảng một thế kỷ sau) khi ông viết trong cuốn sách “Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects” (Cuộc Đời Của Những Họa Sĩ, Điêu Khắc Gia Và Kiến Trúc Sư Kiệt Xuất Nhất) rằng: “Điều mà nhiều đôi bàn tay điêu luyện từng làm cho nghệ thuật điêu khắc, thì ông Donato [Donatello] đã hoàn thành một mình: Đối với đá cẩm thạch, ông đã mang lại sự sống, cảm xúc, và sự chuyển động: Tạo hóa có thể ban tặng thêm điều gì nữa đây, chẳng còn gì để kể?”

Điêu khắc gia Donatello học hỏi từ quá khứ nhưng ông không bao giờ sao chép kiến thức một cách thụ động; ông Rowley giải thích rằng, ông Donatello đã cố gắng tạo ra một thứ gì đó tươi tắn và mới mẻ để thể hiện tài năng của mình. Ông Rowley chỉ ra tác phẩm “Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng” (Pazzi Madonna) của bảo tàng như một ví dụ điển hình cho điều này.

Trong tác phẩm này, ông Donatello đã chạm khắc theo một trắc diện Hy Lạp [chạm một bên mặt] mà người ta có thể nhầm tưởng rằng đó là bản sao của một bức phù điêu cổ. Mặc dù vậy, tác phẩm này mang tính tự nhiên xuyên suốt.

Tác phẩm “Pazzi Madonna” (Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng), được điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1422. Đá cẩm thạch; 29 3/8 inch x 28 3/4 inch x 2 1/2 inch. Bộ sưu tập điêu khắc (Bode-Museum), Bảo tàng Quốc gia tại Berlin. (Ảnh: Antje Voigt/Bộ sưu tập Điêu khắc và Bảo tàng Nghệ thuật Byzantine, Bảo tàng Quốc gia tại Berlin)
Tác phẩm “Pazzi Madonna” (Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng), được điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1422. Đá cẩm thạch; 29 3/8 inch x 28 3/4 inch x 2 1/2 inch. Bộ sưu tập điêu khắc (Bode-Museum), Bảo tàng Quốc gia tại Berlin. (Ảnh: Antje Voigt/Bộ sưu tập Điêu khắc và Bảo tàng Nghệ thuật Byzantine, Bảo tàng Quốc gia tại Berlin)

Chúng ta có thể nhìn thấy và cảm nhận không chỉ tình mẫu tử trần thế mà còn cả sự thiêng liêng. Đức Mẹ nhìn con trai với vẻ e ngại, vì bà biết rằng bà phải để cậu ra đi và hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình. Hãy xem cách Đức Mẹ ấn những ngón tay của mình vào cơ thể mũm mĩm của Đấng Christ khi bà ôm chặt lấy ngài. Chúng ta gần như có thể đang nhìn vào lớp da thịt mềm mại chứ không còn là đá cẩm thạch cứng. Như với tất cả các tác phẩm mô tả về Kinh thánh của ông Donatello, tác phẩm điêu khắc giàu sức biểu đạt này, trước tiên sẽ lay động trái tim của chúng ta, và sau đó nhắc nhở chúng ta về điều quan trọng nhất: Đó là củng cố đức tin của chúng ta.

Khi nhìn vào các tác phẩm Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng của điêu khắc gia Donatello, dường như không có hai tác phẩm nào là giống nhau. Ông Rowley cho rằng ông Donatello đã thay đổi bố cục của hai nhân vật thiêng liêng này trên 30 lần.

Tác phẩm “Đức Mẹ Trên Những Đám Mây” của ông Donatello được cho mượn từ Bảo tàng Mỹ thuật Boston, kết hợp hai truyền thống khác nhau trong một bố cục. Ông Rowley giải thích rằng chủ đề hình tượng Đức Mẹ trong tư thế ngồi và Chúa Hài Đồng, tượng trưng cho Đức Mẹ khiêm nhường, bắt nguồn từ vùng Siena vào thế kỷ 14. Ông Donatello sử dụng khuôn mẫu đáng kính này và, thay vì miêu tả các nhân vật ngồi trên mặt đất, ông nâng họ lên những đám mây giữa dàn hợp xướng gồm các thiên thần và tiểu thiên thần. Theo truyền thống, Đức Mẹ đã bay lên những độ cao thiên đường như vậy vào thời điểm Đức Mẹ thăng thiên, như đã thấy trong nhiều phiên bản của Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tuy nhiên, trong tác phẩm này, nghệ sĩ Donatello đã chọn bối cảnh Đức Mẹ ở trên thiên đường cùng con trai mình.

Tác phẩm “Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng Cùng Các Thiên Thần (Đức Mẹ Trên Những Đám Mây) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào năm 1425–30. Chất liệu: Đá cẩm thạch; 13 3/8 inch x 12 5/8 inch x 1 1/8 inch. Bảo tàng Mỹ thuật, Boston. (Ảnh: Lorraine Ferrier/The Epoch Times)
Tác phẩm “Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng Cùng Các Thiên Thần (Đức Mẹ Trên Những Đám Mây) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào năm 1425–30. Chất liệu: Đá cẩm thạch; 13 3/8 inch x 12 5/8 inch x 1 1/8 inch. Bảo tàng Mỹ thuật, Boston. (Ảnh: Lorraine Ferrier/The Epoch Times)

Tác phẩm này cần được thưởng thức cận cảnh và trực tiếp, vì các bức ảnh không chụp được những sắc thái tiểu tiết. Khi nhìn gần, các thiên thần và tiểu thiên thần bay giữa những đám mây. Như thể ông Donatello đã nhẹ nhàng múa chiếc đục trên tác phẩm của mình để tạo ra một thiên đường như vậy. Cách ông tạo ra kiệt tác này bằng một chiếc đục mà không sử dụng bất cứ màu sắc nào, hẳn là một trong những điều kỳ diệu của nghệ thuật.

Tác phẩm “Dead Christ Tended by Angels” (Đấng Christ Tử Nạn Được Các Thiên Thần Săn Sóc) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1435. Chất liệu: Đá cẩm thạch; kích thước: 31 3/4 x 45 x 2 3/8 inch. Bảo tàng Victoria & Albert ở London. (Ảnh: London's Victoria & Albert Museum)
Tác phẩm “Dead Christ Tended by Angels” (Đấng Christ Tử Nạn Được Các Thiên Thần Săn Sóc) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1435. Chất liệu: Đá cẩm thạch; kích thước: 31 3/4 x 45 x 2 3/8 inch. Bảo tàng Victoria & Albert ở London. (Ảnh: London’s Victoria & Albert Museum)

Ông Rowley giải thích rằng, trong tác phẩm của mình, ông Donatello đã sử dụng kỹ thuật “stiacciato”, một kỹ thuật do ông phát minh, theo đó những bức phù điêu được chạm khắc rất nông trên đá cẩm thạch. Kỹ thuật này khó đến nỗi rất ít nghệ sĩ sử dụng sau ông. Nhiều tác phẩm trong cuộc triển lãm thể hiện kỹ thuật này, trong đó có tác phẩm “Dead Christ Tended by Angels” (Đấng Christ Tử Nạn Được Các Thiên Thần Săn Sóc) và “Hildburgh Madonna” (Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng Cùng Bốn Thiên Thần). Tác phẩm thứ hai cho thấy việc ông Donatello sử dụng phối cảnh một điểm (một kỹ thuật toán học mà nghệ sĩ Brunelleschi đã hồi sinh từ thời cổ điển, theo đó nghệ sĩ phải bảo đảm rằng các đường song song hội tụ tại một điểm trên mặt phẳng hình ảnh, để làm cho tác phẩm giống như hình ảnh ba chiều), điều mà ông và người bạn Brunelleschi của ông đã đưa vào môn nghệ thuật này.

Tác phẩm “Hildburgh Madonna” (Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng Cùng Bốn Thiên Thần), do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1420–30, Chất liệu: Đá cẩm thạch; 16 3/8 inch x 12 3/4 inch x 1 3/8 inch. Bảo tàng Victoria & Albert, Luân Đôn. (Ảnh: Bảo tàng Victoria & Albert, Luân Đôn)
Tác phẩm “Hildburgh Madonna” (Đức Mẹ Và Chúa Hài Đồng Cùng Bốn Thiên Thần), do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1420–30, Chất liệu: Đá cẩm thạch; 16 3/8 inch x 12 3/4 inch x 1 3/8 inch. Bảo tàng Victoria & Albert, Luân Đôn. (Ảnh: Bảo tàng Victoria & Albert, Luân Đôn)

Làm sống lại truyền thống cổ xưa

Ông Rowley giải thích rằng, trong khi các nghệ sĩ khác sáng tạo các tác phẩm thể hiện mức độ hiểu biết của họ bằng cách viện dẫn đến một số văn bản nhất định, thì ông Donatello lại tạo ra những tác phẩm điêu khắc chưa từng thấy trước đây. Ví dụ, ông là người đầu tiên điêu khắc tượng Đức Mẹ đứng bằng đất nung. Ông đã học được cách điêu khắc trên đất sét từ người thầy Ghiberti của mình, vốn là người đầu tiên điêu khắc trên đất nung kể từ thời cổ đại. Việc tạo ra những bức tượng Đức Mẹ đứng này cho phép những khách hàng không đủ tiền mua tác phẩm bằng đá cẩm thạch đột nhiên được sở hữu các tác phẩm nghệ thuật làm bằng đất nung trơn hoặc tô điểm bằng sơn.

Trưng bày trong cuộc triển lãm này là bức tượng “Mellon Madonna” (Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng) mới được bảo tồn gần đây, đến từ Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn. Ở đây, Đức Trinh Nữ ôm Đấng Christ bên hông như thể bà đang cho chúng ta nhìn thấy ngài.

Tại trung tâm của cuộc triển lãm “Điêu khắc gia Donatello: Nghệ sĩ đi đầu thời kỳ Phục Hưng” là bức “Mellon Madonna” (Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng), do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1422. Chất liệu: Đất nung sơn và mạ vàng; 47 1/2 inch x 18 1/2 inch x 13 1/4 inch. Bộ sưu tập Andrew W. Mellon, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: David von Becker/Bảo tàng Bang Berlin)
Tại trung tâm của cuộc triển lãm “Điêu khắc gia Donatello: Nghệ sĩ đi đầu thời kỳ Phục Hưng” là bức “Mellon Madonna” (Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng), do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1422. Chất liệu: Đất nung sơn và mạ vàng; 47 1/2 inch x 18 1/2 inch x 13 1/4 inch. Bộ sưu tập Andrew W. Mellon, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: David von Becker/Bảo tàng Bang Berlin)

Ông Rowley nhận thấy tác phẩm này trông rất duyên dáng, đặc biệt là cách ông Donatello không chọn một bố cục trực diện, như thường thấy trong hầu hết các bối cảnh kiến trúc vào thời điểm đó. Thay vào đó, người nghệ sĩ này đã xoay cặp đôi ở một góc [độ]. Khó khăn của người giám tuyển là làm sao để trưng bày một tác phẩm như vậy trước công chúng một cách trọn vẹn nhất.

Ông Rowley giải thích rằng việc xác định xem những tác phẩm đất nung là do chính ông Donatello thực hiện hay do xưởng của ông làm là điều khó khăn, vì rất khó để xác định liệu tác phẩm ấy có được đúc từ một tác phẩm đất nung khác do chính ông tạo ra hay không.

Điêu khắc gia Donatello cũng làm sống lại một truyền thống cổ xưa khi ông bắt đầu thêm “tinh linh” hay “những linh hồn bé nhỏ” (những đứa trẻ khỏa thân, có cánh) — một hình mẫu mà ông đã thấy trên quan tài La Mã cổ đại — vào các tác phẩm của mình trong những năm 1420. Một tác phẩm tuyệt vời là kết quả của sự hợp tác với một nhà điêu khắc khác. Ông Donatello không đủ khả năng để thực hiện nhiều đơn hàng, vì vậy ông đã thiết lập một mối quan hệ đối tác với nhà điêu khắc Michelozzo. Họ đã cùng nhau nhận nhiều đơn hàng, làm việc đồng thời trong một số dự án ở những khu vực khác nhau.

Tinh linh đang nhảy múa trên bục giảng của Nhà thờ lớn Prato, do điêu khắc gia Donatello và nghệ sĩ Michelozzo thực hiện năm 1434–38. Chất liệu: đá cẩm thạch và gạch ceramic (ceramic tiles) được tráng men khảm, trước đây từng được mạ vàng. Bảo tàng Opera del Duomo–Diocese of Prato, Prato ở Tuscany, Ý. (Ảnh: David von Becker/Bảo tàng Bang Berlin)
Tinh linh đang nhảy múa trên bục giảng của Nhà thờ lớn Prato, do điêu khắc gia Donatello và nghệ sĩ Michelozzo thực hiện năm 1434–38. Chất liệu: đá cẩm thạch và gạch ceramic (ceramic tiles) được tráng men khảm, trước đây từng được mạ vàng. Bảo tàng Opera del Duomo–Diocese of Prato, Prato ở Tuscany, Ý. (Ảnh: David von Becker/Bảo tàng Bang Berlin)

Tại thành phố Prato, Tuscany, hai nhà điêu khắc này đã cùng tạo tác một bục giảng bằng đá cẩm thạch. Những nhà bảo trợ đã yêu cầu họ tạo ra một loạt phù điêu với putti (những cậu bé có cánh) đang cầm huy hiệu của thành phố. Nhưng ông Donatello lại có những ý tưởng khác. Ông Rowley lưu ý rằng, bằng cách nào đó ông Donatello đã thuyết phục được những nhà bảo trợ miêu tả một điệu nhảy ngoại giáo của tinh linh trên tượng đài Cơ Đốc giáo, nơi thường có một biểu tượng cố định.

Ông Donatello đã lựa chọn những gì ông muốn tạo ra và những nhà bảo trợ phải chấp nhận điều đó. Ông Rowley nói rằng, vào thời điểm đó, rất hiếm khi làm việc theo cách như “đối với các đơn đặt hàng, mọi thứ đều được soạn thành điều lệ và giải quyết thông qua các công ty và các hợp đồng.”

Các tác phẩm đáng kinh ngạc

Ông Donatello đã dùng tài năng của mình để trở thành bậc thầy về nhiều chất liệu. Ông đã tạo ra một bức tượng bán thân chứa thánh tích bằng đồng mạ vàng của Thánh Saint Rossore, một vị thánh được tôn kính ở Pisa. Khi quan sát bức tượng bán thân của Thánh Rossore, ông Rowley nói rằng nghệ thuật của ông Donatello đã có sự tiến triển. Ông ấy đã mô tả tỷ lệ cơ thể chuẩn xác hơn và còn khắc họa được tâm lý của chủ thể. Ông Rowley cảm thấy rằng điêu khắc gia Donatello đã truyền đạt một cách hiệu quả nỗi u sầu của vị thánh vào thời khắc ngay trước khi ông tử vì đạo theo hình thức xử trảm.

Bức tượng bán thân chứa thánh tích của Thánh Rossore, do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1422–25. Chất liệu đồng, mạ vàng và bạc; 21 5/8 inch x 22 7/8 inch x 16 1/2 inch. Bảo tàng Quốc gia Saint Matthew, Pisa, Ý. (Ảnh: Lorraine Ferrier/The Epoch Times)
Bức tượng bán thân chứa thánh tích của Thánh Rossore, do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1422–25. Chất liệu đồng, mạ vàng và bạc; 21 5/8 inch x 22 7/8 inch x 16 1/2 inch. Bảo tàng Quốc gia Saint Matthew, Pisa, Ý. (Ảnh: Lorraine Ferrier/The Epoch Times)

Nổi bật nhất là thương vụ mua lại bức tượng đồng “Chellini Madonna” (Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng) của điêu khắc gia Donatello trong thế kỷ 20 trong cuộc triển lãm này. Bốn thiên thần bao quanh Đức Mẹ trong một bức phù điêu tròn, một bố cục phổ biến ở Florence. Bản thân tác phẩm này đã đặc biệt, nhưng hãy nhìn vào mặt sau: ông Donatello đã tạo ra tác phẩm này để các bản sao của tác phẩm đó có thể được đúc trong thủy tinh. Đó không phải là một kỳ công dễ dàng. Ông Rowley giải thích rằng, vào thời điểm đó, ông Donatello đang làm việc ở Padua, nơi gần Venice và là điểm khởi đầu của nhà máy thủy tinh Murano nổi tiếng hiện nay. Những người thợ làm thủy tinh gần đó chắc hẳn đã khơi dậy nỗi khao khát sáng tạo bằng chất liệu này của ông Donatello.

Tác phẩm “Chellini Madonna” (Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1450–55. Chất liệu: Đồng, mạ vàng một phần; 11 1/4 inch (đường kính) x 1 inch. Bảo tàng Victoria & Albert, London. (Ảnh: Lorraine Ferrier/The Epoch Times)
Tác phẩm “Chellini Madonna” (Đức Trinh Nữ Và Chúa Hài Đồng) do điêu khắc gia Donatello thực hiện vào khoảng năm 1450–55. Chất liệu: Đồng, mạ vàng một phần; 11 1/4 inch (đường kính) x 1 inch. Bảo tàng Victoria & Albert, London. (Ảnh: Lorraine Ferrier/The Epoch Times)

Điều đáng chú ý là, hoặc có lẽ là kinh hoàng, khi một phụ nữ quý tộc cao tuổi người Anh đã sử dụng bức phù điêu tròn bằng đồng này làm một chiếc gạt tàn mà không biết rằng đó là một kiệt tác, trước khi Bảo tàng Victoria và Albert ở London mua lại tác phẩm này vào năm 1976.

Chiêm ngưỡng từng kiệt tác khác nhau của ông Donatello trong cuộc triển lãm này giống như mở ra một món quà bất ngờ. Thật hân hoan khi được gặp lại vị điêu khắc gia điêu luyện và tài năng này, ngoài những bức tượng David của ông, và tìm hiểu về những cách mà ông đã không ngừng vươn lên để sáng tạo, phát minh và tận dụng tài năng của mình. Người ta tự hỏi thời Phục Hưng sẽ ra sao nếu không có ông.

Triển lãm “Điêu khắc gia Donatello: Nghệ sĩ đi đầu thời kỳ Phục Hưng” kéo dài đến ngày 08/01/2023, tại Gemäldegalerie, Berlin. Để tìm hiểu thêm, bạn có thể truy cập trang SMB.museum

Triển lãm Berlin do ông Neville Rowley cùng các cộng sự Francesco Caglioti, Laura Cavazzini, và Aldo Galli giám tuyển. Cuộc triển lãm này là một sự hợp tác độc đáo giữa Bảo tàng Staatliche zu Berlin (Bảo tàng Quốc gia tại Berlin), Bảo tàng Nazionale del Bargello (Bảo tàng Quốc gia Bargello) ở Florence, Fondazione Palazzo Strozzi (Quỹ Cung điện Strozzi) ở Florence, và Bảo tàng Victoria và Albert, London. Mỗi địa điểm sẽ trưng bày một phiên bản triển lãm hơi khác nhau, với một số tác phẩm và [những tác phẩm] được cho mượn khác nhau. Cuộc triển lãm này đã được khai mạc tại Florence và sẽ đến London vào tháng 02/2023.


Lorraine Ferrier

BTV Epoch Times Tiếng Anh

Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x