Lúc còn rất nhỏ, tôi đã từng đến một sơn động. Tôi nhớ rõ cái hang ấy rất lớn và tối tăm. Lần theo từng bậc thang đi xuống, có thể nhìn thấy bốn phía đều là tượng tiểu quỷ trong địa ngục đang trừng phạt con người. Nào là xẻ thân người ra làm đôi, móc mũi khoét mắt, nhét người vào trong than chì mài thành bùn … Đều là các loại hình phạt đáng sợ, máu chảy đầm đìa đặc biệt dọa người. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ một số cảnh tượng trong số đó. Sau này tôi mới biết, đây là một địa điểm du lịch miêu tả địa ngục.
Sau đó, tôi bắt đầu hiếu kỳ, liệu địa ngục trong truyền thuyết thật sự có mười tám tầng không? Con người rốt cuộc đã phạm phải tội gì để phải chịu những hình phạt này? Làm thế nào tôi có thể tránh được kết cục này?
Miêu tả về địa ngục trong các tôn giáo
Trong các tôn giáo khác nhau trên thế giới đều có những mô tả về địa ngục. Chẳng hạn như trong tín ngưỡng Thiên Chúa giáo ở phương Tây, có tác phẩm “Thần Khúc” của Dante, trong đó mô tả cảnh chín tầng địa ngục và bảy tầng luyện ngục.
Trong tín ngưỡng của Trung Quốc bản địa, cũng chính là trong thế giới quan của Đạo gia, nhận thức của con người về thế giới bên kia là âm tào địa phủ, u minh, hoàng tuyền, v.v.
Đến thời nhà Hán, sau khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc, quan niệm luân hồi và địa ngục của Phật giáo dần dần dung nhập vào tín ngưỡng dân gian, hình thành nên cách nói mà hiện nay chúng ta quen thuộc nhất là “mười tám tầng địa ngục.”
Địa ngục được miêu tả trong Phật giáo
Trong “Thập bát Nê Lê Kinh” có viết “Nê Lê có tám hỏa ngục và mười hàn ngục.” Nê Lê là phiên âm của từ địa ngục trong tiếng Phạn, cũng chính là nói có tám địa ngục lửa và mười địa ngục lạnh, cộng lại thành mười tám tầng địa ngục.
Trong “Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện Kinh” có viết rằng địa ngục lớn có 18 cái, địa ngục loại trung có 500 cái và địa ngục nhỏ có 10 vạn cái. Tất cả đều có những tên gọi khác nhau.
Bất kể số lượng thế nào thì những địa ngục này đều có một đặc điểm chung, chính là đau khổ ở tầng này lớn hơn tầng kia, tội càng lớn thì phải chịu hình phạt càng tàn khốc. Dưới đây là một số trường hợp.
Tội lỗi và trừng phạt
Trong “Địa ngục Kinh,” có Phật tử hỏi: Trong địa ngục có tội nhân bị nhốt trong thành đang cháy, rõ ràng cửa ra ở bốn phía đều mở, nhưng khi có người chạy qua thì cửa liền đóng lại. Cuối cùng, những người này chạy đông chạy tây, nhưng vẫn bị lửa thiêu thành tro. Họ phạm tội gì mà bị như vậy?
Đức Phật giảng rằng: Họ là những người khi còn tại thế phóng hỏa đốt núi rừng, làng mạc, khiến người và gia súc bị thiêu sống. Cho nên phải chịu tội này.
Phật tử lại hỏi, còn có tội nhân bị vây khốn trong núi tuyết, gió lạnh thấu xương, lạnh đến cắt da cắt thịt, muốn chết mà không được, phải chịu tội mãi. Những người này phạm vào tội gì?
Đức Phật giảng: Những người này là đạo tặc, lấy trộm quần áo đồ dùng của người khác, hại người ta chết cóng, hoặc là lột sống da dê bò, khiến chúng thống khổ không chịu nổi. Cho nên phải chịu tội này.
Phật tử lại hỏi, có tội nhân bị mắc kẹt trên núi đao, trên cây kiếm, da bị cắt đứt, khớp bị chặt đứt. Những người này đã phạm tội gì?
Đức Phật giảng: Những người này khi còn sống làm nghề giết mổ, đun nấu, cắt chặt, lột xẻ súc vật, khiến chúng xương tan thịt nát, đầu một nơi chân một nẻo, rồi treo trên cao, cân đo mà bán. Cho nên, họ sau khi chết cũng phải nếm đủ cảm giác xương cốt bị cắt lìa.
Lúc đó, Tín Tướng Bồ Tát vì các chúng sinh mà khởi phát, tiến lên thưa với Đức Phật: “Thế tôn! Nay có chúng sinh chịu tội, các lính canh ngục mài cối chém thân, chém từ đầu tới chân, thậm chí cả đỉnh đầu. Chém xong, liền có làn gió thổi sống lại, lại tiếp tục bị chém. Là tội gì gây nên như vậy?”
Đức Phật giảng: Đây là những người lúc còn sống bất tín Tam tôn, bất hiếu với phụ mẫu, hoặc làm đao phủ giết người. Cho nên bị tội này.
Theo ghi chép trong “Địa Tạng Bồ Tát bản nguyện Kinh,” còn có những loại khác. Có địa ngục kéo lưỡi, lấy lưỡi của tội nhân, cho trâu cày nó. Hoặc có địa ngục lấy tim của tội nhân, cho quỷ dạ xoa ăn. Hoặc có địa ngục, vạc to nước sôi, nấu thân tội nhân. Hoặc có địa ngục, đốt đỏ trụ đồng, bắt tội nhân ôm. Hoặc có địa ngục, thiêu đốt tội nhân. Hoặc có địa ngục, luôn luôn băng giá. Hoặc có địa ngục, toàn phân và nước tiểu. Hoặc có địa ngục, chỉ có thể lơ lửng trên không. Hoặc có địa ngục, đa phần là hỏa thương tích tụ. Hoặc có địa ngục, thiêu đốt tay chân. Hoặc có địa ngục, cuộn đầy rắn sắt. Hoặc có địa ngục, xua đuổi chó sắt. v.v.
Hơn nữa, những hình phạt này đều không phải chịu đựng một lần là xong, mà hết lần này đến lần khác chịu thống khổ, trong nháy mắt khôi phục, lại tiếp tục chịu phạt.
Theo Kinh Phật ghi chép, thời gian thụ hình của những địa ngục này thì tầng dưới so với tầng trên là tăng lên gấp bội. Thời gian thụ hình ở tầng thứ nhất dành cho tội nhẹ nhất là một vạn năm, cứ như vậy mà suy ra.
Kỳ thực, mười tám tầng địa ngục cũng không phải là đáng sợ nhất. Dù sao những hình phạt này dù thời gian kéo dài bao lâu thì cũng có kết thúc, tội hoàn trả xong sẽ được thả ra, đáng chuyển sinh thành người, động vật, hay là thực vật thì phải xem tạo hóa của mỗi người.
Đáng sợ nhất chính là địa ngục vô gián, cũng gọi là địa ngục A tỳ. Có người nói đó là tầng cuối cùng của mười tám tầng địa ngục, cũng có người nói nó nằm ngoài mười tám tầng địa ngục.
Tóm lại, những người tội ác tày trời, những người thập ác bất xá (phạm mười tội nặng nhất), sau khi chết sẽ bị ném thẳng vào địa ngục vô gián. Hơn nữa, một khi rơi vào sẽ không bao giờ ra được nữa. Họ sẽ chịu khổ không ngừng nghỉ cho đến khi linh hồn bị tiêu hủy mới thôi.
Điều này không giống như nhân gian, linh hồn của con người vẫn còn sau khi thân xác tử vong. Nếu như linh hồn một người cũng chết rồi, thì người này liền thực sự chết, không còn lại thứ gì. Cho nên mới nói rằng, thế giới này thật ra rất công bằng. Cho dù một người có giảo hoạt ra sao, có tiền, có quyền lực nhiều đến đâu, một khi làm chuyện xấu thì sau khi chết đều không thể trốn thoát.
Hơn nữa những miêu tả về địa ngục mà chúng ta nói hôm nay, đều là tình huống xã hội của thời đại Thích Ca Mâu Ni từ hơn 2,500 năm trước. Con người khi đó vẫn còn phổ biến tin tưởng sự tồn tại của Thần Phật, cho nên họ sẽ tự giác ước thúc lời nói và hành vi của mình.
Thời đại ngày nay, rất nhiều người tin theo chủ nghĩa vô thần, dẫn đến tiêu chuẩn đạo đức của xã hội trượt dốc. Thời nay, không những ngày càng có nhiều thủ đoạn phạm tội độc ác hơn, mà còn xuất hiện các loại hành vi như hút thuốc phiện, buôn bán ma túy, xã hội đen, lệch lạc giới tính, v.v, Đây là những điều mà thời cổ đại không có. Vì vậy tôi cho rằng, hình phạt tương ứng của địa ngục cũng sẽ càng tàn khốc hơn.
Vậy nên, thà rằng tin là có, còn hơn không tin. Đợi đến ngày thật sự đối mặt với hậu quả, lại hối hận thì đã quá muộn rồi.
Epoch Times Tiếng Việt