Trong dân gian có câu rằng: “Sinh tử có số, phúc họa có mệnh”, con người từ lúc sinh ra, tên của người đó đã được đăng ký vào sổ sinh tử, sau khi cất tiếng khóc chào đời thì cuộc đời sẽ đi theo số mệnh đã được định sẵn, mãi cho đến khi bước vào vòng luân hồi tiếp theo.
Theo sách cổ ghi chép, mỗi khi ở nhân gian xuất hiện thảm họa, âm phủ sẽ phải lập một cuốn sổ trước đó vài năm, để ghi tên của những người sẽ gặp kiếp nạn. Tuy nhiên, người ta cũng thường nói: “Trời cao có đức hiếu sinh.” Con người lâm vào cảnh khốn cùng tưởng chừng như không có lối thoát, nhưng ông trời cũng sẽ nhìn vào tâm niệm của con người mà thay đổi, mở ra cho họ một mặt lưới.
Kiếp nạn của Xuyên Sở – Âm phủ lập sổ
Vào thời nhà Thanh, Thái Tất Xương từng đảm nhận chức tri phủ của Trùng Khánh, Tứ Xuyên. Người này tuy là ở chốn quan trường nhưng lại có điểm đặc biệt: ông ta nói bản thân có thể ra vào âm phủ, biết chuyện trong âm phủ. Phúc Khang An, con trai của Đại học sĩ Phó Hằng (Thụy là Phúc Văn Tương Vương), trước khi chinh phạt Gurkha (năm 1791), Thái Tất Xương đã đến bái kiến Phúc Khang An.
Phúc Khang An hỏi về việc lành dữ của chuyến xuất chinh. Thái Tất Xương nói: “Chuyến xuất chinh này sẽ nhanh chóng kết thúc, bởi vì âm phủ chỉ lập sổ cho nó trong có vài tháng; sau đó không tới vài năm nữa, sẽ xảy ra đại kiếp nạn ở giữa khu vực Tứ Xuyên và Sở (Hồ Bắc), âm phủ đã lập sổ sách cho nó dài đến mấy năm, và vẫn chưa làm xong.”
Phúc Khang An hỏi là trong sổ kiếp nạn ở Xuyên-Sở có những cái tên nào? Thái Tất Xương nói: “Chuyện tương lai không được phép nói, chỉ nhớ mang máng Thu Phàm nắm giữ việc quân là thủ lĩnh trong cuốn sổ.” Thu Phàm mà Thái Tất Xương nói đến, chính là vị quan viên Tất Nguyên (1730 – 1797), tự là Tương Hoành, hiệu là Thu Phàm.
Năm Giáp Dần (là năm Càn Long thứ 59, tức năm 1794), Hoàng lịch là ngày 15/7, Hồng Thái Lệnh đem tiên đoán này của Thái Tất Xương nói với những người khác. Khi đó, ở trong vùng Sở không có dấu hiệu chiến loạn phát sinh, những người nghe thấy lời tiên tri này cho rằng Thái Tất Xương là nói bừa chuyện cát hung. Nhưng đến năm sau, tức là năm Càn Long thứ 60 (năm 1795), mầm mống ở Sở nổi dậy chống lại nhà Thanh. Vào năm đầu Gia Khánh (năm 1796), phái Bạch Liên giáo ở Tứ Xuyên và Sở đã tập hợp hàng trăm nghìn người dấy binh nổi loạn. Cuộc nổi loạn Xuyên Sở (1796-1804) kéo dài chín năm và cuối cùng bị quân Thanh quét sạch. Tất Nguyên dẫn quân trấn áp Bạch Liên giáo, và qua đời vào tháng 6 năm Gia Khánh thứ hai (1797) tại bản doanh ở Thần Châu, Hà Nam.
Âm phủ lập sổ sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để lập sổ. Danh sách tên họ trong sổ càng dài, cũng có nghĩa là kiếp nạn càng lớn, số người tử vong càng nhiều.
Có lúc do số lượng người chết quá nhiều, quan lại ở dưới âm phủ quá bận rộn, họ cũng sẽ yêu cầu con người thế gian hỗ trợ công việc.
Âm phủ lập sổ quá bận, mời các quan thanh liêm giúp đỡ
Họ Tra có hai tông phái nam bắc, phái Bắc tông có một người là Tra Khiêm, trong thời gian ông nắm quyền ở Hà Nam, hình phạt dành cho kẻ trộm rất nghiêm khắc. Đám đạo tặc gọi ông là “Tra nhất thương”, không dám dễ dàng làm loạn gây hại ở địa hạt của ông, cho nên khu vực ông quản lý rất uy nghiêm và thanh bình.
Sau khi Tra Khiêm bãi quan, ông sống ở Tế Ninh. Một hôm, ông có một giấc mơ. Trong mơ, hai đồng liêu đến thăm ông. Tra Khiêm đột nhiên nhớ ra hai vị này vốn đã qua đời. Họ nói: “Ông cũng sẽ không còn sống lâu ở nhân thế, hơn nữa sau này còn là đồng liêu với chúng tôi.” Tra Khiêm hỏi tại sao.
Hai người nói: “Chúng tôi ở dưới âm ty quản lý văn án. Công việc quả thực rất bận rộn và phức tạp. Cho nên muốn nhờ ngài giúp đỡ.” Thế là Tra Khiêm hỏi họ: “Các ông ở dưới âm ty quản công việc gì?” Họ nói: “Làm sổ. Có mấy trăm vạn người phải đăng ký tên vào sổ, hơn nữa thời gian cấp bách, cho nên công việc vô cùng vất vả.”
Tháng Giêng năm sau, Tra Khiêm qua đời. Không lâu sau đó, sông Trịnh Châu bị vỡ đê, và dòng nước dữ ngay lập tức đã cuốn trôi tất cả, nhấn chìm rất nhiều người. Sự việc này xảy ra vào ngày 30/9/1887, tức năm Quang Tự thứ 13, mười đoạn đê bảo vệ sông Trịnh Châu bị vỡ. Theo các ước tính thận trọng, vụ vỡ đê Trịnh Châu đã khiến 1.5 triệu người thiệt mạng. Khi đó, tăng nhân Thích Tịnh An đã viết một bài “Trịnh Châu hà quyết ca” (Vỡ sông Trịnh Châu ca) để bày tỏ sự đau buồn trong lòng. Vậy nên, mọi người vào thời điểm đó suy đoán rằng việc làm sổ sách trong mơ của Tra Khiêm có lẽ là ám chỉ việc này. Tra Khiêm lúc sinh thời làm quan liêm chính, xét xử công minh, chưa từng xử oan uổng cho tội nhân, ông sau khi chết làm một vị Thần minh dưới âm phủ và giúp đỡ việc làm sổ sách.
Trong hai câu chuyện này, có thể thấy rằng Thần minh đã an bài số phận của con người và nắm giữ phúc họa sống chết của thế nhân. Người xưa tin rằng Thần đã an bài tất cả, nắm giữ tất cả. Trong ghi chép của các quốc gia khác, khi kiếp nạn giáng xuống, một số người đã hướng ánh mắt cầu cứu đến Thần. Và lòng sùng kính chân thành của họ đối với Thần đã mở ra một cánh cửa của sinh mệnh.
Trong ôn dịch, nước Ấn Độ cổ cầu xin Thần
Thời Ấn Độ cổ, từng xuất hiện 16 quốc gia hùng mạnh, nước Kiêu Tát La là một trong số đó. Có một năm, Kiêu Tát La bùng phát đại ôn dịch. Bởi vì dịch bệnh lây lan quy mô lớn, rất nhiều người đã không may nhiễm dịch và qua đời. Nhân khẩu của nước Kiêu Tát La nhanh chóng giảm đi một nửa. Trận đại dịch này kéo dài ba năm, trong nước trên dưới không ai có thể ngăn cản ôn dịch lan tràn.
Trong ba năm này, vì ngăn cản ôn dịch, vua và quần thần Kiêu Tát La cùng bách tính cơ hồ đã dùng hết mọi biện pháp, nhưng đều vô ích. Thế là, Quốc Vương cùng các đại thần bàn bạc đối sách, nên làm như thế nào để giải trừ ôn dịch. Kết quả của việc vua tôi cùng bàn bạc, là họ chuyển ánh mắt hướng đến Thần linh cầu xin sự giúp đỡ, hướng đến Thần phát lời thề nguyện, khẩn cầu Thần linh thập phương thế giới có thể từ bi cứu vớt nước Kiêu Tát La.
Lời thề nguyện và cầu xin của vua tôi đã được Thần hồi ứng. Không lâu sau đó, Quốc Vương có một giấc mơ lạ, trong giấc mơ, có một bức tượng Thần khắp thân phóng ra hào quang sắc vàng, Phật quang xán lạn chiếu rọi khắp đại địa. Bức tượng đó duỗi tay, xoa nhẹ đầu Quốc Vương và nói rằng sẽ bảo hộ cho vương quốc Kiêu Tát La. Quốc Vương sau khi tỉnh mộng, đã đem cảnh tượng trong mộng nói cho các quần thần.
Thế là quần thần và bách tính của nước Kiêu Tát La đã dựng lên bức tượng Thần, thành tâm khẩn cầu Thần linh trợ giúp. Dưới sự che chở của Thần, ôn dịch tại nước Kiêu Tát La lặng lẽ biến mất. Và suốt 100 năm sau đó, nước Kiêu Tát La đều bình yên vô sự, không bị nạn ôn dịch quấy nhiễu.
Hướng Thần cầu miễn ôn dịch – thực hiện thệ ước mấy trăm năm
Có một câu chuyện phát sinh ở Đức. Khi bệnh dịch cái chết đen hoành hành khắp Âu Châu vào năm 1633, nó xâm nhập vào ngôi làng Opal Amegau ở Đức quốc, khiến người dân tử vong rất nhiều. Đối mặt với cái chết đen, dân làng đã bó tay bất lực, họ vô cùng sợ hãi, chỉ biết hướng đến Thượng Đế cầu khẩn và phát lời thề, cầu xin Thượng Đế xót thương con dân của ngài, giúp dân làng vượt qua kiếp nạn. Họ thề rằng, cứ mỗi 10 năm sẽ biểu diễn một lần vở kịch “Khổ nạn của Chúa Jesu” để cảm tạ sự che chở của Thượng Đế.
Lời thề này chắc chắn là một khế ước định ra giữa dân làng và các vị Thần. Kể từ thời khắc họ phát lời thề, cái chết đen cũng theo đó ngừng tấn công, không còn lấy đi tính mạng của dân làng. Vào năm sau, dân làng địa phương lần đầu tiên tổ chức biểu diễn “Khổ nạn của Chúa Jesu”. Kể từ đó, họ đã duy trì truyền thống này cho đến ngày nay, trong gần 400 năm.
Các vị Thần khác nhau đã tạo ra các chủng tộc khác nhau, quản lý các thế giới và những con dân khác nhau. Văn hóa phương Đông và phương Tây có tín ngưỡng khác nhau, ngôn ngữ cũng khác biệt, nhưng trước thảm họa của bệnh dịch, khi biện pháp của con người đều trở nên bất lực, thực tế tàn khốc buộc con người phải chuyển biến quan niệm và hướng niềm hy vọng được cứu rỗi vào Thần. Những độc giả đã từng đọc “Pharaoh và các vị Thần” có lẽ vẫn còn ấn tượng rằng, khi đối mặt với kiếp nạn phô thiên cái địa, sức mạnh thực sự có thể ngăn chặn thảm họa chính là bắt nguồn từ Thần linh. Khi con người có thể nhận thức lại chính mình, có chính tín vào Thần, thì trong kiếp nạn sẽ được ‘liễu ám hoa minh’, gặp may mắn trong lúc nguy nan.
Tư liệu tham khảo:
Epoch Times Tiếng Việt